Văn hóa

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống cho giới trẻ

Nguyên Vy 19/10/2023 - 08:50

Thời gian gần đây, các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang ở Kon Tum đã tạo sự lan tỏa, tính kế thừa trong lớp trẻ về bảo tồn, phát di sản văn hóa truyền thống. Điều đó được thể hiện ở việc ngày càng nhiều đội cồng chiêng, múa xoang nhí trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân “truyền lửa”

Từ nhiều năm nay, nghệ nhân Y Thanh đảm nhiệm vai trò truyền dạy múa xoang cho các em học sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Đăk Kôi. Nghệ nhân Y Thanh cho hay: “Xoang là điệu múa mang tính cộng đồng và ai cũng có thể tham gia. Ở đâu có lễ hội và tiếng cồng chiêng vang lên là ở đó có điệu múa xoang.

Đầu tiên phải giúp các em nhận biết được cách đi xoang như thế nào, cử chỉ, điệu bộ ra sao. Có thể lúc đầu còn lộn xộn, các động tác xoang còn vụng về, lúng túng nên người dạy phải kiên trì theo dõi và uốn nắn cho các em.

Trong quá trình tập luyện cho các em, ngoài việc dạy các điệu múa xoang thì tôi luôn cố gắng tạo nên nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ cùng chung tay bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc ngay tại mảnh đất mình sinh ra”.

Cũng theo nghệ nhân Y Thanh thì trong quá trình tập luyện cho các em, phát hiện có nhiều em có kiến thức rất cơ bản về các điệu múa xoang. Đó là bởi các em đã được truyền daỵ từ cha mẹ. Chính vì thế mà khi truyền dạy, các em tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.

1(4).jpg
Già làng, nghệ nhân xã Đăk Tờ Re tích cực truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên

Vào tối thứ năm và thứ bảy hàng tuần, sân nhà rông thôn 8, xã Đăk Tờ Re lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của cồng chiêng cùng những nhịp xoang. Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, nghệ nhân Y Đưi, Y Đương say sưa hướng dẫn các cô gái những điệu xoang uyển chuyển của người Ba Na.

Nghệ nhân Y Đương thôn 8, xã Đăk Tơ Re cho biết: "Bản thân tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho các em những điệu múa của cồng chiêng, xoang của dân tộc mình. Bên cạnh đó bản thân tôi sẽ cố gắng tìm tòi thêm những điệu múa xoang hay ở các thôn khác, để truyền dạy cho các em, những điệu múa này phù hợp với lứa tuổi các em, giúp các em dễ tiếp thu hơn".

Muốn múa xoang đẹp phải có bàn tay mềm, nhẹ; phần eo, mông thì phải uyển chuyển và gương mặt phải thật sự biểu cảm. Bao đời nay, người trong làng vẫn lưu giữ điệu múa xoang truyền thống. Vì vậy, để góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống đó tôi luôn cố gắng hết mình để truyền dạy những điệu múa xoang cho các thiếu nữ trong làng. Tôi hy vọng từ những gì học được các em sẽ tiếp nối để giữ gìn và truyền lại văn hoá cho thế hệ sau”.

hi.jpg
Nghệ nhân Y Thanh truyền dạy múa xoang cho các em học sinh xã Đăk Kôi

Các già làng, nghệ nhân trên địa bàn xã Đăk Tơ Re luôn tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Hiện xã đang duy trì 10 đội cồng chiêng, múa xoang tại 7 thôn đồng bào DTTS.

Y Thuyết học sinh trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Đăk Kôi tâm sự: "Con cảm thấy rất vui khi được vào lớp cồng chiêng này, lớp bọn con cũng rất cố gắng học múa cũng rất là hay. Tụi con sẽ cố gắng hơn nữa, những gì chúng con học được sắp tới đây nếu trong làng có lễ hội gì thì tụi con sẽ tham gia múa".

Em Y Mẫn - học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Đăk Kôi là một trong những học viên có năng khiếu và đam mê múa xoang.

Y Mẫn cho biết: “Em rất vui khi được các nghệ nhân truyền dạy điệu múa xoang truyền thống của dân tộc mình. Được mặc bộ trang phục truyền thống và thực hiện các điệu múa xoang em rất tự hào. Bản thân em sẽ tiếp thu và thực hiện tốt hơn nữa các điệu múa xoang để không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hoá mà còn để truyền đạt lại cho các em của mình sau này”.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy đã phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị trường học tổ chức được 16 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho 400 học viên là thanh thiếu niên DTTS. Tham gia lớp học, các học viên được những nghệ nhân truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang.

Sau khi hoàn thành, mỗi lớp có thể diễn tấu từ 2-3 bài cồng chiêng, múa xoang của chính dân tộc mình thường được dùng trong các lễ hội của buôn làng.

Để có được đội cồng chiêng nổi bật, điệu múa xoang đẹp như ngày hôm nay, phải kể đến công lao của các nghệ nhân trong làng, bản của tỉnh Kon Tum. Họ đã không ngại khó khăn, đến từng nhà vận động các em tham gia lớp học, trực tiếp truyền dạy, chỉ bảo cho các em; đưa các em đi giao lưu, biểu diễn.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm vận động người dân giữ gìn và duy trì lớp học để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ di sản văn hóa cồng chiêng, múa xoang.

Đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học

Để văn hóa cồng chiêng có người kế tục, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mời các nghệ nhân đến dạy đánh cồng chiêng cho học sinh. Trường THCS Bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) mời nghệ nhân A Khênh (77 tuổi, thôn Tu Mơ Rông, xã Đắk Hà) đến dạy cho 12 em học sinh.

Già A Khênh hướng dẫn đến đâu, các em đánh thành thục đến đó. Tiếng chiêng ngân vang khắp núi rừng. Kết thúc bài chiêng, khán giả rộn rã vỗ tay tán thưởng thầy, trò.

“Dù bận công việc nương rẫy, nhưng già vẫn nhận lời dạy đánh cồng chiêng vì thấy trong làng người biết đánh cồng chiêng rất ít. Sợ lớp già khuất núi thì sau này không có ai kế tục, giữ gìn nét văn hóa của cha ông. Già sẽ tiếp tục dạy đánh cồng chiêng cho học sinh để sau này có người lưu truyền”, già A Khênh tâm sự.

anh_3_26.jpg
Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang cho học sinh được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Kon Tum duy trì tổ chức 2 năm một lần

Nghệ nhân A Khênh bất ngờ và cảm động khi các cháu học sinh có thể cầm và biểu diễn được cồng chiêng. Các cháu thể hiện rất tốt khả năng cảm âm của chiêng, trống và kết hợp hài hòa với điệu múa xoang tạo nên những màn trình diễn rất đặc sắc.

Là một người giữ hồn văn hóa dân tộc Tây Nguyên, nghệ nhân A Khênh rất mừng vì đã có thế hệ kế cận, tiếp nối phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Thầy giáo Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng THCS Bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông, cho biết, trường rất quan tâm đến lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng trên địa bàn. Đó là lý do vì sao trường mời nghệ nhân giỏi nhất để dạy đánh chiêng cho học sinh.

Sắp tới, trường sẽ tiếp tục mở thêm các lớp khác. Ngoài ra, sau khi 12 em học đánh cồng chiêng thành thạo, trường sẽ nhờ các em dạy chiêng cho các bạn học sinh khác. Như vậy, sẽ có nhiều học sinh Xơ Đăng biết đánh chiêng, văn hóa cồng chiêng sẽ được lưu truyền.

kt2.jpg
Lan tỏa mạnh mẽ di sản văn hóa cồng chiêng, múa xoang đến giới trẻ

Với xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện đại cùng với tác động tiêu cực xã hội đã xâm nhập sâu vào từng thôn, làng nên đã làm cho cồng chiêng đang dần bị mai một, không có thế hệ kế thừa. Trước thực trạng đó, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh dạy cồng chiêng tại các trường học thông qua các buổi ngoại khóa, từ đó khơi dậy niềm đam mê văn hóa, nhạc cụ truyền thống trong học sinh; góp phần bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Đặc biệt, hai năm một lần, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức Liên hoan Cồng chiêng-Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số. Đây là dịp để chắp cánh cho năng khiếu và sở trường của học sinh; tạo cơ hội để các em thể hiện và tự hào hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tại tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi, cơ hội để các em giao lưu văn hóa, khơi dậy niềm đam mê đối với các nhạc cụ truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO