Văn hóa

“Báu vật sống” của đại ngàn

T.Thành 06/10/2023 - 15:47

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở vùng cao đang ngày càng mai một.

Trong bối cảnh đó, rất may vẫn còn có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ không tiếc công sức đi sưu tầm và truyền dạy lại cho lớp trẻ về cách chơi các nhạc cụ truyền thống nhằm phục dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc mình. Họ chả khác gì “báu vật sống” của đại ngàn.

Người “giữ hồn cho núi”

Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Bình, Quảng Trị.. thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân.

Với hàng ngàn năm sinh sống trong các thung lũng, trên những lèn núi đá, họ đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, múa đám chay, hát giao duyên, hay các nhạc cụ truyền thống như kèn, sáo, đàn và các dụng cụ hằng ngày sử dụng lên nương rẫy như A rừa, A chói...

anh-bai-bau-vat-song-cua-dai-ngan-1.jpg
Già làng Hồ Ai (thứ 2 từ trái qua) cùng một nghệ nhân khác đang truyền dạy về sáo.

Đối với người Bru-Vân Kiều, dân ca không chỉ thông thường là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn.

Bên ánh lửa bập bùng của những mùa lễ hội, âm thanh tiếng khèn vang vọng núi rừng của những đêm "Sim", bên bờ suối của mỗi đêm trăng về bản là lúc khơi dậy niềm đam mê dân ca của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai. Họ hát để thể hiện sự đủ đầy sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm vui sướng khi được về làng mới...

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc này ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa.

Trong bối cảnh đó, rất may người Bru–Vân Kiều còn có một Hồ Ai, vị già làng người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Được sinh ra và lớn lên giữa cái nôi văn hóa của của miền Tây xứ Quảng, từ lúc còn trẻ, ngọn lửa đam mê âm nhạc đã cháy trong mắt Hồ Ai. Già nổi tiếng khắp vùng về “thói quen” ham đàn, ham sáo. 12 tuổi, già đã thuộc làu làu từng khúc nhạc, từng điệu múa của dân tộc mình. 17 tuổi, Hồ Ai đã có thể chơi thành thục hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Dần dà, già Ai trở thành một trong những người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều như: Chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, đàn pơ-lựa, đàn tính-tùng; hát si-nớt, hát tà-oải và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của dân tộc mình…

anh-bai-bau-vat-song-cua-dai-ngan-2.jpg
Ông Lợi biểu diễn một điệu kèn Thổ.

Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già làng Hồ Ai đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Già giảng giải, nêu bật giá trị của các loại nhạc cụ, đặc biệt là tiếng sáo pi trong mạch nguồn văn hoá của người Bru – Vân Kiều. Bởi theo già Ai thì sáo pi là nhạc cụ duy nhất được cất lên cả khi vui và khi buồn. Đó là tiếng sáo linh thiêng của người Bru – Vân Kiều khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần.

Không những thế, già còn nhiệt tình tham gia lớp truyền dạy cách thổi sáo và chơi các loại nhạc cụ truyền thống khác của người Bru-Vân Kiều cho các thế hệ trẻ ở xã Trường Sơn và các xã lân cận…

Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của già Ai đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống đã quay về với đời sống văn hoá cộng đồng người Bru – Vân Kiều. Nhiều người trẻ đã nối tiếp, thổi được sáo pi và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Bru – Vân Kiều.

Bên cạnh đó, nhiều già làng trưởng bản, nghệ nhân khác như cũng cùng chung tay góp sức với già Ai trong việc phục dựng lại nhiều nét văn hóa cổ xưa. Cũng từ đây, mà nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc đã và đang được quần chúng gìn giữ và lưu truyền.

Đồng thời, mấy năm gần đây, các ngành văn hóa Quảng Bình đã có nhiều hình thức để khơi nguồn và bảo tồn dân ca của người Bru -Vân Kiều như: Mở lớp sáng tác dân ca, Liên hoan hát dân ca, mở lớp tập huấn dân ca hoặc mới đây nhất là dự án “Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường, khơi dậy và lưu giữ những tinh hoa văn hoá của người Bru - Vân Kiều” đã thu hút được nhiều thế hệ tham gia, họ là những người của câu lạc bộ dân ca ở cơ sở, những người làm công tác văn hóa, những hạt nhân có năng khiếu văn nghệ của người dân tộc thiểu số...

“Thần kèn” dưới thung lũng Chín Ngăn

Sống giữa cái nôi văn hóa của người dân tộc Thổ của miền Tây xứ Nghệ, từ lúc là đứa trẻ chăn trâu, đầu còn để chỏm, ông Trương Văn Lợi (SN 1939, người dân tộc Thổ ở Văn Lợi, Quỳ Hợp, Nghệ An) đã ham kèn. Bố, ông nội, cụ nội đều là những “tay” kèn nổi tiếng. Mỗi lần bản làng mở hội, ông lại bám áo ông, áo bố “xem” kèn. Thế cho nên khi mới 14-15 tuổi, ông đã thuộc làu làu từng giai điệu, từ kèn Sải du dương, trầm bổng đến Lồng Ba reo vui như nước suối nguồn...

Trong các nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Thổ, kèn đứng hàng thứ 4 sau trống, cồng, chiêng. Kèn có 7 lỗ, tương ứng với 7 nốt âm: ò, ni, né, nê, nề…, khi biểu diễn cùng dàn nhạc, người thổi phải biết điều khiển sao cho quấn quện với tiếng chiêng, tiếng trống... Ngoài khả năng chơi kèn điêu luyện, ông Lợi còn có thể sử dụng thành thục tất cả các loại nhạc cụ nói trên. Đối với ông, âm nhạc dần trở thành một phần máu thịt.

anh-bai-bau-vat-song-cua-dai-ngan-3.jpg
Người Bru - Vân Kiều có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Ngay cả trong suốt những năm rong ruổi khắp nẻo rừng Tây Bắc với vai trò kỹ sư đo đạc địa chất, không khi nào ông Lợi quên mang theo chiếc kèn của dân tộc mình. Ông bảo, khi đó rừng núi hoang vu, đêm lán trại buồn hiu hắt, tiếng kèn vừa là bầu bạn, vừa giúp ông vơi đi nỗi nhớ quê.

Đến năm 1969, ông Lợi được phân vào đơn vị vận tải số 8, chuyên chở vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường Quảng Trị. Suốt những năm tháng “tay vần vô lăng, mắt nhìn pháo sáng” dọc con đường Trường Sơn lịch sử, bom đạn bời bời, ông vẫn không thôi nhớ về tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống của người Thổ trong những đêm lễ hội.

Do nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, nên chiếc kèn ông mang theo chẳng mấy khi dùng đến. Lắm lúc nhớ quá, ông chỉ dám mang kèn ra lau chùi, không dám thổi.

Sau khi hòa bình lập lại, năm 1977, ông Lợi về công tác tại Xí nghiệp vận tải số 16 đóng ở Vinh cho đến khi về hưu. Lúc đó, ông mới có cơ hội sống với niềm đam mê âm nhạc dân tộc của mình. Hầu như ở bất cứ đâu, từ liên hoan, giao lưu văn nghệ các dân tộc của tỉnh, của huyện đến các lễ hội của người Thổ trong vùng, ông đều góp mặt.

Cả đời đắm đuối với tiếng kèn như thế, nhưng có điều lạ là ông Lợi chưa từng được bất cứ bằng khen, giấy khen nào của các ban ngành văn hóa. Trong bốn bức tường gỗ rêu cũ ở nhà ông, chỉ thấy treo đầy những huân, huy chương từ thời kháng chiến.

Ông bảo: “Chả lẽ mình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cha ông từ nghìn xưa để lại mà cũng cần người ta phải khen ngợi, tuyên dương? Mình chơi kèn, múa kèn, thổi kèn không phải để thành một người hành nghề biểu diễn kiếm cơm, càng không phải để tìm chút hư danh. Đơn giản tôi chỉ là người mê kèn, muốn phục dựng những giá trị văn hóa tổ tiên mình từng sở hữu, giờ đang bị mai một”.

Kể từ khi về lại mái nhà nơi vùng đất Phủ Quỳ, ông cùng một số bậc cao niên trong bản đứng ra thành lập đội nhạc chuyên phục vụ cho đồng bào nhân các ngày lễ hội. Không chỉ là người trực tiếp chơi nhạc, ông còn cố gắng truyền thụ cho lớp con cháu nhằm duy trì, bảo tồn một nét văn hóa lâu đời.

Ông sợ, một ngày nào đó, khi thế hệ những người già Làng Mo nằm xuống thì tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống của người Thổ, một nét văn hóa riêng biệt của vùng đất hoang rậm này cũng bị “chôn” theo. Ấy vậy nên suốt mấy năm nay, ông vẫn kỳ cụi khắp miền Tây xứ Nghệ để những mong gom về các “báu vật văn hóa” bị “đánh rơi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO