Văn hóa

Hân hoan điệu Then giữa thành phố Hà Giang

Thanh Tâm 30/12/2023 - 09:55

Dân tộc Tày ở Hà Giang chiếm khoảng 23% dân số. Người Tày có nền văn hóa dân gian phong phú và đa dạng, nhất là vốn văn hóa nghệ thuật, dân ca, ca dao, tục ngữ... Then là một trong những loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển theo sự phát triển của dân tộc.

Đội văn nghệ dân gian thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) cứ tối cuối tuần hoặc khi có yêu cầu đều nhanh chóng tập trung lại tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Đến với Hà Giang, ngoài thưởng thức những món ăn ngon, du khách còn được tìm hiểu và đắm mình trong những làn điệu dân ca như hát Then, đàn Tính do chính những chàng trai, cô gái người Tày biểu diễn… Trong hơi lạnh xứ vùng cao, những điệu hát Then như giới thiệu về những bản sắc văn hoá dân tộc của người dân tộc Tày, với những ngôi nhà sàn truyền thống, cối giã gạo nước, phong tục tập quán, các bộ trang phục truyền thống của đồng bào Tày.

Hát Then ở Hà Giang là một loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm nhiều yếu tố văn hoá - nghệ thuật, vừa mang cả yếu tố tâm linh. Hát Then gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào dân tộc Tày.

nghe-nhan-hoang-tien-sung.jpg
Nghệ nhân Hoàng Tiến Sung coi hát Then như một phần cuộc sống của mình

Xuất xứ nguồn gốc của Then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Trời, mà chỉ có bà Then, ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các bà Then, ông Then này dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát. Lúc đầu hát Then chỉ có một người: tay đệm đàn, miệng hát, chân sóc nhạc. Chính lời bài hát Then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập đưa bà Then, ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người. Do đó, người hát Then trong những dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Ngay nay, hát Then đàn tính đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể, được bạn bè quốc tế biết đến và mở đường cho thêm nhiều hoạt động phát huy loại hình này vào đời sống, vừa bảo tồn văn hoá vừa phát triển du lịch. Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình làm dịch vụ Homestay gắn với trải nghiệm lao động sản xuất, tri thức dân gian, đặc biệt gắn với trải nghiệm hát Then đàn tính.

Nghệ nhân tính tẩu Hoàng Tiến Sung, người dân tộc Tày xã Bằng Lăng, huyện Quang Bình, Hà Giang cho biết các bài Then đã có từ hàng trăm năm qua với lời thơ có tính chất nhân văn, giáo dục người đời, cầu mong ăn nên làm ra, xây dựng gia đình hạnh phúc, tả về cảnh đẹp của làng quê, nghệ thuật văn hóa giao duyên… rất hay và vần điệu.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra Then có nguồn gốc từ chữ “Tiên” có nơi gọi là “Sliên”, nghĩa là “người của trời”. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc...do những người làm nghề then thực hiện. Đây là những phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày ở tỉnh Hà Giang. Các câu văn vần gắn liền những làn điệu cụ thể được truyền từ đời này sang đời khác cho đến nay, bằng những văn tự và truyền miệng qua các thế hệ học làm then.

Xưa kia, cuộc sống của người Tày lệ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, vì vậy đồng bào đã biết sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong cuộc sống để chế tạo các nhạc cụ đơn giản, trong đó có cây đàn tính. Đây là loại nhạc cụ được sử dụng trong nghi lễ then. Đàn tính được làm từ quả bầu khô, gắn lên mặt cắt một miếng ván mỏng, dây đàn được làm từ tơ tằm. Bên cạnh đó, Đồng bào Tày còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về then và cây đàn tính như truyện truyền thuyết kể về "Cô gái mồ côi”; truyện kể về chàng trai “Xiên Cân” …

Sơ bộ Then Hà Giang có khoảng trên 60 bài Then cổ, cung, phủ được sử dụng hát trong các nghi lễ. Cũng như các tỉnh khác Then Hà Giang có hai thể loại Then Tính và Then quạt. Có 02 nhóm chính là Then Kỳ Yen và Then Lễ hội. Cúng Then bao giờ người ta cũng tổ chức vào ban đêm yên tĩnh, khi mọi sự sống đã lắng đọng vào giấc ngủ, chỉ còn vang vọng tiếng hát của then, giúp mọi người nghe và cảm nhận từng lời hát một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Then có ý nghĩa quan rất trọng trong quá trình bảo tồn văn hóa dân gian Tày, theo đó, những nghệ nhân Then Tày đuợc coi là trung tâm bảo tồn nghệ thuật Then. Trong năm 2023 qua, chính quyền TP Hà Giang tích cực triển khai tập trung khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào Tày như: Lễ hội Lồng Tồng, Nàng Hai, Khảu Mảu, múa Lẩu Then (cổ), Lẩu Then Bjoóc mạ. Các loại hình nghệ thuật dân gian hát Then, hát Cọi kết hợp với nhạc cụ đàn Tính, lúc lắc, nhị, sáo… Riêng tại Hà Giang, đã tập hợp được 14 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính của 3 xã biểu diễn thường xuyên, tạo thành nét đẹp văn hóa trong đồng bào Tày, làm say lòng du khách.

z4601794157373_35283d40a101def157f60b112a143286_20230817160611.jpg
Hát Then phản ánh tâm tư tình cảm của cả người chơi lẫn người nghe

Tỉnh Hà Giang đã từng bước xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân, người có công, tâm huyết lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật văn hóa dân tộc thiểu. Đồng thời, ngành cũng định hướng cho Đoàn Nghệ thuật dân tộc nghiên cứu, sưu tầm chất liệu văn hóa dân gian các dân tộc, trong đó, có hát - múa then để xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa nhằm khơi dậy trong đồng bào các dân tộc niềm tự hào, trân trọng di sản văn hóa dân tộc, ý thức hơn trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc mình.

Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trong chương trình của Đội văn nghệ quần chúng các xã, phường; đội văn nghệ tại các làng văn hóa Du lịch cộng nhất thiết phải có tiết mục được khai thác từ những làn điệu dân ca, dân nhạc, múa... truyền thống dân tộc.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hát Then của dân tộc Tày ở Hà Giang không chỉ là việc của riêng ngành văn hóa. Cách bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nói chung và di sản văn hóa hát Then dân tộc Tày nói riêng, trước hết và tốt nhất vẫn là việc tự giữ gìn, phát huy trong cộng đồng mỗi dân tộc.

Bởi vậy hình thành các CLB Then, dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhi đồng nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng Then, giúp thế hệ sau hiểu thế hệ trước đã hành nghề ra sao, từ đó xây dựng thái độ tích cực, tôn trọng di sản quý báu của cha ông để lại. Trên cơ sở đó đưa các chương trình dạy hát Then trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, dân tộc nội trú cấp huyện, giúp trẻ em lĩnh hội và yêu thích âm nhạc dân gian của chính dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO