Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Cồng chiêng vào hội |
Nhằm triển khai có hiệu quả việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 18 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 540 học viên, việc truyền dạy cồng chiêng được phổ biến rộng rãi, lồng ghép nhiều chương trình, dự án của các đơn vị, địa phương. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phát 29 bộ cồng chiêng từ nguồn kinh phí dự án.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng cũng như nhiều giá trị văn hóa khác trên địa bàn tỉnh nhằm tránh sự mai một về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cần phải có những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, thực sự am hiểu về cồng chiêng, có tâm huyết trong việc gìn giữ và truyền thụ cho con cháu. Điều này thực sự rất khó khăn, bởi hiện nay các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng ngày càng lớn tuổi, số lượng rất ít.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: “Thực tế cho thấy, để bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa cồng chiêng nói riêng, những giá trị văn hóa khác nói chung rất cần những nghệ nhân “lành nghề” trong việc truyền dạy, đào tạo cho lớp trẻ. Mặt khác, cần phải có chế độ thù lao cho họ, hàng năm cần phải tổ chức đào tạo để nâng cao kỹ năng “thầy giáo” hệ thống hóa kiến thức để nâng cao việc dạy và học. Bên cạnh kiến thức, họ còn có cảm hứng để "truyền lửa" cho thế hệ trẻ để các em có lòng đam mê, tình yêu với cồng chiêng, văn hóa truyền thống của đồng bào mình”.
Thông qua các lớp tập huấn về cồng chiêng, bước đầu đã thu được những kết quả rõ nét, các nghệ nhân đã được các chuyên gia, nghệ nhân cồng chiêng có kinh nghiệm hướng dẫn về các kỹ năng như: chỉnh chiêng, nguyên lý về chế tác cồng chiêng, đặc tính về âm thanh cũng như diễn tấu... Đặc biệt, sau khi các nghệ nhân tham gia các lớp tập huấn, họ rất thích thú, bởi qua lớp học họ hiểu thêm được những kiến thức mới mẻ và bổ ích về cồng chiêng. Từ đó, giúp họ nâng cao hiệu quả trong việc truyền dạy cồng chiêng cho học trò tại chính buôn làng của họ.
“Mình thường tham gia dạy cồng chiêng cho các cháu ở trong thôn nhưng bằng kinh nghiệm học từ cha ông truyền lại, nên mình cũng chưa hiểu hết về giá trị của cồng chiềng và cách truyền dạy. Cảm ơn cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho mình tham gia lớp tập huấn, mình hiểu thêm về kiến thức cồng chiêng và học được nhiều cái hay từ các nghệ nhân khác, đặc biệt những kiến thức mà thầy giáo hướng dẫn”, Nghệ nhân Ưu tú K’Tiếu, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hoài cho biết thêm: “Thực tế cho thấy, việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thời gian tới là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc gìn giữ đậm đà bản sắc văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn hóa khác nói chung của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Chính vì vậy, lãnh đạo Sở hết sức quan tâm và xem đây là một trong những hoạt động chính của ngành trong năm 2024”.
Đặc biệt, thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai mở các lớp tập huấn về truyền dạy cồng chiêng tại các huyện Đam Rông, Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng.
Hy vọng rằng, việc triển khai công tác tập huấn về truyền dạy cồng chiêng cho các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt việc truyền lửa cho thế hệ trẻ đam mê với văn hóa của chính dân tộc mình.