Văn hóa

Những phong tục đón tết độc đáo ở vùng cao

Nam Hoàng 26/12/2023 - 12:59

Cũng giống như các dân tộc khác sinh sống trên đất nước Việt Nam, phần lớn đồng bào vùng cao đều xem Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm. Thế nhưng, trong phong tục đón tết của họ cũng có rất nhiều nét riêng biệt, vừa quyến rũ, vừa độc đáo.

Đàn ông vào bếp

Trong 54 dân tộc Việt Nam, La Hủ là dân tộc có số lượng cư dân ít ỏi, sống chủ yếu ở một số huyện biên giới, vùng cao trên Tây Bắc. Chính vì thế mà phong tục ăn tết cổ truyền của họ cũng mang đậm dấu ấn của một tộc người thiểu số, sinh sống nơi phên giậu.

la-hu.png
Các thiếu nữ La Hủ múa mừng xuân

Ông Phản Phu Thứ, ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Người La Hủ có một hệ lịch riêng gồm 13 con giáp và ăn Tết cổ truyền theo cách tính của lịch này. Nhưng thông thường chỉ diễn ra vào nửa cuối tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, tùy từng gia đình, bà con chọn ngày đẹp để ăn tết trong tháng ứng với tuổi của từng gia chủ và đặc biệt kiêng ăn tết vào những ngày con khỉ, hổ, chó, rắn... hoặc ngày bố, mẹ qua đời”.

Chính vì phong tục như vậy cho nên có khi người La Hủ tổ chức ăn tết rầm rộ cả tháng trời. Tuần này thì bản này, tuần sau lại là bản khác. Và tết thì không thể thiếu những thăm thân, chúc tụng. Khi đi chơi, đi ăn tết bản bên, bà con luôn mang theo quà biếu là những thứ mà mình hoặc gia đình làm ra, như bắp ngô, củ khoai, củ sắn. Khi ra về, bà con lại được gia chủ có quà biếu lại.

Trải qua những lần giao lưu như thế, tình đoàn kết của bà con cũng được thắt chặt thêm. Trong một vài năm trở lại đây, phong tục đón tết của đồng bào La Hủ cũng có nhiều thay đổi, theo hướng gọn nhẹ và tiết kiệm hơn.

Cũng giống với La Hủ, đồng bào Mông ở nhiều địa phương phía Bắc cũng có phong tục ăn tết sớm. Bởi theo cách tính của họ thì mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, không có nhuận, cứ tròn 360 ngày là sẽ tròn 1 năm. Có lẽ vì cách tính như thế cho nên đối với đồng bào Mông, dường như tết đến sớm hơn. Cứ khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã đóng cẩn thận vào bồ cũng là lúc người Mông bắt đầu mổ gà, giết lợn ăn tết.

Việc quyết định có ăn tết hay không, ăn to hay ăn nhỏ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình. Người giàu tết to, mà người nghèo nhiều khi chỉ nấu nướng như tất cả những ngày bình thường khác...

Có một điều đặc biệt là trong khi phần đa phụ nữ các dân tộc khác đều lo lắng, thậm chí là mệt mỏi, sợ hãi với chuyện bếp núc trong những ngày tết, thì đối với chị em người Mông ở nhiều nơi, đây lại là dịp họ được thảnh thơi nhất trong năm.

“Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn, gà ăn đến nấu cơm. Người Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm”, ông Sùng A Vậy, dân tộc Mông, ở xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chia sẻ.

anh-bai-nhung-phong-tuc-don-tet-doc-dao-o-vung-cao-1.jpg
Ông Sùng A Vậy: “Trong suốt 3 ngày Tết, bếp lửa của các gia đình Mông không bao giờ tắt”

Cũng theo ông Vậy thì tuy không phải nấu nướng, được phép ngủ dậy muộn vào ngày mồng Một, nhưng phụ nữ Mông không được đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ. Trong ngày mùng 1 tết, người Mông cũng thường không dùng nồi chảo đựng nước, ăn cơm không nấu món canh, không được chải đầu và giặt quần áo. Bởi người ta cho rằng, nếu vi phạm, lúa cấy sẽ không mọc hoặc có mọc cũng bị sâu bọ quấy phá và cả năm còn bị ngập lụt, lũ quét...

Trong suốt 3 ngày Tết, bếp lửa của các gia đình Mông không bao giờ tắt. Đồng thời, họ cũng không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình, bởi họ cho rằng nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình sẽ gặp sóng gió, không may mắn.

“Ăn trộm” đầu năm

Xuất phát từ quan niệm, nếu mang được một cái gì đó về nhà vào thời khắc sau giao thừa thì cả gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới, thế nên từ xưa đến nay, người Lô Lô và người Dao đỏ vẫn duy trì phong tục đầu năm đi "ăn trộm" để lấy may.

Đi lấy may đêm Giao thừa là một phong tục đẹp có ở nhiều dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng ở mỗi dân tộc, cái cách đi "lấy may", "lấy lộc" trong giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có nhiều điểm khác nhau, nhiều nét đặc trưng riêng.

anh-bai-dan-toc-lo-lo-1.jpg
Thiếu nữ Lô Lô trong trang phục truyền thống

Lô Lô là một trong những dân tộc ít người nhất tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Đi ăn trộm lấy may trong đêm giao thừa là tục lệ khá kỳ lạ của người dân tộc này. Bởi, người Lô Lô tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.

Đêm giao thừa là đêm đặc biệt nhất trong năm. Nó là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khi trời đất giao hòa. Với người Lô Lô cũng vậy, đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường đuốc được thắp lên sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.

Theo phong tục, người Lô Lô đón năm mới bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Ông Vàng Dỉ Chu (68 tuổi, nhà ở bản Lô Lô Chải, nguyên Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Đồng Văn), kể: “Với người Lô Lô, vui nhất là đi chơi đêm 30, sau giao thừa. Mà không phải đi chơi bình thường đâu, đi lấy may, lấy lộc đem về. Đi lấy trộm của người khác ấy mà! Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những đồ vật có giá trị, chỉ là củ hành, củ tỏi, là cây rau, thanh củi nhỏ. Và đương nhiên là không lấy cái của gia đình mình”.

Người Lô Lô đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt. Nhưng việc đi lấy may ấy, không dừng lại đơn thuần ở việc mang được thứ gì đó về nhà mà còn thể hiện cả tín ngưỡng qua các con số.

Người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc lại chọn con số 3, hoặc là 3 củ hành, 3 củ tỏi, hoặc có thể là 3 lá rau… Người Lô Lô ở Lũng Cú kiêng chuyện nhổ trộm tỏi mà không nhổ hết, bị đứt vì họ cho rằng như thế sẽ gặp điềm gở, không tốt. Nếu chẳng may nhổ không đứt thì chớ có cố mà nhổ lên. Tốt nhất là bỏ đi ngay, tìm “vận may” khác.

Đi “trộm” như... đi hội!

Giống như "những người anh em" Lô Lô, người Dao đỏ ở huyện biên giới Phong Thổ, Lai Châu, cũng đi "ăn trộm" đầu năm để lấy may. Thậm chí nhiều gia đình còn treo rau, củ, quả, thịt lợn trước hiên để giúp cho dân bản "ăn trộm" được dễ dàng. Theo người già ở xã Sì Lờ Lầu (Phong Thổ) thì tục ăn trộm ngày Tết đã có từ nghìn năm trước. Và chỉ diễn ra trong ngày Tết. Vui nhất là đêm giao thừa, sau khi làm nghi thức cúng lễ gia tiên, từ mảnh vườn đến gác bếp sẽ xuất hiện bóng dáng của “những tên trộm”.

Phong tục “ăn trộm đầu năm” của người Dao xuất phát từ niềm tin: Trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt. Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe.

Ông Phàn Chíu Lấu (67 tuổi, ở Sì Lờ Lầu) kể, người Dao đỏ cứ đến ngày Tết là tập trung thành tốp, thành đàn đi ăn trộm. Cả xã, già, trẻ, gái, trai đều đi ăn trộm, không trừ một ai. Những thứ có thể ăn trộm được trong ngày rằm tháng Giêng này là: Cây hành, cây tỏi, thịt treo gác bếp và rượu. Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe.

anh-bai-nhung-phong-tuc-don-tet-doc-dao-o-vung-cao-2.jpg
Ông Phàn Chíu Lấu: “Đầu năm, ngoài việc đi “ăn trộm”, người Dao đỏ cũng thường lì xì để lấy may”

Theo lý của người Dao đỏ, vào cái đêm cả bản thành “người ăn trộm” và “người phòng chống ăn trộm” ấy nếu tên “ăn trộm” đang “hành nghề” mà bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu ăn trộm thành công, “tay trộm” phải mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cho tên ăn trộm tài ba cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô.

Cách Sì Lờ Lầu không xa, xã biên giới Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) cũng còn lưu truyền lại tục ăn trộm kỳ thú này. Nhưng phong tục "ăn trộm lấy may" của đồng bào ở hai xã này có chút khác nhau. Nếu như người Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu đi ăn trộm theo đúng nghĩa “ăn trộm”, lặng lẽ, không rủ nhau, không để chủ nhà bắt được và đã trộm là phải trộm “tận gốc”, như nhổ tỏi thì không nên để bị đứt. Thế nhưng, đối với người Dao đỏ ở Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) thì đã đi ăn trộm ngày Tết, nhất định phải khua chiêng, gõ mõ cho cả bản biết. Ai bắt được trộm thì phạt tới phạt lui bằng... rượu.

Theo lời các cụ cao niên ở đây thì họ cũng không biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là từ xưa, xưa lắm. Giờ, cứ nhập nhoạng tối 30 tết là đám thanh niên, trai tráng trong bản tự họp nhau lại, đánh chiêng, đánh trống rồi rầm rầm kéo nhau đi "ăn trộm". Đoàn "trộm" đi đến đâu, cả bản đều biết. Đến mỗi gia đình, mọi người trong đoàn lại "túm năm tụm ba" bàn tính kế sách để "ăn trộm".

Thông thường, đoàn "ăn trộm" đó sẽ chia làm nhiều nhóm, nhóm vào nhà tìm thịt, nhóm ra vườn rau, mỗi nhóm tiếp cận một cách khác nhau. Dù gia chủ có phòng bị thế nào cũng khó tránh khỏi mất trộm. Tuy vậy nhưng cả trộm lẫn chủ đều vui, từng chai rượu cứ thế được mở ra, để thưởng, để phạt nhau. Tiếng cười vang cả núi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO