Đặc sản địa phương

Gỏi cá - Món ăn đặc sắc của người Thái ở Tây Bắc

Tạ Ngọc Sơn 26/12/2023 - 14:39

Đặc điểm nổi bật trong đời sống của người dân tộc Thái sinh sống ở Tây Bắc nước ta đó là họ luôn sống ở thung lũng hoặc dọc các con sông, con suối … những nơi có thể canh tác lúa nước, đào ao nuôi cá. Bởi vậy nên cá, tôm và các loài thủy sản là những thứ không thể thiếu trong ẩm thực hàng ngày của mỗi gia đình. Đến giờ, người Thái vẫn lưu truyền câu “Mưa kin pa, ma kin lẩu”, có nghĩa là “Đi ăn cá, về uống rượu” để nói đến lòng hiếu khách, sẵn sàng tiếp đãi trọng thị với khách đến chơi nhà và trong “bữa tiệc” đó không thể không món ăn được chế biến từ cá.

mon-goi-ca-kieu-truyen-thong-cua-nguoi-thai.jpg
Món gỏi cá truyền thống của người Thái ở Tây Bắc.

Ngoài những món như cá nướng, cá gác bếp, canh cá thì một trong những món ăn được chế biến từ cá và trở thành đặc sản, mang “thương hiệu” của người Thái đó là gỏi cá. Đây là một món thường làm để đãi khách quý từ xa đến hoặc những dịp lễ tết quan trọng của đồng bào.

Gỏi cá của người dân tộc Thái được làm từ cá trắm, cá mè, cá chép, cá trôi… và phải được nuôi ở nguồn nước sạch, có trọng lượng từ 2kg trở lên, càng to càng dễ chế biến. Cá sau khi được làm sạch, đánh vẩy, tước da, lọc xương, không để thịt cá tiếp xúc với nước lã mà phải dùng giấy bản hoặc giấy trắng bọc miếng thịt, rồi mới bỏ vào trong thùng gạo để gạo hút sạch nước trong thịt cá, sau đó thái lát mỏng.

Tiếp theo, chuẩn bị các gia vị gồm: Hoa chuối thái mỏng ngâm nước, rau mùi tàu, rau húng rũi, tía tô, lá tỏi và đặc biệt phải có rau thơm rừng, trong tiếng Thái là “hau om” và rau “bau mù chưn”. Các rau trên kết hợp với ớt tươi, tỏi, lạc rang giã nhỏ, mắc khén, hạt rổi, chanh, đặc biệt không thể thiếu nước cốt măng chua…

Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu thì trộn đều cá thái mỏng với các gia vị đã chuẩn bị. Làm như vậy, các miếng thịt cá thái mỏng sẽ được trộn đều với các loại rau, cùng với gia vị hòa quyện với mùi thơm lạ của nước măng chua đã trở thành một món ăn rất ngon, lạ miệng và vô cùng đặc sắc.

Ông Lèo Văn Hiếng, 60 tuổi, trú tại bản Cá, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Đây là món ăn đòi hỏi chế biến rất cầu kỳ nên ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn thì một năm chúng tôi chỉ được thưởng thức món này vài lần vào những dịp quan trọng như cưới, hỏi, tết , làm nhà… Nhưng ngày nay đời sống đã được nâng cao nên chúng tôi thường xuyên được thưởng thức ngay cả các dịp bình thường”.

ong-leo-van-hieng.jpg
Ông Lèo Văn Hiếng: "Gỏi cá là một món ăn rất ngon, lạ miệng và vô cùng đặc sắc của người Thái"

Người Thái ở Điện Biên cũng chế biến món gỏi cá nhưng điều đặc biệt là có thể được làm từ những con cá bống suối to hơn đầu đũa một chút, được đánh bắt ở nước sạch đầu nguồn rồi được mang về để trong chậu nước sạch một thời gian cho cá thải hết chất bẩn. Sau đó để nguyên trộn gia vị như gỏi cá bình thường, thành món gỏi cá nhưng cá vẫn còn sống, có thể còn giẫy giụa trong miệng của thực khách khi ăn. Đó gọi là món “cá nhẩy” - một món ăn vô cùng đặc sắc mà không ở đâu có được.

Bà Quàng Thị Phương trú tại bản Pe Luông, xã Thanh Luông, huyện Điên Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Cá bống để làm được món này phải được đánh bắt trên đầu nguồn của suối Hua Pe, cách lòng chảo Điện Biên khoảng bảy cây số. Ở đây nguồn nước rất sạch, không có người dân sinh sống”.

ba-quang-thi-phuong.jpg
Bà Quàng Thị Phương: "Món "cá nhẩy" giờ trở thành đặc sản của người Thái ở Điện Biên"

Bà Phương cho biết thêm, hiện nay món này cũng là món ăn rất hiếm khi có được, phải là những dịp đặc biệt như tiếp khách quý ở xa đến mới có điều kiện để làm vì để có được những con cá bống suối sạch sống ở đầu nguồn cũng không phải dễ kiếm.

Hiện nay, cá hồi đã được nuôi nhiều ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và đặc biệt được nuôi nhiều tại thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai. Từ đây trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nước ta đã xuất hiện một món ăn được nhiều khách du lịch rất ưa chuộng đó là món gỏi cá hồi được kết hợp giữa món sashimia của Nhật Bản kết hợp gia vị của món gỏi cá của người Thái tạo nên một món ngon, có hương vị đặc biệt, không một nơi nào mà chỉ có ở miền Tây Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, chủ cơ sở nuôi và chế biến nhà hàng cá hồi tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay do nhu cầu của khách du lịch tăng cao, ai đến cũng muốn được thưởng thức món gỏi cá nên trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40kg nên cơ sở của chúng tôi từ nuôi đến chế biến nhiều lúc không đủ đáp ứng”.

ong-nguyen-xuan-bac-chu-co-so-nuoi-va-che-bien-ca-hoi.jpg
Ông Nguyễn Xuân Bắc, chủ cơ sở nuôi và chế biến nhà hàng cá hồi tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Như vậy, từ một món ăn được kết tinh trong cuộc sống ngàn năm của người dân tộc Thái, trải qua một quá trình lịch sử, giờ đây, với sự hòa nhập với thế giới bên ngoài đã trở thành một món ăn đặc sản, ngon và đặc sắc không nơi nào có của vùng Tây Bắc nước ta, rất cần được gìn giữ và phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO