Người S’tiêng ở Bình Phước vừa mang đặc điểm xã hội phụ hệ, vừa mang đặc điểm xã hội mẫu hệ. Từ xưa đến nay, để thích nghi với điều kiện và môi trường sống, người S’tiêng bằng khả năng thẩm mỹ và sự khéo léo đã sáng tạo ra nhiều vật dụng ý nghĩa, có giá trị cả đời sống vật chất và tinh thần.
Nhiều trang sức đi kèm
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số với khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh; trong đó người S’tiêng có khoảng 100.000 người.
Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long.
Điểm dễ nhận thấy của người S’tiêng ở Bình Phước là có nhiều trang sức “bám” trên người. Tính sơ sơ, họ có đến 10 loại trang sức được đeo ở nhiều vị trí khác nhau. Trên đầu là chiếc trâm làm bằng đồng dùng để cài ở búi tóc. Không giống chiếc trâm của các dân tộc khác, chiếc trâm cài tóc của người S’tiêng còn có một hạt lục lạc để tạo ra tiếng kêu khi di chuyển.
Gắn lên đôi tai, người S’tiêng có 3 loại trang sức là khuyên tai hình xoắn, khuyên tai hình tròn và vật căng tai bằng ngà voi. Các vị trí như cổ, cổ tay, ngón tay cũng đều có những loại trang sức riêng. Trên cổ người S’tiêng là vòng đeo đơn. Ở cổ tay là trang sức bằng đồng hoặc bạc. Loại bằng đồng thường chỉ đeo 1 chiếc, trên thân vòng có các hoa văn hình học được khắc vạch giúp trang sức đẹp hơn. Loại vòng đeo bằng bạc ở vị trí này rất đặc biệt. Họ có cả một bộ gồm nhiều vòng hợp lại, đeo từ cổ tay lên đến gần khuỷu tay, các vòng ở giữa thì 2 mặt 2 bên của thân vòng được mài nhẵn, riêng 2 vòng 2 đầu thì 1 mặt mài nhẵn, mặt còn lại được bo tròn.
Một trang sức không thể thiếu với người S’tiêng huyện Bù Đăng là chiếc dây gọi là kế vích, các chị em phụ nữ dùng để đeo ở thắt lưng. Loại trang sức này có kết cấu cơ bản gồm 2 phần: phần đeo ở thắt lưng và phần thả thòng, được cấu trúc là những mắt xích liên kết lại. Phần đeo ở thắt lưng chỉ có 1 sợi, còn phần thả thòng có 2 sợi, cuối của 2 sợi thả thòng có đính 4 hạt lục lạc nhỏ bằng đầu ngón tay để khi di chuyển phát ra tiếng kêu. Ngoài ra, người S’tiêng còn có nhẫn bạc đeo ở tay, vòng đeo ống chân...
Trang sức của người S’tiêng ở Bình Phước ngoài dùng để làm đẹp còn làm vật lễ trong các nghi lễ hôn nhân. Bất kỳ nghi lễ nào của hôn nhân đều không thể thiếu chiếc vòng đeo tay bằng bạc.
Tự cung tự cấp
Người S’tiêng chủ yếu sản xuất nông nghiệp, gắn với nương rãy nên trong đời sống và sản xuất, các đồ vật được chế tác từ cây cối, thiên nhiên... Có thể kể đến bộ cối - chày. Tuy có hình khối đơn giản nhưng cối được làm từ những thân gỗ quý, lâu năm như sao, dầu, cẩm lai, giáng hương... với đường kính 40-50cm.
Người S’tiêng làm thắt eo ở phần giữa cối, chạm khắc hoa văn hình răng cưa để trang trí; miệng được đục loe để khi giã không văng nguyên liệu ra ngoài; lòng cối sâu khoảng 30cm giúp cối chịu được lực giã mạnh. Đồng bào cũng chọn những cây không quá lớn để làm chày (chày dài khoảng 2-3m, thắt eo ở giữa vừa với nắm tay để khi sử dụng không bị mỏi tay). Đồng thời, tùy nhu cầu, bộ cối - chày sẽ được làm với nhiều kích cỡ lớn, nhỏ, bộ lớn để giã gạo, bộ nhỏ giã bắp và các thực phẩm khác.
Ngoài ra, người S’tiêng ở Bình Phước vẫn sử dụng những trái bầu khô để sử dụng làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Trái được chọn có dáng đẹp, già. Sau khi hái cắt bỏ cuống, ruột, đem ngâm xuống bùn khoảng 2 tuần rồi vớt lên treo gác bếp. Trong các vật dụng của người S’tiêng không thể không kể đến gùi có nắp và không nắp, được đan bằng mây, lồ ô... Một số người S’tiêng truyền tai nhau truyền thuyết về chiếc gùi của họ rằng “Ngày xưa, khi thấy đồng bào S’tiêng mang đồ theo, phải cầm trên tay rất khổ sở, có khi đồ vật bị rơi mất hoặc bị hư hỏng. Một hôm, có một ông tiên hiện ra và bảo: Các con làm như vậy quá khó khăn. Nếu như làm rơi đồ thì biết lấy cái gì mà làm việc, biết lấy cái gì mà đựng đồ ăn? Các con hãy vào trong rừng, chặt cây lồ ô đem về đây chẻ ra và đan chúng lại với nhau để làm thành cái gùi, dùng để đựng bầu cơm, bầu nước khi đi làm rẫy. Gùi có cả cái quai đeo trên vai cho tiện. Từ đó, gùi được sử dụng phổ biến trong đồng bào đến bây giờ.
Gùi có nhiều kích thước. Gùi không nắp có 2 loại: mắt thưa để gùi bắp, cà, bầu, bí... và mắt dày gùi lúa khi thu hoạch. Gùi có nắp thường nhỏ, đựng tư trang khi đi chơi hoặc đựng sính lễ trong cưới hỏi. Dù có nắp hay không, gùi đều có 2 quai đeo, thân được trang trí nhiều hoa văn... Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, bên cạnh các đồ vật truyền thống, đồng bào đã có nhiều đồ vật có thể sử dụng thay thế, nhưng người S’tiêng vẫn duy trì thói quen “chuộng” đồ từ thiên nhiên, đặc biệt là chiếc gùi vẫn được sử dụng thường xuyên, như “vật bất ly thân” với mọi người.
Di sản để đời
Cồng chiêng được xem là “báu vật” văn hóa độc đáo có sức hút mạnh mẽ của đồng bào S’tiêng. Cộng đồng người S’tiêng Bình Phước xem cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu, gắn kết con người, thần linh và các thế lực siêu nhiên. Mỗi chiếc cồng chiêng của từng gia đình mang ý nghĩa tượng trưng là tài sản, quyền lực và sự an toàn.
Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào S’tiêng, cồng chiêng là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị tinh thần rất cao. Cồng chiêng S’tiêng đặc biệt không chỉ ở sự độc đáo về các bè trầm bổng mà còn là cuộc sống, lao động sản xuất, tâm tư tình cảm của đồng bào. Qua tiếng cồng chiêng, người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội, tâm tình của đồng bào S’tiêng.
Theo các nhà nghiên cứu, cồng chiêng là loại nhạc khí bằng đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20-60cm, loại cực đại có thể lên tới 120 cm. Cồng chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2-13 chiếc, thậm chí có nơi 18-20 chiếc. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, bằng tay. Người S’tiêng Bình Phước chủ yếu dùng tay và áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc cồng, chiêng.
Vào ngày lễ, Tết, bên ngọn lửa thiêng, những tốp người say sưa nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng vang dội đã trở nên quen thuộc. Âm thanh cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn trai gái vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày lễ hội. Cồng chiêng S’tiêng không chỉ độc đáo về các nốt trầm bổng mà còn có giai điệu, là cuộc sống của người S’tiêng. Tiếng cồng chiêng vang lên như có thể cảm nhận được cả đời sống, tái hiện lịch sử và lễ hội của đồng bào.
Từ xa xưa, nhịp chày giã gạo cùng với âm thanh trầm bổng của tiếng nhạc từ cồng chiêng đã đi vào lòng người qua lời thơ, thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường, sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật cồng chiêng. Nhắc đến sóc Bom Bo, địa danh lịch sử đã làm nên sức sống, danh tiếng của người S’tiêng từ xưa cho đến nay. Sóc Bom Bo là nơi cung cấp gạo cho bộ đội đánh Mĩ cứu nước. Tiếng chày khua giã gạo được rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ cách mạng dùng làm nguồn cảm hứng. Trong tất cả các tác phẩm có bài hát do nhạc sĩ Xuân Hồng viết làm rung động lòng người. Những ca từ toát lên sự tất bật xuyên màn đêm của bà con trong sóc để trợ bộ đội kháng chiến. “Cắc cum cụp cum, cum cụp cum… Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/ Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya/Bồng con ra võng để đòng đưa/Giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa”…
Những nét văn hóa riêng trong đời sống và nghệ thuật của người S’tiêng từ xưa đến nay đã tạo nên một bản sắc riêng của đồng bào.