Năm 2024 được đánh giá là một năm thắng lớn của những người trồng hồ tiêu ở Đak Đoa (Gia Lai), nhờ những thay đổi lớn trong tư duy sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, canh tác theo hướng bền vững.
Vụ hồ tiêu ở Đak Đoa thường bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 1 và kết thúc vào tháng 4 hàng năm. Năm nay, hồ tiêu được mùa trúng giá, nếu vụ trước giá bình quân chỉ đạt 65-70 nghìn đồng/kg, thì năm nay vượt ngưỡng 90-95 nghìn đồng/kg.
Hiệu quả nhờ sản xuất sạch
HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất hồ tiêu ở Đak Đoa. Để nâng cao giá trị sản xuất, nhiều năm qua, HTX đã đẩy mạnh hỗ trợ thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc HTX Nam Yang, cho biết hiện HTX đang sử dụng phần mềm quản lý xác định từng vườn, địa điểm sản xuất, ngày bón phân và định lượng bón, thu hoạch, chế biến... Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX nâng lên đáng kể.
Đến nay, HTX Nam Yang đã xây dựng thành công sản phẩm hồ tiêu hữu cơ, được Tổ chức quốc tế Union công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu.
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, thời gian qua, HTX cũng đặc biệt chú trọng khâu quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ. Cụ thể, HTX sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập website, đồng thời tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kết nối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“HTX hiện có 110 thành viên, canh tác 80 ha hồ tiêu và 120 ha cà phê. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn cao, an toàn, HTX đang có 6 sản phẩm đạt 3 - 4 sao OCOP cấp tỉnh”, đại diện HTX Nam Yang chia sẻ.
Không chỉ tại HTX Nam Yang, cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ, đang diễn ra trên toàn xã Nam Yang nói riêng và huyện Đak Đoa nói chung. Ở nhiều khu vực, cây hồ tiêu là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.
Chị Wưm (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho hay, sản xuất hữu cơ có nhiều lợi ích, trước hết là bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sức khỏe con người, sau đó là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
Nâng cao giá trị gia tăng
“Trong điều kiện sản xuất bình thường, nếu canh tác hồ tiêu theo phương thức truyền thống, năng suất có thể đạt trung bình 2,5-3 tấn/ha. Nhưng nếu canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất có thể đạt từ 4-5 tấn/ha, thị trường tiêu thụ và giá bán cũng ổn định hơn”, chị Wưm hồ hởi nói.
Cùng với cây hồ tiêu, cây cà phê cũng là một trong số những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Những năm qua, nhờ chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, hình thành các chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp, cây cà phê trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Như ở xã Glar là nơi tập trung đông đảo đồng bào Bahnar, thời gian qua, bà con địa phương rủ nhau tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh ở thôn Tuơh Ktu để trồng cà phê sạch theo hướng bền vững. Nhờ vậy, bà con vừa giữ được năng suất vườn cây ổn định, vừa bán được sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX Lam Anh đã thành lập 3 Tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại các xã Glar, A Dơk và xã Trang cùng thuộc huyện Đak Đoa. Bên cạnh 19 thành viên HTX, đã có thêm 31 nông hộ khác tham gia canh tác.
Đáng chú ý, để nâng cao giá trị sản xuất, HTX hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C - viết tắt của 4 từ: Common (Chung), Code (Bộ quy tắc), Coffee (Cà phê) và Community (Cộng đồng), UTZ và hữu cơ.
Trong đó, HTX làm đầu mối tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đồng thời kết nối với doanh nghiệp thu mua sản phẩm ổn định giúp tăng thu nhập. Cách làm này đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân và đồng bào thiểu số, tạo ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay.
Trong khi đó, ở xã Đak Krong có HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong cũng đang trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con nông dân triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, đảm bảo cả 2 dịch vụ đầu vào và đầu ra.
Thúc đẩy giảm nghèo bền vững
Chị Đào Thị Nguyệt (thôn 3, xã Đak Krong) cho hay, gia đình chị có 1,2 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn cà phê nhân. Do đất đai bạc màu lại không nắm vững kỹ thuật chăm sóc và thiếu phân bón nên vườn cà phê phát triển không đồng đều, năng suất thấp.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ của HTX Đak Krong , chị Nguyệt được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư chăm sóc, cải tạo đất. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt, sản lượng đạt 5 tấn cà phê nhân/ha.
Được đảm bảo đầu ra sau thu hoạch, giá thu mua cao hơn so với trước kia nên chị yên tâm canh tác. Điều kiện kinh tế của gia đình cũng vững vàng, ổn định hơn.
Có thể thấy, trong thời gian qua, huyện Đak Đoa đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút người dân tham gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, các HTX đã chủ động tìm hướng đi phù hợp với thực tế của địa phương, từ đó thu hút người dân cùng tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Những HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng giá trị cho cây hồ tiêu hay cà phê theo hướng bền vững như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh hay HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong… đang trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng trăm hộ dân địa phương ở huyện Đak Đoa phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đak Đoa vẫn còn ở mức trên 10%. Vì thế, địa phương luôn chú trọng tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, trong đó có việc phát triển kinh tế hợp tác nhằm bảo vệ, cải thiện cuộc sống cho những người yếu thế.
Thời gian tới, huyện Đak Đoa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2% trở lên và hạn chế tái nghèo, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%.
Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững và rất cần vai trò của các HTX với mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định đem lại thu nhập cao cho người dân.