“Để hát, kể được sử thi rất khó. Người hát, kể phải có trí nhớ, chất giọng tốt và làn hơi bền vì có những câu hát dài, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, lúc lên cao, xuống thấp. Ngoài ra, muốn truyền đạt được ý nghĩa, người hát phải thể hiện được biểu cảm trên khuôn mặt...”, cụ Dach - một cây đại cổ thụ về sử thi ở tuổi xưa nay hiếm cho biết.
Kho “bách khoa toàn thư” của Tây Nguyên
Là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, sử thi gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh sâu sắc mọi khía cạnh của xã hội, từ con người, thiên nhiên, đến những đấng tối cao chi phối mọi mặt hoạt động của cuộc sống cộng đồng.
Tùy vào thời gian, hoàn cảnh, sử thi đã len lỏi vào từng nhà, lên từng cái rẫy, chứa đựng kho “bách khoa toàn thư” của người Jrai, người Bahnar về bề dày văn hóa, chiều dài lịch sử và kinh nghiệm sống...
Sử thi Tây Nguyên nói chung và Jrai, Bahnar nói riêng được ra đời từ rất sớm, khi chữ viết chưa có, nó được lan tỏa, gìn giữ bởi phương thức truyền miệng từ người này qua người khác, từ đời trước sang đời sau rất hiệu quả. Giá trị mà nó mang lại, giúp thế hệ sau hiểu hơn về các tiền nhân xa xưa, hiểu về quá khứ để sống tốt hơn cho hiện tại và tương lai.
Trong dòng chảy của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, những nghệ nhân vẫn luôn âm thầm, miệt mài, đi “truyền lửa” khắp mọi nơi với mong muốn sử thi luôn có một chỗ đứng nhất định, là điểm tựa tinh thần cho bản làng, cộng đồng.
Cụ Dach (sống tại thôn Thông Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), người được xem là báu vật sống trên mảnh đất Tây Nguyên với thể loại sử thi về người dân tộc Ba Na và Jrai năm nay đã 107 tuổi. Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là người đàn ông đã bước qua 107 mùa rẫy, bởi sự nhanh nhẹn và khỏe khoắn trong từng bước chân của cụ.
Trò chuyện với chúng tôi thông qua anh Trưởng thôn làm phiên dịch, cụ cho biết, do tuổi đã cao nên thi thoảng vẫn hay bị ốm vặt, còn lại hằng ngày, cụ vẫn miệt mài đan lát. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng trí nhớ của cụ rất minh mẫn, ai đặt hàng cụ đều nhớ trong đầu và giao trả đúng hẹn.
Theo chân cụ xuống căn nhà phía dưới nơi cụ nấu ăn, đan lát, lần lượt chúng tôi được giới thiệu từng sản phẩm một, từ gùi to, đến gùi bé. Vừa tiếp chuyện, cụ vừa lấy dao ra chẻ tre rồi vót lại một cách cẩn thận cho chiếc gùi còn dang dở. Dưới bàn tay chai sạn nhưng đầy rắn chắc vì lao động, cụ vừa đan vừa hát sử thi một cách say sưa khiến chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Cầm trên tay sản phẩm đã hoàn thành, cụ cho biết: “Một cái gùi, cụ làm hết 4-6 ngày vì nó cần độ tinh xảo và chắc chắn nên giá bán ra là 280 nghìn đến 450 nghìn, tùy vào kích cỡ sản phẩm. Trước đây, cụ làm cả cái đơm, nhưng mấy năm trở lại đây, một phần vì cá hiếm, phần nữa vì người dân dùng lưới để đánh bắt nên không ai dùng nữa...”, cụ Dach chia sẻ.
Khi biết chúng tôi muốn biết về sử thi, ánh mắt cụ như cười, nhấp vội ngụm trà vừa mới rót rồi cho biết, cụ lớn lên trong vòng tay yêu thương của người chú họ, sử thi truyền thống vì thế được chú truyền lại khi còn nhỏ tuổi, nó ăn sâu vào máu thịt. Chính tiếng hát lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của người chú như một khúc ca ngọt ngào đưa cậu Dach thuở ấy đi vào sâu trong mỗi giấc ngủ.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, cậu bé Dach ngày nào đã trở thành một chàng thanh niên lực lưỡng, thi thoảng lại nổi hứng lên nghêu ngao vài câu hát, vừa chỉ huy các thanh niên trai tráng trong làng vào rừng săn bắt nai, hươu về phục vụ các bữa ăn cho cả thôn, làng.
Những khi rảnh, chàng trai lại kể và hát vanh vách hàng chục bài sử thi của người dân tộc Bahnar, Jrai cho mọi người trong thôn nghe, để họ hiểu về những giá trị quý báu, nhân văn trong mỗi câu chuyện. Vì thế, những người lớn tuổi trong thôn ngày nay, ai nấy đều biết về những mẩu chuyện các vị thần đánh đuổi quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn làng, hay những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt đời thường và tình yêu nam nữ của dân tộc mình.
Tiếng hát ấy, lúc trầm ấm, lúc lại ngân vang khắp núi rừng như tiếp thêm sức mạnh cho bà con hăng say lao động, sản xuất. Ở nhà... hát, lên rẫy... hát, xuống suối... hát, cứ thế, tiếng hát đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim, để sử thi giờ là máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cụ.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, cụ đã ngẫu hứng ngân lên một đoạn trong bài Dăm Blom, sử thi huyền thoại của người Jrai. Sự truyền cảm trong từng câu chữ lúc trầm, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm với nội lực khỏe, giọng hơi dài khiến cho người nghe bị cuốn hút theo vần điệu.
Đây là bài hát, mang thông điệp “ở hiền gặp lành, mình sống lương thiện thì sẽ gặp điều tốt”, cũng chính là bài cụ thường xuyên cất lên để răn dạy con cháu trong nhà, trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu.
Mai này… ai sẽ hát sử thi?
Sử thi rất khó học, bởi người hát, kể phải có trí nhớ, chất giọng tốt và làn hơi bền vì có những câu hát dài, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, lúc lên cao, xuống thấp. Ngoài ra, muốn truyền đạt được ý nghĩa, người hát còn phải thể hiện được biểu cảm trên khuôn mặt.
Xuyên suốt câu chuyện với cụ Dach, chúng tôi hiểu được những nỗi trăn trở, lo âu hiện rõ trên khuôn mặt. Nỗi lo ấy, ngày một thêm lớn, bởi hiện nay, giới trẻ đang không mặn mà với sử thi, vốn là bản sắc quý giá nhất của dân tộc Bahnar và Jrai.
Ngay đến các con của cụ Dach cũng không ai chịu học hát, học kể sử thi. Để rồi, trên khắp các bản làng, ngõ ngách bây giờ, nhạc hiện đại luôn rộn ràng ở mọi lúc, mọi nơi, từ cái rẫy đến từng ngôi nhà.
Nhận thấy được việc phát huy và lưu truyền các giá trị văn hóa của sử thi Jrai và Bahnar rất quan trọng, vì vậy từ lúc trai trẻ đến nay đã hơn 100 tuổi, cụ Dach vẫn không ngại khó, ngại khổ, bất chấp tuổi tác miễn sao còn sức thì còn hát. Hằng năm, xã và huyện luôn cử người đến tận nhà, mời cụ lên hát, kể sử thi nhằm truyền đạt lại những “di sản” văn hóa độc đáo này cho thế hệ trẻ.
“Nhiều người hỏi già ăn, uống những gì mà khỏe vậy? Già không biết trả lời sao, chỉ biết trước đây, già hay đi rừng, tất cả rau củ đều hái từ rừng về, cá bắt dưới suối. Như, dùng lá mì nấu cháo, lá mì chiên, xào; tiêu rừng; dùng lá dao thay mì chính... Nay, tuổi cao nên con, cháu nấu gì thì ăn nấy”, nói đến đây, cụ nở nụ cười đầy sảng khoái.
Được biết, thời trẻ cụ thường được tạo điều kiện đi giao lưu hát, kể sử thi. Rất nhiều giải thưởng từ huyện đến tỉnh trao tặng được cụ treo cẩn thận trong nhà. Giờ đây, sức khỏe giảm sút, cụ chỉ đi thi và giao lưu trong địa bàn huyện Đak Đoa, mong rằng, các cháu nhỏ nhìn cụ là một tấm gương không ngại khó ngại khổ, để cố gắng học... ít nhất cũng biết và hiểu về sử thi.
Khi được hỏi về cụ Dach, ông Siu Lol - Thôn trưởng thôn Thông Prông Thông vui vẻ cho biết: Dù sắp bước sang tuổi 108, độ tuổi xưa nay hiếm, vậy nhưng cụ Dach vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường.
Ngoài việc được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về các chính sách theo quy định, thì cụ còn tự đan lát để kiếm thêm thu nhập. Trong thôn, từ già đến trẻ, ai cũng yêu quý cụ, một tấm gương sáng, cống hiến hết mình để sử thi mãi luôn trường tồn.
Dẫu biết con đường bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của sử thi sẽ còn nhiều chông gai nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và các ban, ngành các cấp để tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn các giá trị văn hóa trong đó có sử thi, mong rằng giới trẻ các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên sẽ ngày càng hứng thú hơn với những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Để rồi, khi các cụ “đại thụ” khuất núi, lớp măng trẻ lại mọc lên, những bài ca mang đậm bản sắc, những câu chuyện về sử thi sẽ lại được ca vang trong các buổi họp làng, hay trên các nương rẫy...