Văn hóa

Phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa

Đào Linh 21/10/2023 - 11:01

Bình Liêu (Quảng Ninh) có 96% dân số là đồng bào DTTS, cao nhất toàn tỉnh. Những cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... nơi đây với vốn văn hóa đa dạng, quý báu là nguồn tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.

1810binh-lieu20231019091220.7620200.jpg
Du khách trải nghiệm thác Khe Vằn và chụp ảnh kỷ niệm với các cô gái Sán Chỉ

Vốn quý về tài nguyên văn hóa

Về Bình Liêu là về với mảnh đất của những sắc màu văn hóa đa dạng. Mỗi dân tộc lại có những trang phục, điệu hát riêng, dễ phân biệt mà đã gặp, đã thấy một lần ít ai có thể quên. Người Tày mặc áo chàm đen, có điệu hát then, đàn tính dìu dặt, say đắm. Người Dao Thanh Phán mặc trang phục truyền thống được thêu hoa văn, họa tiết cầu kỳ, rực rỡ và có điệu pả dung ngân nga, sâu lắng. Còn phụ nữ Sán Chỉ lại có bộ trang phục truyền thống áo xanh, váy đen duyên dáng và điệu hát giao duyên soóng cọ trữ tình, ngọt ngào.

Bình Liêu cũng là mảnh đất của các hội và lễ hội đặc sắc diễn ra suốt 4 mùa. Những hoạt động không chỉ phản ánh niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt của cộng đồng dân cư mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ và sự giao thoa văn hóa của các dân tộc cùng chung sống tại Bình Liêu. Mùa xuân, hạ, Bình Liêu có lễ hội đình Lục Nà, Hội hát soóng cọ, Hội Kiêng gió; mùa thu, đông, mảnh đất vùng biên viễn lại có hội mùa vàng, hội hoa sở...

Mỗi dân tộc ở Bình Liêu với phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng, đã dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển kinh tế du lịch.

Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Xác định việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2020.

Bình Liêu cũng xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Bình Liêu tập trung thực hiện quy hoạch về kiến trúc nhà ở, bảo tồn trang phục truyền thống, trùng tu di tích, phục hồi, phát triển các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để tạo sự đồng nhất và mang lại những nét đặc trưng riêng cho mỗi dân tộc.

Cụ thể, với công tác quản lý di tích, bảo tồn các lễ hội, đến nay, huyện Bình Liêu đã có đình Lục Nà, thác Khe Vằn và ruộng bậc thang được công nhận là di tích, danh thắng cấp tỉnh; nghi thức diễn xướng then cổ của dân tộc Tày Bình Liêu được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội đình Lục Nà, hội hát tháng ba, hội kiêng gió được khôi phục theo nguyên gốc, thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá. Đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của công đồng các dân tộc thiểu số, Bình Liêu hiện đang phối hợp với Sở VH-TT lập hồ sơ xét công nhận điệu hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Hội kiêng gió của người Dao Thanh Phán, Lễ mừng cơm mới của người Tày là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Phát huy vai trò của người dân trong tham gia bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, huyện chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB văn nghệ. Đến nay, huyện Bình Liêu có 7 CLB cấp xã, thị trấn, 28 CLB văn nghệ thôn duy trì sinh hoạt đều đặn. Bình Liêu có 6 Nghệ nhân ưu tú được vinh danh ở cấp Nhà nước.

Nhằm khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của người dân với trang phục truyền thống đại diện cho văn hóa của dân tộc mình, Huyện uỷ Bình Liêu đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, vận động CBCCVC, giáo viên, học sinh mặc trang phục dân tộc ít nhất 2 buổi/tuần trong các ngày làm việc và trong các hội nghị, sự kiện lớn của huyện.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đều triển khai thực hiện. Mặc trang phục truyền thống giờ đây đã trở thành nền nếp, góp phần lan tỏa ý thức và niềm tự hào dân tộc, tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới nhận thức của mỗi người dân về việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu, cho biết: Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, huyện Bình Liêu xây dựng 7 nhóm sản phẩm chuyên đề, nổi bật là du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm các lễ hội, ngày hội truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ; xây dựng các bản làng văn hóa đặc trưng cho các dân tộc thiểu số thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc...

Trong đó, huyện đang triển khai xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), bản văn hóa người Sán Chỉ (thôn Lục Ngù, xã Húc Động) gắn với du lịch sinh thái thác Khe Vằn, bản văn hóa người dân tộc Dao Thanh Phán tại thôn Sông Moóc (xã Đồng Văn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO