Nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số (DTTS); phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là một trong những trọng tâm của Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình) đang được tỉnh Lào Cai tích cực triển khai trong hơn 2 năm qua.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Lào Cai đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gày còm dưới 5%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thế thấp còi dưới 27%.
Theo Kế hoạch số 284/KH-UBND Thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai được UBND tỉnh Lào Cai ban hành ngày 15/8/2022, nhiệm vụ và nội dung thực hiện Dự án 7 bao gồm: Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi: dự án công trình Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai (giai đoạn 2); Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS.
Lào Cai là một trong những tỉnh có tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở mức cao, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào DTTS. Năm 2022, tỉnh Lào Cai duy trì các hoạt động theo dõi tăng trưởng cho trẻ tại cơ sở. Tỷ lệ trẻ < 5 tuổi được cân đo đạt trên 97%; trên 70% trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; trên 98% trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A...
Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em <5 tuổi vẫn ở mức cao chiếm 15,03%, tỷ lệ suy dinh dưỡng về chiều cao/tuổi là 26,93%, trong đó có sự chênh lệch giữa các huyện, xã vùng cao, người DTTS so với các huyện, xã vùng thấp thành phố. Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã có nhiều kế hoạch triển khai các hoạt động tư vấn dinh dưỡng cho học sinh các bậc tiểu học, trung học cơ sở và cho các cơ sở giáo dục trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã thực hiện cân đo tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 16 tuổi tại 4 huyện nghèo là Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát. Qua đó, những trường hợp trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi sẽ được can thiệp dinh dưỡng trong thời gian sớm nhất đảm bảo trẻ có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Lào Cai cũng đưa ra nhiều kế hoạch triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Theo đó, tập trung các chiến dịch bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai, bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, phụ nữ sau sinh 1 tháng. Trẻ em được tẩy giun. Đã có 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được được cân theo dõi tăng trưởng.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao tầm vóc trẻ em vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, Lào Cai còn tích cực tham gia triển khai các hoạt động chăm sóc bà mẹ và trẻ em như: Làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho trẻ.
Một trong những dự án tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai mở rộng đó là mô hình Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng. Mô hình này được ra đời nhằm quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào cộng đồng; đặc biệt, chủ động can thiệp vào “1.000 ngày vàng” ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi. Sau 7 năm triển khai, Lào Cai xây dựng được gần 50 mô hình, cho hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, vừa qua, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khảo sát tại 3 xã vùng cao: Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) để triển khai mô hình điểm về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đối với trẻ em DTTS ở địa phương. Tại các xã vùng cao này, Đoàn công tác đã khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hộ gia đình, tập trung vào các cây con giúp cải thiện dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn bản và thành lập, vận hành Câu lạc bộ dinh dưỡng tại thôn bản.
Một mô hình đã và đang được triển khai hiệu quả để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc, thể trạng cho trẻ em ở huyện Bắc Hà, Lào Cai đó là mô hình Câu lạc bộ "Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng". Tới nay, đã có 6 mô hình được triển khai tại 6 xã là Bản Phố, Nậm Đét, Nậm Mòn, Cốc Lầu, Thải Giàng Phố và Bản Liền. Tham gia một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ, nhiều phụ nữ DTTS đã được bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về cách tô màu bát bột cho trẻ, cách chăm sóc trẻ đúng phương pháp khoa học, biết theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ.
Trong tháng 11 vừa qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia vừa tiến hành khảo sát tại 3 xã vùng cao: Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) để triển khai mô hình điểm về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đối với trẻ em DTTS ở địa phương. Theo đó, tại các xã vùng cao này, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hộ gia đình, tập trung vào các cây con giúp cải thiện dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Đồng thời tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn bản và thành lập và vận hành các Câu lạc bộ dinh dưỡng tại thôn, bản.