Kinh tế

Nông dân Hậu Giang làm giàu nhờ 'nghĩ lớn làm lớn'

Mỹ Chí 26/04/2024 - 18:09

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh phát triển hàng loạt cây trồng thế mạnh ở khắp các địa phương, với sự tham gia của các HTX, góp phần làm giàu cho người dân. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới theo chuỗi giá trị tại xã Bình Thành.

Một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển cây dưa lưới ở Bình Thành là HTX dưa lưới Thuận Phát. Sau nhiều nỗ lực, HTX đã có những bước tiến mạnh mẽ nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh lúa sang trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao.

Chủ động hiện đại hóa

Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX, cho biết hiện HTX có khoảng 30 hộ thành viên, diện tích 4ha, cung cấp mỗi năm cho thị trường từ 250-280 tấn trái. Tới đây, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm thành viên, đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

9752-1713864914_1200x0.jpg
Thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm giàu bền vững.

Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn, với giá bán hiện sau khi trừ chi phí người dân lãi khoảng 10%. Hiện nay, nông dân HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó mà chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, sản phẩm làm ra luôn được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Trưng, HTX cứ xoay vòng trồng trong các hộ, bình quân từ 7-10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn, giá hiện được công ty chuyên thu mua dưa lưới cung cấp đi toàn quốc. Nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Nhờ hoạt động hiệu quả, sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP, có thực hiện ghi chép nhật ký và truy xuất nguồn gốc nông sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của HTX rất ổn định và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương và tăng thu nhập cho thành viên.

Có thể thấy, sự thay đổi về tư duy sản xuất đang thay đổi đời sống của nhiều nông dân Phụng Hiệp. Đáng chú ý, các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng, nâng chất các mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy du lịch sinh thái.

Như mô hình trồng khóm MD2 (dứa/thơm MD2) bén duyên với vùng đất xã Phương Bình cách đây hơn 4 năm, từ 4ha ban đầu, hiện khóm đã phủ kín nhiều khu vực, với diện tích hơn 112ha. Với đất đai phù hợp, cây khóm MD2 không chỉ cho vị ngọt thanh, năng suất bình quân đạt 7 tấn/công, mang lại thu nhập cho người dân hơn 150 triệu đồng/ha/năm.

Nhân rộng cánh đồng lớn

Cũng giống như ở Phụng Hiệp, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A đang nỗ lực phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trước hết là thay đổi cách nghĩ cách làm của nông dân.

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai các chương trình hỗ trợ, huyện đã quy hoạch, xây dựng thành công các vùng liên kết, trong đó hình thành 2 mô hình cánh đồng lớn trong canh tác lúa với tổng diện tích 800ha và một cánh đồng số hóa với tổng diện tích 80ha.

Đáng chú ý, trên những cánh đồng lớn ở Châu Thành A, nhiều HTX, tổ hợp tác đã được hình thành, trở thành cầu nối cho người nông dân, thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, với diện tích khoảng 5.000ha trên địa bàn các xã như: Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn.

3483-1713864914_1200x0.jpg
Hậu Giang đang hướng tới đề án 1 triệu ha lúa canh tác thông minh, phát thải thấp.

Đơn cử, tại xã Trường Long Tây có HTX Phước Trung đang là đầu tàu liên kết, hỗ trợ nông dân từ sản xuất, chuyển giao công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ.

Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Phước Trung, chia sẻ: “Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả thấp nên HTX đã liên kết bà con lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa, cũng như được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn”.

Chính nhờ sản xuất khoa học, HTX liên tục nâng cao diện tích, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm.

Hiện tại, HTX có 100ha đất lúa ở ấp Trường Thọ A và Trường Phước A được hộ liên kết canh tác theo chuẩn VietGAP, với sản lượng cung ứng mỗi năm hơn 2.000 tấn.

Ngoài ra, HTX còn có hơn 300ha sản xuất lúa hàng hóa, 40ha sản xuất lúa giống và ở mỗi vụ canh tác đều có doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua một phần hoặc 100%.

Ngoài cây lúa, hiện huyện Châu Thành A cũng quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái theo điều kiện canh tác của từng địa phương sẽ gắn với loại cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện liên kết giữa các nhà vườn cùng doanh nghiệp để tăng tính hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy các thế mạnh

Không chỉ tại Châu Thành A hay Phụng Hiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang chú trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang nghĩ lớn, làm lớn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng.

Hậu Giang là tỉnh thuần nông với trên 86% diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa gieo trồng hàng năm đạt trên 177.000ha, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Riêng vụ Đông xuân 2023 - 2024, diện tích xuống giống đạt hơn 74.000ha, ước sản lượng gần 600.000 tấn.

Hiện tại, giá trị sản xuất lúa của tỉnh chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp). Hàng năm, thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể từ tư duy đến tập quán canh tác.

Đặc biệt, từ kết quả khả quan của mô hình trình diễn quy trình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn huyện Vị Thủy là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng và thực hiện có hiệu quả theo mục tiêu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Với những thành công hiện tại, tới đây tỉnh dự kiến đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất.

Tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực, đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản...

Theo vnbusiness
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đồng bào dân tộc thiểu số góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ
Đồng bào các dân tộc thiểu số các tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc đã đóng góp rất lớn về sức người, sức của, góp phần làm nên kỳ tích chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO