Tình hình sức khỏe của người cao tuổi dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng chăm sóc sức khỏe cho nhóm này nên đã được cải thiện đáng kể.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 45 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 26,9% dân số toàn tỉnh. 7 dân tộc thiểu số đông dân nhất là: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.
Những năm gần đây số lượng người cao tuổi tăng mạnh. Hiện số người từ 60 tuổi trở lên của tỉnh này là trên 202.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 70% người cao tuổi sống ở nông thôn.
Số người cao tuổi tăng là thành tựu của sự phát triển, tuy nhiên vấn đề đó cũng đang là thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm nên người cao tuổi gặp không ít bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm và mãn tính.
Trong khi đó, môi trường sống của người cao tuổi dân tộc thiểu số trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, với các yếu tố như hạ tầng, khoảng cách đến cơ sở y tế và khả năng kinh tế giới hạn...
Vấn đề được đặt ra, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những khó khăn lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Với việc thực hiện Dự án 7, Thái Nguyên phấn đấu ít nhất 35% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ ngày 12 - 14/9, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ.
Các buổi tập huấn thu hút 104 cán bộ là trưởng trạm, phó trưởng trạm và cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của trạm y tế các xã, thị trấn.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được truyền đạt các kiến thức chuyên môn và kỹ năng về nguyên tắc khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, các bệnh người cao tuổi thường gặp như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, gout…
Trong năm, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức ra quân “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023, được tổ chức ở huyện Võ Nhai.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.
Huyện Võ Nhai, với dân số có trên 70.000 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 72% dân số toàn huyện bao gồm Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan, Sán Chí, Hoa, Số người cao tuổi trên địa bàn huyện là 9.131 người, chiếm tỷ lệ 12,13% dân số. Thời gian qua Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai luôn quan tâm chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ngoài việc duy trì và phát huy hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ cho người cao tuổi, trong huyện Võ Nhai hiện có gần 9.000 người cao tuổi, trong đó có gần 8.000 người cao tuổi tham gia sinh hoạt tại 153 cơ sở hội. Hàng năm huyện đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi.
Theo thống kê, đến hết tháng 8/2023 tổng số lượt khám cho người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trên 9 nghìn lượt chiếm 31% khám; tổng số lượt điều trị nội trú cho người bệnh cao tuổi từ 60 tuổi trở lên 12.022 lượt; tổng số ngày điều trị nội trú cho người cao tuổi là 42.825 ngày.
Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh thái nguyên về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Võ Nhai đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các Kế hoạch triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn, đặc biệt với người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo hướng dẫn Chương trình MTQG 1719.
Ngoài ra, để triển khai tốt công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn năm 2023, TTYT huyện Võ Nhai xây dựng kế hoạch và phối hợp với Hội người cao tuổi huyện tiếp tục triển khai khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn toàn huyện đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu năm 2023 khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho người cao tuổi đạt trên 30%. Công tác chăm sóc, điều trị các bệnh thường gặp cho người cao tuổi TTYT luôn chuẩn bị sẵn sàng dành chỉ tiêu giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi tại các khoa khối điều trị tại đơn vị là ít nhất 10% số giường kế hoạch của TTYT...
Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại huyện Võ Nhai đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các vùng núi và hẻo lánh, việc xây dựng các trạm y tế cộng đồng là một yếu tố quan trọng.
Đồng thời, để tạo điều kiện tiếp cận y tế tốt hơn và đảm bảo sự tôn trọng đối với văn hóa của người cao tuổi dân tộc thiểu số, tỉnh tiếp tục tạo cơ hội để đào tạo và tuyển dụng nhân lực y tế địa phương, đặc biệt là người thuộc cộng đồng dân tộc.
Khuyến khích các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các hoạt động, mô hình liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn huyện và bảo đảm các nguồn lực thực hiện chương trình.
Tăng cường các chương trình tư vấn và giáo dục về sức khỏe được tổ chức để tăng cường hiểu biết về dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và các vấn đề sức khỏe quan trọng khác. Điều này giúp người cao tuổi dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về cách duy trì sức khỏe.
Việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi dân tộc thiểu số trong tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên để đảm bảo rằng người cao tuổi được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc trong cộng đồng. Nỗ lực này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi mà còn giữ vững và bảo tồn văn hóa đa dạng của dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên.