Đời sống xã hội

Tạo sinh kế từ tài nguyên bản địa

Thúy Hạnh 06/11/2023 - 13:29

Nói đến chiếc áo bà ba, mọi người đều nghĩ ngay đến vùng đất Nam Bộ. Chiếc áo đã gắn liền với các bậc tiền nhân từ thuở mang gươm đi mở cõi, khai phá vùng đất phương Nam. Là tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế với vùng trồng khóm (dứa) hơn 2.800 hecta, Hậu Giang đã dùng tơ khóm để dệt vải, tạo ra chiếc áo bà ba truyền thống. Đây không chỉ là một lợi thế trong phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch khóm.

6-11-23-chi-em-phu-nu-thu-hoach-khom-cau-duc.png
Chị em phụ nữ thu hoạch khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, Thành phố Vị Thanh

Quả dứa được người dân vùng Nam Bộ gọi là khóm. Đây là một loại cây dễ trồng và quen thuộc đối với bà con nông dân. Sau khi thu hoạch, chế biến, người nông dân sẽ bỏ đi, lãng phí cả triệu tấn lá khóm hàng năm. Bởi nếu không được chế biến thành sợi, lá khóm thường bị đốt bỏ.

Nhằm nâng cao giá trị của cây khóm và tận dụng nguồn phụ phẩm này, một nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu ra sản phẩm “vải làm từ sợi lá khóm”, bằng những ứng dụng công nghệ mới.

Với đặc tính của sợi khóm bền, dai, nhẹ, dễ nhuộm màu, kháng khuẩn… phù hợp để tạo vải. Nhóm đã được sự quan tâm và đặt hàng của một số đơn vị dệt may lớn. Sự phát triển của công nghệ biến lá của cây khóm thành sợi vải, may thành quần áo, giúp ngành thời trang tiếp cận gần hơn với thế giới.

6-11-23-tu-soi-to-la-khom-da-tao-nen-chiec-ao-ba-ba-truyen-thong.jpg
Từ sợi tơ lá khóm, đã tạo nên chiếc áo bà ba truyền thống

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững, cách đây không lâu, sự kiện văn hóa độc đáo Festival Áo bà ba – Hậu Giang 2023, lần đầu tiên được tỉnh Hậu Giang tổ chức. Sự kiện ý nghĩa này là nơi tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống Nam Bộ. Đặc biệt hơn, là chiếc áo bà ba được làm từ cây khóm Cầu Đúc (một loại khóm thuộc giống Queen - nữ hoàng), là cây trồng chủ lực trên vùng đất phèn của tỉnh Hậu Giang, kết hợp với tơ tằm và được các nghệ nhân ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Nha Xá (Hà Nam) thực hiện.

Nhà thiết kế Huệ Thi cho biết: “Thời trang cũng được dựa trên nền tảng văn hóa, không chỉ là mặc mà chiếc áo bà ba còn phản ánh về con người và vùng đất Nam Bộ. Không chỉ là chiếc áo bà ba, là khóm Cầu Đúc, mà còn là văn hóa của người dân Nam Bộ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Hồ Thị Ánh chia sẻ: “Hậu Giang có hơn 2.800 hecta khóm. Nhưng từ trước tới nay chỉ bán trái thông thường, còn lại các sản phẩm khác từ khóm đều bỏ làm phân bón, vì không khai thác được các giá trị của khóm. Học tập từ một số nước trên thế giới, tận dụng từ tơ lá khóm, chúng tôi đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tạo ra cơ sở để sản xuất sản phẩm từ tơ khóm”.

6-11-23-net-dep-trong-lao-dong-cua-nguoi-phu-nu-so-che-khom.jpg
Nét đẹp trong lao động của người phụ nữ sơ chế khóm

Sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường để chế tác những vật dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ý tưởng dùng tơ sợi lá khóm để dệt vải, may thành chiếc áo bà ba vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa tăng giá trị cho cây khóm. Từ đây, người dân càng thêm yêu mến cây khóm Cầu Đức và chiếc áo truyền thống của quê hương.

Việc sáng tạo dùng tơ lá khóm dệt vải may áo bà ba đã nâng tầm giá trị của khóm Cầu Đúc, thúc đẩy du lịch cộng đồng đến với thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, vùng trồng lá khóm còn cung cấp nguyên liệu bền vững cho ngành may mặc. Người nông dân lại có thêm việc làm ngay tại địa phương, tạo được sinh kế cho bà con nông dân, những người yếu thế để có thêm thu nhập từ phụ phẩm lá khóm.

6-11-23-nang-cao-gia-tri-cay-khom-la-khom-gia-duoc-thu-gom-de-san-xuat-thanh-to-soi-det..png
Lá khóm già được thu gom để sản xuất thành tơ sợi dệt.

Xu hướng chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng trong ngành dệt may đang được các quốc gia trên thế giới và người tiêu dùng đặc biệt chú trọng. Loại vải từ xơ tự nhiên thân thiện môi trường, không cần tái chế, từ nguồn nguyên liệu khóm Cầu Đúc lại dồi dào, dễ tái sinh. Do đó, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, là xu hướng mà các nước đã và đang hướng tới, cũng là con đường mà tỉnh Hậu Giang đang theo đuổi.

6-11-23-soi-to-tu-la-khom.png
Sợi tơ từ lá khóm

Để tạo ra được một tấm vải từ sợi lá khóm phải trải qua nhiều công đoạn. Khâu chọn lá, tách sợi, phơi sợi do bà con nông dân. Trong đó, có những người phụ nữ dân tộc thiểu số đảm nhận. Công đoạn se chỉ, có thể là từ bàn tay của những người khuyết tật. Dệt và thêu do phụ nữ tại làng nghề dệt truyền thống phụ trách.

Từ thực tế, khi sử dụng một sản phẩm từ sợi lá khóm, người tiêu dùng đã trực tiếp thúc đẩy một chuỗi giá trị phát triển bao gồm các giá trị về môi trường, xã hội mang đậm tính nhân văn và truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO