Văn hóa

Đậm đà bản sắc bánh dày trong ngày Tết của đồng bào Mông

Gia Ân-Khánh Hiền 09/02/2024 - 21:42

Mỗi dịp Tết cổ truyền, đồng bào dân tộc Mông ở vùng miền núi Nghệ An lại dâng cúng ông bà tổ tiên và ăn Tết bằng loại bánh độc đáo mang đậm nét văn hóa riêng của dân tộc mình đó là bánh dày.

Nét độc đáo trong ẩm thực của dân tộc Mông

Năm nào cũng vậy, sau mùa gặt tháng 10 âm lịch, người Mông ở huyện Tương Dương (Nghệ An) lại chọn những bông lúa nếp nương được trồng ở những vùng đất tốt, hạt to tròn để riêng dành gói bánh vào dịp Tết cổ truyền.

Trong cái nắng vàng ươm pha lẫn hơi sương lạnh của vùng núi cao, những rẫy lúa nếp cẩm và nếp trắng của người Mông nặng trĩu bông. Năm nay nhờ mưa thuận gió hòa, bông lúa hạt dày, đều, chắc mẩy, người Mông lại có mùa bánh thơm để dâng tổ tiên trong ngày Tết.

anh-11.jpg
Chị em phụ nữ Mông bản Lưu Thông đang gói bánh vào lá

Chị Vừ Y Dở, ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương chia sẻ: “Giống lúa nếp của người Mông là loại nếp địa phương được đồng bào để giống trong mỗi mùa thu hoạch. Giống nếp hạt trong mẩy, mùi thơm được chắt chiu từ tinh hoa của đất, của gió, của nắng trên núi và những giọt mồ hôi của người gieo trồng”.

Bánh dày của người Mông không chỉ được gói bằng loại nếp thơm dẻo mà còn phải được bao bọc bởi lớp lá dong rừng dày, xanh thẫm được hái từ ngọn các con khe trong rừng già mới có vị thơm riêng, thể hiện tấm lòng thơm thảo, thành kính của con cháu dâng bánh lên ông bà tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền.

Chị Vừ Y Dở cho biết thêm: “Sau khi gặt lúa, rồi tuốt xong, gia đình tôi cất lúa riêng để làm bánh chưng. Khoảng đến ngày 25-26 tháng 12 âm lịch thì chở đi xay và 27 là ngâm nếp để sáng 28 là hông xôi, đâm bánh. Ngày Tết, gia đình nào cũng có bánh dày, có nhà làm đến 30 cái để thờ và để ăn”.

anh-22.jpg
Bánh dày của dân tộc Mông ở huyện Tương Dương không chỉ ngon, độc đáo mà còn mang đậm nét văn hóa rất riêng biệt

Người Mông bắt đầu gói bánh để ăn từ sau 20 tết âm lịch, còn gói bánh tết thì phải 29 mới bắt đầu làm. Tùy vào sở thích của mỗi nhà, bánh dày có thể được làm bằng nếp trắng hoặc nếp cẩm. Gạo nếp được xay xong đem vò sạch để ráo, nhen lửa đỏ cho nếp vào chõ xôi bằng gỗ để hông.

Muốn nếp dẻo mà không bị nhão quá trình hông lửa phải đỏ đều. Khi xôi chín đổ ra cối cho nguội và dùng chày để giã. Giã bánh dày là một việc rất dày công, đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, vì nếp rất dẻo mà phải giã quánh, mịn thì lúc nướng bánh mới phồng, ngon.

Thông thường cứ 2,5 yến nếp thì phải có 4 người thay nhau giã. Sau khi giã xong, bánh được gói vào lá dong gấp đôi nhỏ chỉ bằng khoảng ½ bánh chưng thông thường nhưng rất ngon và dẻo. Với đặc điểm bánh không nhân nên để được lâu, không bị chua và mốc.

Thể hiện sức sống mãnh liệt, sự cần cù, chịu khó của người Mông

Bên bếp lửa hồng những chiều mùa đông cuối năm, trẻ con quây quần háo hức xem người lớn giã bánh, được nếm thử chiếc bánh với vị thơm giòn, béo bùi của nếp được thổi phồng trên lớp than đỏ của những thanh củi già thơm mùi lửa. Một không khí ấm áp, ngọt bùi của những ngày cuối năm tràn về khắp bản.

Vào đêm giao thừa, mỗi nhà dành khoảng 3 chiếc bánh dày để cúng ông bà tổ tiên, còn lại để mọi người trong nhà ăn Tết. Bên bếp than hồng đỏ rực, những chiếc bánh dày được nướng phồng lên thơm ngậy chấm với mật mía cô đặc cũng do chính bà con trồng được, mọi người cùng quây quần ăn bánh, cảm nhận được vị ngon của mồ hôi, nước mắt trong những ngày lao động vất vả để trồng lúa.

anh-33.jpg
Thông thường cứ 2,5 yến nếp thì phải có 4 người thay nhau giã. Sau khi giã xong, bánh được gói vào lá dong gấp đôi nhỏ chỉ bằng khoảng ½ bánh chưng thông thường nhưng rất ngon và dẻo

Những câu chuyện về gia đình, về phong tục tập quán, về xây dựng bản làng đổi mới được sẻ chia quanh bếp lửa ngày xuân ấm áp với những chiếc bánh dày truyền thống của dân tộc Mông.

Bí thư chi bộ Thò Bá Chò cho hay: “Theo truyền thống của người Mông từ đời ông cha để lại, bánh dày của dân tộc ta phải hông xôi mới đâm thành bánh. Bánh chín chọn cái to và ngon đưa lên bàn thờ, thờ ông bà trước, sau đó con cháu mới được ăn. Đó là truyền thống lâu đời của ông cha rồi”.

Ngày nay, bánh dày của người Mông không chỉ có đồng bào Mông mới được thưởng thức mà nó còn là món quà cho mọi người, mọi dân tộc khác cũng được nếm thử. Bánh dày được nhiều người Mông làm quanh năm và đưa ra thị trường như một loại hàng hóa vừa quảng bá, bảo tồn văn hóa dân tộc vừa đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người. Bánh dày của người Mông là một thức quà dân dã mà đậm vị truyền thống dân tộc, vị của một nền văn minh lúa nước.

Bánh dày của dân tộc Mông ở huyện Tương Dương không chỉ ngon, độc đáo mà còn mang đậm nét văn hóa rất riêng, truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Bánh hội tụ của nhiều yếu tố từ nguồn đất màu mỡ, từ nguồn nước mát lành ở các ngọn khe, từ mùi thơm của lá dong rừng và đặc biệt là sức lao động, sự dầm mưa dãi nắng, và thể hiện sức sống mãnh liệt, sự cần cù, chịu khó của người Mông .

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO