Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhấn mạnh: "Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị di sản".
Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Ninh Bình thời kỳ mới, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm, xây dựng văn hóa trở thành động lực mạnh mẽ, sức mạnh nội sinh để phát triển toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội.
Theo đó, để biến những chủ trương, quan điểm về văn hóa trở thành hành động thiết thực, khơi nguồn cho văn hóa phát triển, nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể đã được triển khai. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90 về phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021-2030".
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 132 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Ngân sách chi thường xuyên được tăng cường, tạo bước đệm vững chắc phát triển văn hóa của tỉnh, đồng thời thể hiện quyết tâm phát triển văn hóa-thế mạnh của tỉnh Ninh Bình.
Mặc dù có giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến một số hoạt động văn hóa, thể thao phải tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian tổ chức, nhiều nhiệm vụ mới phát sinh ngoài kế hoạch, tuy nhiên, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Lễ hội Hoa Lư 2021; Lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình (1822 - 2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2022); Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO;
Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022; Cuộc thi "Người đẹp Hoa Lư" lần thứ III; Festival Ninh Bình năm 2022 - Tràng An kết nối di sản; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2023); Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình - truyền thống và hiện đại"... Thông qua đó đề cao sức mạnh văn hóa trong tiến trình lịch sử, trong bối cảnh hiện tại; đưa ra nhiều gợi mở, giải pháp tích cực thúc đẩy văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị trong sự phát triển chung của xã hội.
Cùng với đó, hàng loạt chương trình, hoạt động, hành động cụ thể trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trong đời sống xã hội diễn ra sôi nổi. Cả hệ thống chính trị và người dân đều cảm nhận rõ hơn về giá trị, ý nghĩa văn hóa đã và đang được lan tỏa. Các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được duy trì hoạt động có hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 142/143 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 99,3%), 140/143 xã, phường, thị trấn có khu thể thao (đạt 97,9%), có 1.601/1.679 (đạt 95,35%) thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao.
Hệ thống sân bãi dành cho hoạt động thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em được củng cố, chỉnh trang, nâng cấp với 685 sân cầu lông, 212 sân thể thao cơ bản, 450 sân bóng đá, 75 sân quần vợt, 437 sân bóng chuyền, 148 sân bóng rổ, 96 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đơn môn, 43 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng…
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên tại cộng đồng dân cư. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ, phát huy, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư.
Năm 2022, toàn tỉnh có 91,86% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có 97,56% khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 850/1.085 (đạt 78,34%) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa… Công tác bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm.
Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: "Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê" xã Yên Từ, huyện Yên Mô và "Nghề cói Kim Sơn" huyện Kim Sơn; "Nghề thêu ren Ninh Hải", xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và "Ẩm thực Kim Sơn", "Mo Mường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình"; Phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa "Nghệ thuật Chèo đồng bằng Sông Hồng".
Phối hợp tổ chức thành công các Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư"; "Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới"; "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình"…
Trên chặng đường tiến tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, ngành Văn hóa và Thể thao phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành một số chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm như: Tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; tỉ lệ khu dân cư văn hóa đạt 92%; tỉ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 80%; tỉ lệ xã, phường có nhà văn hóa đạt 98,5%; tỉ lệ khu dân cư có nhà văn hóa đạt 97%; có 20-25 di tích được tu bổ, tôn tạo hằng năm; số di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia từ năm 2021 đến năm 2025 là 40 di tích; hoàn thành "Dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ học và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư"...
Xác định, tinh thần văn hóa là kim chỉ nam trong quá trình thực hiện và tiếp tục được khai thác, sáng tạo, vận dụng vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng quê hương Ninh Bình đổi mới, hội nhập, giữ được các giá trị văn hóa bền vững trong quá trình phát triển.