Đời sống xã hội

Nhịp trống xuân trên cực Bắc

Nguyễn Trung Thành 10/02/2024 - 00:05

Trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Trải qua bao biến động của lịch sử, thời gian, nhưng tết của người Lô Lô vẫn gìn giữ được nhiều tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa truyền lại.

Đậm nét văn hóa rẻo cao

Lô Lô là một dân tộc có số dân khá khiêm tốn, song họ lại có một bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa rực rỡ. Tùy theo trang phục và tập quán, người Lô Lô được chia thành bốn ngành là Đen, Trắng, Đỏ và Hoa. Đồng bào phân bố chủ yếu ở các huyện biên giới như Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê … tỉnh Hà Giang; hay Bảo Lâm, Bảo Lạc…tỉnh Cao Bằng và Mường Khương của tỉnh Lào Cai. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nương, cuốc rẫy và một vài nghề phụ khác.

anh-bai-nhip-trong-xuan-tren-cuc-bac-1.jpg
Đối với người Lô Lô, mỗi dịp lễ tết không thể thiếu tiếng trống

Hiền lành và chăm chỉ, song ý‎ chí cộng đồng và nghị lực vượt khó, biết vươn lên của những người anh em Lô Lô thực sự rất đáng trân trọng. Hẳn vì vậy mà dân ca Mông có câu “Mưa nhẹ trên đường phố/Chó sủa Lô Lô về” với hàm ý ám chỉ đường ăn nết ở nhẹ nhàng, khéo léo và hay mỉm cười của những người Lô Lô trong vùng.‎

Trên cánh đồng Thèn Pả, nơi có đỉnh núi Rồng và ngọn cờ Lũng Cú kiêu hãnh bay trên nóc nhà Tổ quốc là chòm bản bình yên của 70 hộ dân Lô Lô Chải. Nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái và những dãy hàng rào đá chạy bao quanh. Theo sử sách ghi lại, vùng đất Lũng Cú từ xa xưa vẫn luôn được các triều đại phong kiến coi là một trong những vùng đất tiền đồn có vai trò quan trọng ở phía bắc.

Tương truyền rằng, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn ở đây nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ biên cương, bờ cõi. Lịch sử cũng đã ghi nhận ở mảnh đất phên giậu của Tổ quốc này, đồng bào các dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Mông, Dao, Giáy trải qua không biết bao nhiêu biến loạn và đã đoàn kết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược quê hương Việt Nam suốt mấy nghìn năm.

Còn hôm nay, dưới bóng cờ bay, nỗi nếp nhà Lô Lô dường như đang khe khẽ cựa mình. Ngoài vườn, từng cây mận, cây lê đã bật bông trắng xóa, báo hiệu mùa xuân đã về trên miền đá. Cũng như nhiều dân tộc khác, tuy có rất nhiều lễ hội, song người Lô Lô vẫn luôn xem Tết Nguyên đán là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Chính vì vậy mà dân tộc này có phong tục đón Tết hết sức độc đáo, ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân trên miền rẻo cao.

anh-bai-nhip-trong-xuan-tren-cuc-bac-2.jpg
Chuẩn bị khăn áo đi chơi tết

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ quét dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón tài lộc năm mới, tổ chức bữa cơm sum họp. Khi những người đàn ông trong gia đình bắt lợn, gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên thì phụ nữ lại bận rộn hoàn thành nốt các bộ quần áo mới cho mọi người trong nhà để vui xuân.

“Dù cuộc sống bây giờ đã khác, đi chợ cái gì cũng có để mua nhưng con gái Lô Lô vẫn phải biết dệt vải và tự làm quần áo cho mình để mặc vào dịp lễ, Tết. Từ nhỏ người con gái dân tộc Lô Lô đã được mẹ, bà dạy cho cách dệt vải.

Ngày trước, các gia đình khi chọn con dâu thường nhìn vào tấm vải, đường kim để biết được người con gái đó có khéo léo, biết chăm lo gia đình hay không. Bộ quần áo của người Lô Lô được làm rất tỉ mỉ, một bộ quần áo truyền thống phải dệt khoảng 6 tháng mới xong”, ông Vàng Dỉ Chu (65 tuổi, ở bản Lô Lô Chải, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Đồng Văn) kể.

Thành kính với tổ tiên và Thần đất

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, cứ đến chiều 30 Tết, người Lô Lô lại sửa soạn một mâm cỗ để dâng tổ tiên và thần thánh. Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa.

Mâm cỗ dâng tổ tiên thường có bánh chưng, bánh nếp, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối, ớt và các loại rau đắng, măng đắng đã đồ cẩn thận. Sau khi đã soạn xong, cỗ mới được người già hoặc đàn ông trong gia đình bưng đặt lên bàn thờ rồi thắp hương khấn lễ. Sau đó, các thành viên trong gia đình cũng lạy chào tổ tiên và thần thánh.

img_9774.jpg
Ngoài thờ tổ tiên, người Lô Lô còn thờ ảnh Bác Hồ

Theo quan niệm của người Lô Lô thì bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị từ những thực phẩm từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới. Cho nên dù có khó khăn vất vả đến mấy cũng tìm cho bằng được những loại nguyên liệu để chế biến.

Đặc biệt, bàn thờ của người Lô Lô không thể thiếu cành cây “mà si phìa”. Cành cây này được cắm từ cầu thang cho đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu thảo hiền…

Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải có nhiều củi và nước, biểu hiện của một năm làm ăn sung túc. Vì vậy, vào đêm giao thừa, mỗi gia đình lại cử người ra gánh nước tại mỏ nước của xóm về nhào bột, làm bánh nếp.

Bánh nếp là loại bánh rất đặc trưng, có tên gọi theo tiếng dân tộc là “Chò mìa chá”, cũng được gói bằng lá dong tựa như bánh trưng, bánh tét của người Kinh, người Tày nhưng bánh của người Lô Lô không phải hình vuông mà gói thành hình một chiếc bánh gù. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen.

Trong ngày đầu năm mới, loại bánh này được buộc ở các cột nhà, buộc vào nông cụ lao động để cầu may mắn, mùa màng bội thu. Bánh được treo hết ngày 15 Tết mới được gỡ xuống, bởi từ xa xưa người Lô Lô quan niệm vạn vật đều có linh hồn, ngày Tết tất cả đều phải được đón Tết đủ đầy.

Đêm giao thừa là đêm đặc biệt nhất trong năm. Nó là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khi trời đất giao hòa. Với người Lô Lô cũng vậy, đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc lấy may bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Bởi, người Lô Lô tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.

Vào sáng sớm mồng 1 Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sẽ sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô đều có những hình nhân làm bằng cây gỗ “Mạy Vẹc” - một loại cây được người Lô Lô quan niệm là vật thiêng được lấy từ trong khu rừng cấm.

Người Lô Lô rất coi trọng tổ tiên, tổ tiên gần gọi là “dùng khé” là đời cụ, ông bà, cha mẹ; tổ tiên xa trên 4 đời gọi là “Pờ si”. Nhà nào cũng phải có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Do sống ở trên vùng rừng núi cao nên người Lô Lô thờ thần đất và mặt trời. Hàng năm dân bản thường tổ chức cúng thần thổ công, làm lễ xông đất để đánh thức hồn lúa, hồn đất dậy để xua đuổi chuột bọ, mưa gió thuận hòa nương rẫy được xanh tốt.

Trống vọng ngàn xưa

Trong suốt mấy ngày tết, khắp bản Lô Lô đều tràn ngập không khí lễ hội. Những người cao tuổi lập thành nhóm, nhóm này đi chúc Tết gia đình của nhóm kia, họ này đi chúc Tết họ kia, với những lời lẽ tốt đẹp và tình cảm chân thành. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường, tập trung ở các sân chơi và cùng say sưa múa hát, trao gửi tâm tình qua những điệu dân ca đối đáp mượt mà, nồng đượm.

2_20231030150336.jpg
Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống đồng để giữ nhịp cho các bài múa

Và cũng chỉ trong những dịp lễ hội đặc biệt như thế này, người Lô Lô mới đem những chiếc trống cổ có niên đại hàng ngàn năm cùng những vũ điệu nguyên sơ ra trình diễn, gọi là tiếng trống mừng xuân. Đây cũng là nét văn hóa hết sức độc đáo của nhưng cư dân nơi cực Bắc.

Đối với người Lô Lô thì trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người. Trống chỉ được dùng vào việc tế trời đất, mừng xuân, cúng ma cho người chết và nhảy múa trong Lễ cúng tổ tiên vào tháng 7 âm lịch.

Theo khảo sát, người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống đồng để giữ nhịp cho các bài múa. Âm hưởng trầm vang của trống có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục tập quán, và dân ca, dân vũ.

dac-sac-cua-nguoi-lo-lo-o-dong-van-ha-giang-7-1645149283.jpg
Vòng xòe đoàn kết

Trong ngày hội vui, người Lô Lô mới đem những chiếc trống cổ cùng những vũ điệu nguyên sơ ra để trình diễn như một phức điệu đẹp của núi rừng, của tấm lòng tôn kính tổ tiên và cùng cầu mong cho mọi gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe.

Gia đình cụ Lù Thị Điển ở đầu bản Lô Lô Chải là một trong hai gia đình còn lưu giữ được vật báu của dân tộc mình qua hàng trăm năm. Tự hào là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất cực Bắc, người Lô Lô còn là chủ nhân của những chiếc trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn.

anh-bai-nhip-trong-xuan-tren-cuc-bac-4.jpg
Tác giả và thiếu nữ Lô Lô

Có nhiều cách lí giải về sự xuất hiện của trống đồng ở đây, song câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất là vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên cương hiểm trở này một chiếc trống lớn, để khi có giặc thì nổi trống báo hiệu cho quân triều đình đến ứng cứu. Đó không chỉ là hiệu lệnh, là phương tiện thông tin của quân đội Tây Sơn, mà còn như một sự khẳng định chủ quyền của đất nước. Đời này qua đời khác, dân tộc Lô Lô đã góp phần bảo vệ vẹn toàn đất biên cương, bảo vệ vật thiêng dẫu cuộc sống còn nhiều neo khó...

Mặc dù giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và nhiều phong tục, tập quán đón Tết của đồng bào Lô Lô vẫn được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Những tập tục ấy, nó đã góp phần dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO