Văn hóa

Lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu

Hải Thanh 30/11/2023 - 21:36

Lễ hội mừng lúa mới là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Đối với người Cơ Tu, lễ hội là dịp để họ tạ ơn thần linh đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no.

Cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng hiện nay có khoảng 1.500 người, sống tại ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí của xã Hoà Bắc và Phú Túc của xã Hoà Phú. Người Cơ Tu Đà Nẵng là nhóm Cơ Tu vùng thấp nên được gọi là Cơ Tu nal. Khu vực sinh sống người Cơ tu ở xã Hoà Bắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã; vùng người Cơ tu ở xã Hoà Phú sinh sống nằm về phía Nam của ngọn núi Bà Nà. Địa vực cư trú của đồng bào là những dải đất hẹp ven các con suối được hình thành từ những dãy núi cao.

Trên mảnh đất Đà Nẵng, đồng bào Cơ Tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc mình. Người Cơ tu Đà Nẵng hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong tất cả các mặt đời sống xã hội như luật tục, tổ chức cộng đồng, hôn nhân - gia đình, nhà ở, đời sống văn nghệ, ẩm thực...

Lễ hội Mừng lúa mới là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu, nhằm thể hiện sự biết ơn đối với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Mừng lúa mới trong tiếng Cơ Tu là “Cha Ha Ro Tơ Me”. Đây là một trong những lễ hội truyền thống, là nét sinh hoạt văn hóa của mọi người trong làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong làng vì thế luôn rộn ràng náo nức.

z4911100426880_620eabbd17c3331a7b259c2b124c0a3c.jpg
Mừng lúa mới là lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu, là dịp bà con tạ ơn thần linh đã mang đến mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

Để chuẩn bị cho lễ hội mừng lúa mới, các cô gái Cơ Tu cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong... Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo, những khối củi thật khô được chọn chẻ nhỏ và xếp vào gùi. Những dòng nước sạch được đựng vào ống tre. Những chiếc lá dong dày đẹp được hái mang về bản làng. Tận dụng lợi thế thiên nhiên núi rừng, các chàng trai Cơ Tu khỏe mạnh cầm cung, nỏ, lao... đi bắt cá, bắt cua, kiếm mật ong… để làm lễ vật cho mâm cúng lễ thêm đầy đủ, trang trọng.

Theo đồng bào Cơ Tu, từ xa xưa, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của bà con. Tuy nhiên với đặc thù núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, do đó lễ hội "Mừng lúa mới" ra đời như là cách để người dân thể hiện sự mong ước về sự no đủ.

Mừng lúa mới cũng là lễ hội truyền thống từ ngàn đời nay của người Cơ tu. Đây là nghi thức người Cơ tu báo cáo với Giàng và ông bà tổ tiên sau một năm bà con dân làng làm ăn vất vả, được Giàng và ông bà phù hộ, kết quả là hôm nay bà con có được mùa lúa, cây sai quả, có sắn khoai và cả vật nuôi. Nghi thức cúng lúa mới hướng tới việc mời Giàng và tổ tiên về dự, hưởng lễ vật do dân làng dâng cúng, đồng thời xin Giàng và tổ tiên tiếp tục phù hộ để năm sau dân làng lại được những vụ mùa tốt tươi.

z4911100486987_56e8130f28f0e5ce39126b563d5af1da.jpg
Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, cây nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế.

Cây nêu và cột lễ (snur) là trọng tâm của lễ hội. Cây nêu là hai cây tre được trồng đối xứng hai bên cột lễ, được uốn cong vòng cung và nối nhau trên đỉnh cột lễ. Cột lễ là trụ gỗ lớn được trang trí hoa văn cầu kì giữa sân nhà Gươl. Trên ngọn cây nêu thường được trang trí hình chim chèo bẽo – biểu thị của tinh thần tự do. Cột lễ, theo quan niệm là cột thông thiên – tức là cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh trên trời. Vì vậy, cột lễ là nơi dâng cúng lễ vật cho thần linh, là cầu nối liên thông giữa thế giới thần linh với dân làng, nơi để gửi và nhận lễ vật hiến tế, và cũng là nơi cử hành và trình diễn các nghi thức thờ cúng đầy huyền bí.

Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, cây nêu như là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây nêu của người Cơ Tu rất đa dạng (cây Nêu trong bản làng, cây nêu trong gia đình, cây Nêu lễ hội, cây Nêu trong tang ma). Cây nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần thế tục và tâm linh sâu xa, bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, cây Nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất được về với cõi vĩnh hằng; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Để tổ chức mừng lúa mới, già làng phải chuẩn bị mâm lễ với cau trầu, rượu, gà, xôi nếp… để xin Giàng. Theo tục lệ, sau khi cử hành nghi thức khấn vái, già làng gieo hai miếng cau trong ba lần. Giàng chấp thuận là khi một miếng ngửa và một miếng úp. Bằng không thì phải gác lại năm sau. Không một ai dám làm trái ý Giàng. Khi được Giàng chấp thuận rồi mới phân công dân làng chuẩn bị cho lễ chính như heo, gà, quan trọng là trâu và dựng cây nêu… Mỗi người một việc, toàn thể dân làng đều được thôi thúc bởi niềm tin có Giàng tối cao và sẽ được Giàng phù hộ cho ngày mai cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từng phần của lễ hội đều rất cầu kỳ, chẳng hạn để cột trâu vào nêu thì trước hết làng phải dùng một con heo sống để cúng con trâu, sau mới dùng trâu để cúng Giàng. Trước khi đâm trâu, làng phải cử người khóc trâu – nghi thức thể hiện sự thương xót của dân làng đối với con trâu vì phải hy sinh thân mình cho cuộc sống bình yên của dân làng… Trong lễ mừng lúa mới thường có nghi thức đâm trâu, con trâu cũng là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế, giúp dân làng thể hiện được tình cảm với thần linh, mong thần linh phù hộ cho dân làng một vụ mùa mới tiếp tục ấm no, hạnh phúc.

z4911100497357_bbd385d0bf970834c6626dbc4b714c0f.jpg
Bà con vui hội với tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng tạo sự gắn kết và tăng cường tình đoàn kết trong buôn làng.

Việc sử dụng cồng chiêng cũng tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Muốn sử dụng trước hết phải bày mâm lễ với rượu, gà, xôi nếp cúng xin Giàng rồi mới được đụng đến. Tiếng trống, tiếng chiêng được đánh khác nhau trong diễn trình. Trước lễ hai ngày là đánh trống báo tin làng sắp có hội.

Trong ngày hội, khi trâu sống thì đánh khác, khi trâu ngã đánh khác, tiết nhịp và điệu múa cũng mỗi lúc mỗi khác nhau… Các nghi thức thể hiện cao độ văn hóa dân gian trong tín ngưỡng thờ thần của người Cơ tu, biểu thị tinh thần biết ơn đối với thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa bội thu và cuộc sống bình yên.

Tiệc chiêu đãi là lễ vật hiến tế với trâu, lợn, gà, xôi bánh và phần đóng góp của mỗi gia đình. Thức uống không thể thiếu trong lễ mừng lúa mới là rượu cần.

Lễ hội mừng lúa mới được người Cơ tu tổ chức sau vụ mùa, vào khoảng tháng 10 âm lịch. Cấu trúc đầy đủ theo truyền thống gồm có đâm trâu, múa hát, dùng cơm chung, thi tài văn nghệ. Đây là một sinh hoạt văn hoá độc đáo, vừa là sinh hoạt tín ngưỡng, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội tụ nhiều đặc sắc văn hóa của người Cơ Tu, cần được giữ gìn và phát huy trong cuộc sống mới hôm nay.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập và giao lưu, tiếp xúc diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng nên văn hóa của người Cơ Tu Đà Nẵng đã có những biến đổi khá rõ nét. Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ Tu Đà Nẵng đã cùng với chính quyền không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa – thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình. Thông qua các hoạt động này, bản sắc của đồng bào được bảo tồn và phát triển. Từ đó, người Cơ tu Đà Nẵng được biết đến với tư cách là một cộng đồng góp phần làm đa dạng văn hóa của Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO