Sáng 15/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kĩ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trong chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện dự án về triển khai Dự án giảm nghèo về thông tin với mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực truyền thông, nâng cao kĩ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông, các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội nhất là tới các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… tới những người dân sinh sống trên các địa bàn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Hội nghị sẽ mang lại những kết quả để ngày càng tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lí nhà nước với các cơ quan thông tấn báo chí, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo nói chung”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đã trình bày các chuyên đề: Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025; chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, miền núi...
Theo đó, nội dung tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các thông tin có liên quan đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sống trên địa bàn các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.
Kết luận Hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng mong muốn các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh công tác truyền thông về những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh toàn diện tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Khuyến khích đồng bào dân tộc phát triển những vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm trưng từng vùng, miền mang lại hiệu quả cao.…
Về lĩnh vực giáo dục, nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số. Cần có các cơ chế chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; chăm lo đời sống đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn những công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xóa bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống. Bảo đảm quyền tự và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.