Là tỉnh có hơn 35% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 30% là dân tộc Khmer, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho bà con vượt khó, thoát nghèo; các địa phương trong tỉnh ghi nhận nhiều cá nhân, gia đình đã thay đổi phương thức việc làm, từ đó tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp
Xác định công tác dân tộc và chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án… trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trong đó, có việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, từng bước giúp bà con có thêm điều kiện làm ăn, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên để ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Văn Sữa, ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, một trong những hộ được hỗ trợ mô hình nuôi dê vui mừng kể: “Tháng 11.2022, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con dê theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Quá trình nuôi tôi thấy cũng khá đơn giản, chủ yếu lấy công làm lời, không tốn quá nhiều chi phí. Hiện tôi nuôi được 4 con, dự định sẽ tiếp tục tăng đàn nhiều hơn rồi mới bán”. Không chỉ vậy, gia đình ông Sữa cũng đang được hỗ trợ xây dựng nhà ở để thoát cảnh nắng chiếu mưa dột phải chịu đựng thời gian qua.
Nhắc đến câu chuyện tìm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Trần Trí Vân cho biết, hiện nay thị xã đang thực hiện, thẩm định 15 mô hình nuôi heo, nuôi dê, nuôi bò, nuôi cua, nuôi tôm cho 352 hộ nghèo, hộ cận nghèo thụ hưởng, tổng mức vốn được phân bổ trên 4,1 tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm theo lộ trình nên đối tượng thụ hưởng không còn phù hợp với nhu cầu vốn của giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn phân bổ chậm nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất chưa bảo đảm khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm nên khó nhân rộng mô hình.
Với tỷ lệ gần 50% dân số là người Khmer, huyện Châu Thành là một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và có đến 946 hộ nghèo. Năm 2023, huyện đã đầu tư chuyển đổi ngành nghề cho 228 hộ gia đình bằng nhiều hình thức như tặng xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe gắn máy để chạy xe ôm và làm phương tiện di chuyển; 7 hộ được hỗ trợ đất và 111 hộ được hỗ trợ về nhà ở.
Các địa phương khác cũng đã chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề như: huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ với số tiền 290 triệu đồng trong 9 tháng; huyện Mỹ Tú hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề trong các năm 2021 - 2023… Từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã có sinh kế ổn định, giúp gia đình tăng thêm thu nhập, có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.
Nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề cho bà con dân tộc những năm gần đây được tỉnh quan tâm thực hiện đúng đối tượng, theo quy định. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 4.500 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.223 hộ, triển khai xây dựng 113 công trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Sóc Trăng còn chỉ đạo 19 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tập trung ưu tiên đào tạo nghề, trang bị kiến thức kỹ năng nghề cho 45.700 người, trong đó chủ yếu là người DTTS, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020.
Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, miền núi. Đặc biệt, sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng sự quyết tâm thoát nghèo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giúp kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng ngày một phát triển, đời sống đồng bào ngày một tốt hơn. Đồng thời giúp người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương. Các chính sách dân tộc, dự án khác của Đảng, Nhà nước và địa phương đã giúp tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer hàng năm giảm trên 4,5%.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha, cho biết, khi thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số đều rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời khai thác và sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả, ổn định.