Đời sống

Nhiều dự án hướng về đồng bào dân tộc thiểu số

Minh Quân 22/05/2024 - 13:39

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên dành trên 600 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong đó, phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo; giảm 2 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực này và 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố...

Mục tiêu đặt ra năm nay của tỉnh đối với phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi là không nhỏ: 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

1-dantoc_20230406202330_20240517075502.jpg
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, sẽ duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú; 100% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 99,3% học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học, 99,2% ở cấp trung học cơ sở và 98% ở cấp trung học phổ thông và 99% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Phấn đấu có trên 45% lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; 74,9% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đã huy động các nguồn lực triển khai 10 dự án thành phần với tổng vốn trên 645 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng vốn theo kế hoạch năm 2024 là trên 458 tỷ đồng và hơn 187 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022, 2023 kéo dài.

Hiện tại, một trong những vấn đề quan tâm nhất của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Về nội dung này, tỉnh huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 962 hộ DTTS và dân tộc Kinh nghèo và hỗ trợ trên 1.000 hộ DTTS về nước sinh hoạt.

Tỉnh cũng triển khai các dự án thiết thực, phù hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu là hỗ trợ thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 45 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

Tỉnh tập trung thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS với 65 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, 8 công trình trường lớp học, 15 công trình thủy lợi nhỏ được cải tạo, xây mới. Ngoài ra còn duy tu, sửa chữa 56 công trình cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn và xây dựng 1 công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho giáo viên, học sinh.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo triển khai một loạt dự án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đó, sẽ có thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng, 6 lớp học xóa mù chữ được mở mới, khoảng 860 người được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng DTTS, 3.000 người hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng thời hỗ trợ để 100% thôn, bản thuộc các xã vùng DTTS có y tế thôn bản hoạt động; tuyên truyền vận động, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 600 người; 37 xã và 5 huyện triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ...

Như vậy, có thể thấy, khối lượng công việc triển khai thực hiện các dự án là rất lớn, trong khi áp lực về hoàn thành mục tiêu đề ra không hề nhỏ. Bởi thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần phải thực sự vào cuộc mới có thể hoàn thành.

Theo Báo Thái Nguyên
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO