Gương sáng

Người phụ nữ Mường đam mê giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống

Thanh Hải 30/11/2023 - 21:32

Với những đóng góp và tình yêu văn hóa truyền thống của mình, bà Phạm Thị Bảo (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đã trở thành một điển hình trong trong phục dựng và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Bà Phạm Thị Bảo sinh ra và lớn lên trong bản Mường bình yên. Năm 10 tuổi bà được mẹ dạy cho những đường chỉ đầu tiên, năm 16 thì một mình ngồi vào khung cửi. Bà đến với dệt thổ cẩm bằng niềm đam mê cái duyên, cái tinh tế, cái đẹp... toát ra từ đường kim mũi chỉ để tạo nên những mảnh vài thổ cẩm kết tinh văn hóa và tình yêu của người Mường trong từng sản phẩm.

Bà chia sẻ: "Dệt thổ cẩm truyền thống trải qua nhiều công đoạn như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt... và được thực hiện hoàn toàn thủ công. Bởi vậy, tôi làm nghề với mong muốn giữ nghề, giữ văn hóa của người Mường. Muốn đồng bào Mường luôn mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, đặc trưng trong các sự kiện quan trọng, từ đó, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc, quý báu của dân tộc đi khắp mọi nơi".

Do yếu tố thị trường, người dân phải lo mưu sinh đã khiến nghề dệt thổ cẩm của người Mường dần mai một. Giờ đây, trang phục, vật dụng cho sinh hoạt rất sẵn và rẻ. Người con gái Mường không phải vất vả bên khung dệt nữa. Cũng chính vì lý do ấy, những cô gái Mường đang đứng trước nguy cơ lãng quên dần nghề dệt truyền thống.

Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương khôi phục nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm dân tộc, lớp học truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm đã được mở tại xã để tạo điều kiện cho người dân còn nhiều khó khăn phát huy nghề và có cơ hội giao lưu học hỏi thêm kiến thức.

z4930387262273_81bcc6fbd8f3988082e0615f3a87425c(1).jpg
Bằng tâm huyết và đam mê, bà Phạm Thị Bảo đã truyền lửa cho những người phụ nữ Mường cùng bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống.

Thấy một số chị em có tay nghề nhưng không có điều kiện theo nghề. Chứng kiến điều đó, cùng với tình yêu với dệt thổ cẩm truyền thống, bà Bảo đã quyết định phát triển nghề tại địa phương. Bà đã trăn trở và có ý tưởng phát triển nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư nguyên vật liệu để sản xuất nghề thổ cẩm và tìm cách tiêu thụ.

Hiện bà đã thành lập câu lạc bộ “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường” tại xã Cao Ngọc, thu hút khoảng 36 thành viên tham gia. Câu lạc bộ đã từng bước phát triển và mở rộng quy mô. Bằng cách này, bà Bảo đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra với đường kim, mũi chỉ tinh xảo, khéo léo và duyên dáng đã thu hút đông đảo khách hàng, từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên của CLB.

Bà Bảo cho biết: “Khi CLB mới thành lập, chúng tôi phải đi tuyên truyền, vận động phụ nữ trong xã cùng tham gia để vừa giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa có thể phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được tuyên truyền, nhiều chị em đã đồng hành với CLB giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Mường ngày càng tăng, bà đã chủ động trao đổi với Hội Phụ nữ xã Cao Ngọc để hội đứng ra kêu gọi hội viên phụ nữ trong làng, xã ai biết dệt thổ cẩm tham gia vào cơ sở của mình.

Những ngày đầu thành lập, cơ sở khó khăn, do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, khung cửi chưa có, nhưng vì lòng đam mê, bà vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Bản thân bà vừa dệt, vừa thiết kế, vừa may các sản phẩm và cũng là người đưa sản phẩm thổ cẩm của cơ sở mình đi bán ở các chợ quê trong huyện. Vừa bán hàng, bà Bảo vừa trò chuyện, tiếp xúc với khách hàng để nắm bắt nhu cầu về mẫu mã, chất lượng thổ cẩm.

z4930388791698_9dbd5188a821e5943e2130997c342969(1).jpg
Sản phẩm thổ cẩm của cơ sở sản xuất đã dạng về mẫu mã, phong phú về màu sắc.

Qua một thời gian hoạt động, đến nay, CLB đã tạo việc làm thường xuyên cho các chị em trong xã, với mức thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Phạm Thị Hưng, hội viên CLB cho biết: “Trước đây, khi chưa có CLB, đa số phụ nữ trong vùng làm nông hoặc đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Từ khi CLB đi vào hoạt động đã giúp các hội viên có thu nhập ổn định. Đây chính là nguồn động viên cho nhiều phụ nữ không có việc làm trong xã. Không chỉ có thêm thu nhập, thông qua CLB, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.

Để đáp ứng thị hiếu và hợp với nhu cầu thị trường, bà Phạm Thị Bảo phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm thổ cẩm. Đến nay, sản phẩm từ vải dệt thổ cẩm có thể may được các trang phục, vật dụng khá phong phú như áo, váy, thắt lưng, chăn, gối, đệm, khăn... Cầu kỳ, đặc sắc nhất trong hoa văn dệt thổ cẩm của người Mường là hình ảnh chim muông, núi, sông... tượng trưng cho cuộc sống gắn liền với núi, rừng hoang sơ của đồng bào dân tộc Mường.

Với quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống, chính quyền xã Cao Ngọc đã đưa nghề dệt thổ cẩm vào định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Tới đây, trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), xã Cao Ngọc xác định sẽ chọn sản phẩm dệt thổ cẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Khi đó, các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Mường sẽ được biết đến tại nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh.

Với những nỗ lực của mình trong việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của địa phương, năm 2014 bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc giai đoạn 2009-2014; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen vì có sản phẩm xuất sắc tham gia ngày phụ nữ sáng tạo năm 2015; UBND huyện Ngọc Lặc tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước xã Cao Ngọc 2010-2015 và Giấy khen có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác hội Phụ nữ giai đoạn 2011-2016...

Bà Bảo chia sẻ: ''Gìn giữ, tìm lại chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống là đam mê của tôi. Tuy nhiên, để làm được điều này không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Bên cạnh những nỗ lực của người truyền dạy, các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm dệt cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm trong xu thế hiện đại cũng cần có những biến tấu đa dạng cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Người thợ dệt hôm nay cần biết kết hợp giữa nét văn hóa xưa và những giá trị hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ…''.

Việc phát triển nghề truyền thống và xây dựng CLB nghề truyền thống trong thời gian qua ở xã Cao Ngọc đang đi đúng hướng. Tuy vậy, trong xu thế phát triển, nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở Cao Ngọc vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ như thiếu hụt lao động trẻ, sự cạnh tranh lớn từ những sản phẩm sản xuất công nghiệp...

Để giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào, thời gian tới, xã Cao Ngọc sẽ mở thêm các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các triển lãm, hội chợ; tuyên truyền, vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, tết... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào đối với việc giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO