Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực.
Tỉnh Hòa Bình đưa ra mục tiêu, giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 652 ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147 ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, khi tỉnh Hòa Bình được đầu tư nguồn vốn trong Chương trình MTQG 1719 chính là đòn bẩy đưa kinh tế địa phương đi lên.
Để thực hiện tốt nội dung trên, trong năm 2023, tỉnh có tổng số vốn được giao là hơn 813 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là hơn 361 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 452 tỷ đồng. Trong quý III/2023 các danh mục, dự án trong tỉnh đã được đầu tư và giải ngân nguồn vốn theo quy định. Dự kiến đến ngày 31/12/2023, tỉnh Hòa Bình sẽ hoàn thành và giải ngân 100% so với kế hoạch, bao gồm cả nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023.
Để đánh giá hiệu quả của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Hòa Bình tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện các dự án, tiểu dự án ở một số địa phương. Tiêu biểu như tại Đà Bắc, được biết đến là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, từ khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi cơ bản. Kết quả này có được là nhờ sự góp sức rất lớn của đội ngũ các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại cơ sở.
Ông Đinh Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tú Lý, huyện Đà Bắc cho biết, trong thực hiện các Chương trình MTQG 1719, khi có dấu hiệu bất thường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã phối hợp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xóm lập đoàn kiểm tra, giám sát công trình.
Khi giám sát, Ban giám sát phát hiện nhiều đoạn đường đơn vị thi công đã xảy ra nhiều vi phạm. Tất cả những vi phạm trên đã được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã chụp ảnh minh họa kèm báo cáo giám sát gửi UBND xã.
Trước thực trạng đó, UBND xã yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng công trình, giải trình cho cử tri và nhân dân rõ việc thực hiện chưa đúng yêu cầu như phê duyệt kỹ thuật của đơn vị thi công.
Cũng bằng cách giám sát theo sự phản hồi của nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Tu Lý đã chỉ ra đơn vị thi công sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng xây dựng công trình trường học trên địa bàn xã. Do đó, Ban giám sát đã yêu cầu đơn vị này phải loại bỏ những viên gạch không đảm bảo chất lượng khi thi công công trình.
Đặc biệt, mới đây Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình do ông Bùi Tiến Lực - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 03 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 tại Huyện ủy Yên Thủy.
Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Yên Thủy khởi công xây dựng 59 công trình, tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng; có 31 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2022 - 2023, huyện được phân bổ trên 102 tỷ đồng thực hiện công trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất và một số thành phần của chương trình. Dự kiến, đến cuối năm 2023, toàn huyện sẽ hoàn thành và giải ngân 100% nguồn vốn.
Qua giám sát tại cơ sở, ông Bùi Tiến Lực đề nghị, huyện Yên Thủy tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết và các văn bản liên quan về công tác dân tộc.
Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói, giảm nghèo…
Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.