Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, người dân làng Groi Wêt (xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Mặc dù đã sẩm tối, nhưng vợ chồng anh Tiu vẫn tranh thủ ủ mẻ phân bón từ vỏ trấu cà phê và nguồn phân heo để bón cho vườn cà phê. Anh Tiu bảo, từ khi biết ủ phân bón cho cây trồng, vườn cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và năm nào cũng cho năng suất cao.
Sau khi lập gia đình, năm 2015, vợ chồng anh Tiu được bố mẹ cho 6 sào cà phê. Vì không có vốn đầu tư phân bón và ít kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất cà phê đạt thấp. Năm 2018, anh Tiu được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, kỹ thuật ủ phân hữu cơ do xã tổ chức. “Sau khi tập huấn, mình biết cách bón phân đúng cách, tưới nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vườn cây. Mình nuôi heo để lấy phân bón ủ với vỏ cà phê bón cho cây trồng nên năng suất đạt cao hơn. Nếu như trước đây, mình chỉ thu 6-7 tạ cà phê nhân/năm thì 2 năm nay đều thu trên 2 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu hơn 100 triệu đồng/năm. Được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 30 triệu đồng, cuối năm 2023, mình đã xây được căn nhà vững chãi và hiện đã thoát nghèo”-anh Tiu cho hay.
Cách đó không xa, gia đình bà Bơnh cũng vừa được công nhận thoát nghèo. Trong căn nhà khang trang được xây dựng từ sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và sự đóng góp của gia đình, bà Bơnh cho biết: Bà lập gia đình vào năm 2011. Khi mới ra riêng, vợ chồng bà chỉ có hơn 200 m2 đất được bố mẹ cho để dựng tạm căn nhà tôn. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào tiền làm thuê nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ sự tích cực tuyên truyền của các hội, đoàn thể, bà biết cách tiết kiệm rồi lần lượt mua 8 sào đất để trồng cà phê. “Thời gian đầu, gia đình không có vốn đầu tư nên vườn cây cho năng suất thấp. Sau này, được các hội, đoàn thể giúp vay vốn ưu đãi, gia đình đầu tư mua phân bón cho vườn cây. Liên tục trong 3 năm gần đây, năng suất vườn cây tăng dần, mỗi năm thu 2-3 tấn cà phê nhân. Riêng năm 2023, cà phê tăng giá nên gia đình thu về hơn 140 triệu đồng”-bà Bơnh phấn khởi nói.
Câu chuyện ông Tưỹ cải thiện được thu nhập nhờ mạnh dạn học nghề ở tuổi ngoài 50 khiến nhiều người nể phục. Trước đó, gia đình ông có gần 3 ha cà phê nhưng sau khi chia cho các con, ông chỉ giữ lại 7 sào. Để tăng thu nhập, ông đã xin học lớp thợ nề. Sau đó, ông cùng với 5 hộ khác trong làng liên kết nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng. “Làm thợ nề tuy công việc không liên tục như các nghề khác nhưng thu nhập cao, mỗi ngày công 350-400 ngàn đồng. Cộng với tiền bán cà phê, mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng. Mới đây, tôi mua vật liệu về xây căn nhà khang trang trị giá hơn 600 triệu đồng”-ông Tưỹ khoe.
Ông Y Mil-Trưởng thôn Groi Wêt-cho biết: Làng Groi Wêt được thành lập năm 2019 trên cơ sở sáp nhập từ làng Groi 2 và làng Wêt. Làng hiện có 274 hộ với 1.370 khẩu, 100% là người Bahnar. Hiện nay, làng có 180 ha cà phê, 70 ha lúa nước, hơn 5 ha chanh dây trồng xen cà phê, hơn 1 ha rau màu; chăn nuôi hơn 100 con bò và một số heo, dê. Cuối năm 2023, làng chỉ còn 13 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 50 hộ có thu nhập 200-700 triệu đồng/năm.
Trao đổi với P.V, bà Lai-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar-thông tin: Người dân làng Groi Wêt không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa mà mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn tìm việc làm thêm để cải thiện thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về nhà ở, sinh kế để giúp bà con từng bước thoát nghèo bền vững; góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nhằm phấn đấu đạt chuẩn làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số vào năm 2024.