Đời sống xã hội

Gieo tình yêu văn hoá truyền thống cho học sinh dân tộc thiểu số

Nguyễn Thảo 26/12/2023 - 12:35

Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, bổ ích được tỉnh Đắk Lắk tổ chức, giúp học sinh dân tộc thiểu số có cơ hội giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống.

Mới đây, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk diễn ra “Ngày hội giao lưu văn hoá, văn nghệ các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú”.

398-202312260959341.png
Ngày hội giao lưu văn hoá, văn nghệ của các học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Lắk

Đây là ngày hội cấp tỉnh lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk tổ chức, thu hút hơn 500 học sinh đến từ 20 trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh.

398-202312260959342.jpg
Học sinh các trường vui nhảy sạp

Với em Y Sa Hun Niê (lớp 8, huyện Krông Năng), ngày hội là sân chơi ý nghĩa và bổ ích. Em Y Sa Hun chia sẻ: “Trong hai ngày diễn ra hội, đội em tham gia tiết mục múa, cồng chiêng. Em và các bạn tự hào khi biểu diễn nhạc cụ dân tộc mình. Qua đó, chúng em có cơ hội tìm tòi, học hỏi, giao lưu về các nền văn hoá các dân tộc, bồi dưỡng ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá”.

398-202312260959353.jpg
Tiết mục thi cà kheo tại ngày hội

Thầy Y Sơ Wel Kbuôr, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Krông Năng cho biết, trường có 154 học sinh dân tộc thiểu số Êđê, Tày, Nùng, Thái, Mường... Trong đó, học sinh Êđê chiếm đa số. Trường thành lập một đội chiêng nam từ năm 2011. Hiện nay, hầu hết các học sinh nam đều biết đánh chiêng.

398-202312260959354.jpg
Trò chơi ném còn

Theo thầy Y Sơ Wel, để khơi gợi, gieo tình yêu văn hoá, nhà trường tổ chức trò chơi dân gian, tìm hiểu một số nhạc cụ dân tộc, mời nghệ nhân về truyền dạy, sau đó nắm bắt tiết tấu, giáo viên nhạc sẽ hướng dẫn các em.

Tham gia ngày hội, học sinh được thể hiện tài năng, năng khiếu của bản thân, giao lưu giữa các trường, biết được văn hoá, phong tục tập quán của các dân tộc. Qua đó, hiểu hơn về văn hoá dân tộc mình, để giữ gìn, duy trì cho các thế hệ sau.

398-202312260959355.jpg
Mỗi dân tộc sẽ có các trò chơi đặc sắc

Sau khi tham gia ngày hội, học sinh Niê Phạm Thảo Yến (lớp 12, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng, TP Buôn Ma Thuột) biết thêm nhiều trò chơi dân gian, đặc điểm khác nhau của từng dân tộc. Khi giao lưu, Thảo Yến cảm nhận trong mỗi bạn đã có sẵn đam mê nên thể hiện các tiết mục rất xuất sắc.

Theo thầy Trần Châu Thỏa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú N’Trang Lơng, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, tuyển sinh đầu cấp, trường cấp cho mỗi em một bộ trang phục truyền thống, mỗi tháng mặc vào ngày chào cờ.

398-202312260959356.jpg
Các học sinh được tìm hiểu, giao lưu văn hoá giữa các dân tộc với nhau

Thầy Thỏa cho hay, để bồi đắp tình yêu văn hoá, nhà trường tìm hiểu, phát hiện năng khiếu của từng bạn, tạo không gian để luyện tập, tham gia biểu diễn trước đám đông.

Trường chú trọng nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, sáo trúc, các nhạc cụ truyền thống khác. Sau đó, nhờ những người am hiểu ở các thôn, buôn đến truyền dạy đánh chiêng. Mỗi tháng, vào các buổi chào cờ, các em biểu diễn trước tập thể để khuyến khích động viên học sinh khác có đam mê, học hỏi.

Theo https://tamviet.tienphong.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO