Chính sách

Quan tâm chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Trúc 27/12/2023 - 08:49

Tỉnh Gia Lai luôn quan tâm thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình, trẻ em, bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Vượt kế hoạch bao phủ bảo hiểm y tế

Là tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2023, toàn tỉnh đã có 1.468.644 người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số, vượt trên 100% kế hoạch bao phủ bảo hiểm y tế năm 2023, tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước, có khoảng 180.000 người dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 70% đến 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có trên 15.000 học sinh. Ước đến cuối năm 2023 có 218.454 người được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 48/2022/NQ-HĐND, đạt 76% số người cần hỗ trợ; trong đó hộ gia đình cận nghèo trên 66.000 người; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình hơn 116.000 người; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên 35.800 người.

_tuyen_truyen_cho_nguoi_dan_vung_dan_toc_thieu_so_o_gia_lai_ve_quyen_va_loi_ich_khi_tham_gia_bao_hiem_y_te.jpg
Tuyên truyền cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. Nguồn: ITN

Để chính sách bảo hiểm y tế mới sớm đến với người dân, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các địa phương tập trung rà soát kỹ nhóm đối tượng, lập danh sách người thuộc diện được hưởng chính sách bảo hiểm y tế mới. Mục tiêu là bảo đảm không bỏ sót, không trùng lặp, không sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền lợi về bảo hiểm y tế của người dân.

Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai còn liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục để triển khai bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Đây là đối tượng theo quy định tại Nghị định 75, được ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%, ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Gia Lai. Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai tích cực đôn đốc triển khai chính sách bảo hiểm y tế mới giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, văn minh và phát triển.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Gia Lai cũng chú trọng tới phát triển chất lượng dân số thông qua chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời. Trong đó, các vấn đề về khám thai cho phụ nữ mang thai, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sinh con an toàn; trẻ được tư vấn và chăm sóc về dinh dưỡng, tiêm chủng. Các biện pháp được triển khai đồng bộ, đặc biệt là vấn đề tập huấn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở về vai trò chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn mới, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông thay đổi hành vi ở người dân tộc thiểu số.

Tỉnh Gia Lai cũng là điểm sáng cũng phối hợp với tổ chức UNFPA và “MSD for Mothers” triển khai dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau" với nội dung can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Chương trình được triển khai tại 14 xã, thuộc 4 huyện tại tỉnh Gia Lai gồm Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê và Kông Chro. Dự án nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những hoạt động nổi bật là đào tạo, tập huấn cho các cô đỡ thôn bản tại các xã triển khai dự án. Qua tập huấn, các cô đỡ thôn bản có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em. Từ sự hỗ trợ của Dự án, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức chiến dịch khám chữa bệnh miễn phí và kết hợp thực hiện truyền thông kế hoạch hóa gia đình cho khoảng 2.800 phụ nữ người DTTS. Trung tâm còn đào tạo cho các nhân viên, cán bộ phẫu thuật sản khoa nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về cung cấp dịch vụ hồi sức cấp cứu sản khoa, phẫu thuật sản khoa...

Đến nay, điều đáng mừng là tỉnh Gia Lai đã kéo giảm được tỷ lệ tử vong người mẹ xuống 40%, trên 60% phụ nữ được khám thai định kỳ, hơn 91% phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ, gần 75% trẻ được chăm sóc theo quy trình sản khoa mới EENC nhằm giảm tai biến sản khoa và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Theo Báo Người Đại biểu nhân dân
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO