Hát Then, đàn Tính vừa là "đặc sản", vừa chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Trong đó, hát Then thường được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết, chúc thọ và nhiều sinh hoạt văn hóa khác.
Cao Bằng là một trong 11 tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc được UNESCO ghi danh là địa phương có di sản Then. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, mà còn là điều kiện thuận lợi để tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Then Tày Cao Bằng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch.
Hát Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn. Các ông Then, bà Then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu Then từ cây đàn tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh.
Đồng bào Tày quan niệm, những điệu Then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Còn đàn Tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo, mang lại âm thanh mượt mà, ngọt ngào và ấm áp. Tiếng hát Then và đàn Tính hòa quyện, phản ánh tâm tư tình cảm của người chơi và người nghe, tạo nên cảm giác bâng khuâng, lưu luyến.
Hát Then phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của cư dân bản địa, có vai trò là cầu nối giữa con người với thần linh. Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.
Trong các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Tày thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng... Lời hát Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế...
Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người, ngợi ca đạo đức, chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước… Trong diễn xướng hát Then có giai điệu lúc trầm, lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, khi thanh tao, khi lâm ly, thống thiết… cuốn hút người tham dự.
Ngoài vẻ đẹp ca từ, giai điệu, âm thanh, Then còn quyến rũ trong vũ đạo và vẻ đẹp của các đồ thủ công truyền thống ở trang phục, đạo cụ trong nghi lễ. Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như: Đàn Tính, Chùm xóc nhạc, Quạt, Thẻ Âm dương, Kiếm...
Còn đàn Tính được đồng bào dùng để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm... Đây là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo, được làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng gỗ cây khảo quang hoặc cây dâu tằm.
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy giá trị hát Then. Đặc biệt, từ năm 2019, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và chính nhân dân được nâng lên. Phong trào luyện tập, truyền dạy hát Then ngày một sôi nổi.
Hiện, toàn tỉnh Cao Bằng có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành), nghề rèn của người Nùng An (xã Phúc Sen), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa); Lượn cọi dân tộc Tày (Bảo Lâm); Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao Đỏ, xã Vũ Minh (Nguyên Bình).
Ngoài ra, năm 2023, tỉnh cũng hoàn thiện hồ sơ di sản "Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng" trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.