Văn hóa

Ngược núi cùng đồng bào đón Tết cơm Đe

Gia Bảo 01/12/2023 07:06

Trong 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, được hun đúc từ cuộc sống, lao động, tình cảm cộng đồng của con người. Người Mường mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền với bản sắc văn hóa vô cùng mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần đặc sắc và ấn tượng.

Dịp để con cháu sum vầy

Dân tộc Mường còn có tên gọi là Mol, Mual, Moi, cư trú trên một địa bàn khá rộng như Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội... Hiện nay người Mường đã đến sinh sống ở các tỉnh phía Nam như Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Phước... Người Mường ở đâu thì văn hóa Mường tỏa ra đến đó.

Người Mường cũng giống như nhiều dân tộc khác, việc tổ chức lễ hội là một hoạt động sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, là nhu cầu của một làng, một mường. Có mường thì tổ chức lễ hội mỗi năm một lần, có mường hai, ba năm tổ chức một lần tùy theo điều kiện.

anh-bai-nguoc-nui-cung-dong-bao-an-tet-com-de-1.jpg
Bà Bùi Thị Nương: “Tết cơm Đe là dịp để cả gia đình sum vầy”

Nhắc đến người Mường, người ta không thể không nhắc đến Hòa Bình. Đây là tỉnh có tới gần 64% dân số là người dân tộc này. Chính vì tập trung số đông nên đồng bào ở đây còn giữ được rất nhiều lễ hội, phong tục từ cổ xưa, trong đó có tục ăn Tết cơm Đe.

Hàng năm, cứ vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình lại gác công việc đồng áng, ruộng nương thường ngày để tất bật chuẩn bị đón Tết cơm Đe. Người Mường Rậm ở Lạc Thịnh thường ăn ba tết lớn là Tết Nguyên đán, Tết Độc lập và Tết cơm Đe, trong đó Tết cơm Đe được tổ chức to hơn, đông hơn và vui hơn cả vì cả nước duy chỉ có xã Lạc Thịnh mới có cái tết độc đáo này.

Nét độc đáo trong Tết cơm Đe của người Mường Rậm xưa kia là ăn chay và chỉ có phần lễ. Trong mâm cúng, bao giờ cũng phải có quả đu đủ, mướp, măng giang lấy từ rừng về đồ lên hoặc luộc chín, vừng rang giã nhỏ không cho muối hay bất kỳ gia vị nào.

Món đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng là cơm Đe. Cơm được làm từ gạo nếp nhưng phải là gạo ngon, đồ lên rồi trộn ủ với men lá cây rừng. Để có cơm Đe vừa ngon, ngọt, đậm đà, người Mường Rậm phải chuẩn bị trước đó vài ngày, thường là từ 20/10 âm lịch.

Theo bà Bùi Thị Nương, 76 tuổi, ở Mường Rậm, muốn có món cơm đe ngon, ngọt, dậy mùi thơm thì khâu chọn gạo nếp phải kỹ càng, cẩn thận. Nếp phải là nếp nương dẻo, giã bỏ vỏ trấu, sàng sẩy sạch sẽ rồi cho vào nước ngâm từ 3 - 4 giờ, sau đó vớt gạo ra cho vào cốp đồ lên. Khi cơm vừa chín tới cho ra một cái thúng to để nguội. Có một điều đặc biệt là gạo nếp dùng để làm cơm đe không được nấu, vì nếu nấu sẽ bị nát, không còn nguyên hạt. Khi cơm đã nguội thì đem ủ.

anh-bai-nguoc-nui-cung-dong-bao-an-tet-com-de-2(1).jpg
Mâm cơm cúng trong Tết cơm Đe

Để ủ cơm đe, trước hết người ta vẩy một ít nước đun sôi để nguội vào cơm để các hạt cơm không còn dính vào nhau, sau đó rắc men lên từng lớp cơm cho thật đều mới cho cơm vào thúng. Thúng được lót một lớp lá chuối kín, không để gạo ngấm men chảy nước ra ngoài. Với men để ủ cơm đe, như lời truyền lại của ông cha và kinh nghiệm của người Mường Rậm, loại men dùng để ủ cơm là các loại lá, rễ, củ cây trên rừng kết hợp tạo thành.

Cơm được ủ 2 ngày trong thúng cho lên men thì gọi là cơm đe. Lúc này, các gia đình ở Mường Rậm, Mường Trác mới bỏ cơm đe vào lọ sành hoặc sứ, chờ đúng ngày lễ để cúng Thành Hoàng làng, cúng ông bà tổ tiên ăn trước, sau đó mời anh em họ hàng, bạn bè và khách của gia đình.

Vào dịp Tết cơm Đe, những người con của quê hương dù đi công tác, làm ăn, sinh sống ở nơi xa đều cố thu xếp công việc để về sum vầy, thưởng thức Tết cơm Đe. Trong vùng, chỉ có dòng họ Bùi làm Tết cơm Đe, còn các dòng họ khác như Quách, Nguyễn… không làm mà đến chia vui. Để chuẩn bị cho mâm cúng tết được chu tất, ngay từ tờ mờ sáng, gia đình đã dậy, chuẩn bị bày mâm cúng.

Theo quan niệm của người Mường Rậm, phải cúng trước khi mặt trời mọc, vì thời gian này là linh thiêng và mát mẻ. Mâm cúng được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn (đặt mấy mâm là tùy từng gia đình). Măng giang, đu đủ, mướp được đồ chín bày lên tàu lá chuối xanh. Sau khi sắp lễ xong, một thầy mo có uy tín nhất trong làng được mời đến cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh.

Trong khi cúng, tất cả con cháu phải ngồi ở phía trong ngôi nhà sàn để nghe và xem thầy làm lễ. Bài cúng kết thúc cũng là lúc cả gia đình tổ chức ăn Tết trong sáng sớm, từ người già đến trẻ em đều thưởng thức cơm Đe để được may mắn, mạnh khỏe.

Sự tích về ngày Tết cơm Đe

Xung quanh Tết cơm Đe ở Mường Rậm có rất nhiều truyền ngôn. Có tích kể rằng, từ xa xưa, không ai còn nhớ vào thời gian nào, có một vị tướng đem quân đi đánh giặc phương Bắc. Trận ấy ông thua và không may bị thương. Ông cùng tùy tùng phải vượt qua núi Trường Sơn chạy về vùng Yên Thủy. Đến khu vực xã Lạc Thịnh thì trời đã chuyển sang ngày 26 tháng 10 âm lịch.

Vị tướng đã vào nhà một người dân tộc Mường xin nghỉ lại. Trời lúc này chưa sáng hẳn, nhà nghèo quanh năm nên chẳng có ngô, gạo cũng không có thứ gì gọi là thực phẩm. Chủ nhà đành luộc bí xanh, đu đủ, vài chiếc măng giang đang chỏng chơ trong góc bếp nhà sàn để vị tướng và tùy tùng ăn qua bữa.

Đang ăn những thứ đó với vừng rang giã nhỏ không có muối (ngày xưa muối trên miền núi rất hiếm), chủ nhà chợt nhớ ra là còn có ít cơm Đe đang ủ, chuẩn bị nấu rượu dùng vào Tết Nguyên đán nên vội lấy ra mời. Nó không còn là cơm nữa nhưng cũng chưa phải là rượu, xưa nay ở đây không ai ăn.

Sáng hôm sau, trước khi đi, xúc động trước tấm lòng của người dân nơi đây và thương dân nghèo đói, vì vùng này thường xuyên xảy ra hạn hán… vị tướng đã lập đàn cúng thần cầu mưa. Thật linh thiêng, vừa cúng xong thì trời đổ mưa khiến cho người dân vui mừng. Từ đó đến nay, cứ gần đến ngày 26 tháng 10 âm lịch vùng đất Mường Rậm lại có mưa, không to thì nhỏ.

Nhớ ơn vị tướng đánh giặc cứu nước lại còn lập đàn cầu mưa cho dân lành ở vùng hạn hán, hàng năm người Mường ở đây lấy ngày 26 tháng 10 làm Tết cơm Đe. Vật cúng trong mâm không ngoài những thứ đã tiếp vị tướng năm nào, nhất là cơm Đe (loại cơm ủ men từ lá cây rừng để nấu rượu), thứ không thể thiếu.

Nhưng cũng có bậc cao niên ở vùng Mường Rậm lại kể, ngày xưa, có hai ông Lang Cun tên là Cun rậm và Đạo trác đã có công khai phá, dựng lên mảnh đất Mường Rậm, Mường Trác ngày nay. Ông Lang Cun là người trị vì, cai quản cả Tổng Rậm, với mong muốn “quốc thái, dân an”, vì thấy đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhà giàu thì ít, nhà nghèo lại nhiều hơn nên trước khi qua đời, Lang Cun dặn lại các dòng tộc, dòng họ và con cháu là sau khi thu găt vụ mùa xong, dân lúc này mới có gạo nếp để ăn và cúng tổ tiên thì làm bữa cơm chay để cúng Thành Hoàng làng, ông bà tổ tiên trong gia đình, cầu sức khoẻ, bình an, làm ăn phát đạt.

anh-bai-nguoc-nui-cung-dong-bao-an-tet-com-de-3.jpg
Một góc Lạc Thịnh

Lúc bấy giờ, do điều kiện kinh tế nên nhân dân chỉ cúng và ăn chay. Các món ăn chay do ông Lang Cun dặn gồm có măng giang, đu đủ, quả mướp luộc, muối vừng rang không cho muối, cơm đe, xôi đồ.

Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng Mường Rậm, Mường Trác được nâng cao. Lễ cơm đe giờ phong phú hơn, hầu hết các gia đình tổ chức ăn mặn, mổ lợn, gà, chế biến nhiều món ngon thiết đãi khách. Trong mâm cơm cúng gia tiên và bữa cơm ngày lễ dù thế nào vẫn không thể thiếu món rau đồ và rau cải dưa muối.

Khách đến gia đình chỉ là ăn cơm đe nhớ vị, nâng chén rượu để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của nhau, cùng đón nhận không khí ấm tình đoàn kết, tình thân và cảm nhận nét đẹp văn hoá truyền thống của ngày lễ cơm đe riêng có ở vùng Mường Rậm, Mường Trác. Mọi người đều chúc cho nhau sang năm mới có nhiều đổi thay, nhiều sức khoẻ, gia đình hạnh phúc. Gia chủ đáp lại lời chúc của khách, hẹn sang năm khách trở lại sẽ tổ chức ăn lễ cơm đe lớn hơn.

Ngày Tết cơm Đe, không ai phải mời ai, khách tự biết mà đến nhà chơi. Bởi người dân nơi đây quan niệm “khách không mời đến mới là khách quý”. Câu nói đó phần nào thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Mường Rậm và cũng làm bật lên tính cách của người Mường nói chung, vừa mộc mạc vừa dung dị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO