Từng là một trong những huyện nghèo của cả nước, năm 2018, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ra khỏi huyện nghèo, vượt trước hai năm so với kế hoạch đề ra. Hết năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 14,67%, hộ cận nghèo còn 7,51%. Huyện tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, giúp người dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đổi thay nhận thức
Là huyện nghèo, những năm qua, bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tân Sơn được thụ hưởng các chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Những chính sách này cơ bản đã giúp người dân ổn định đời sống, tuy nhiên, một bộ phận người dân lại trông chờ vào nguồn chính sách hỗ trợ mà không tích cực lao động, không tự vươn lên.
Xác định tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính là lực cản cho sự phát triển, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn, những năm qua, huyện Tân Sơn đã có nhiều giải pháp giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, xoá bỏ tư tưởng không muốn thoát khỏi... “hộ nghèo” để hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Chúng tôi xác định muốn từng bước nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, trước tiên cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông bởi thông tin, tuyên truyền có vai trò quan trọng, không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ mà còn giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách, học hỏi các gương điển hình, từ đó vươn lên thoát nghèo”.
Để các chủ trương, chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, được triển khai đồng bộ, người dân được tiếp cận thông tin một cách kịp thời, huyện đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện tổ chức truyền thông các nội dung chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, người đứng đầu trong công tác giảm nghèo, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái” thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người dân trong công tác giảm nghèo bền vững.
Truyền thông hướng dẫn người nghèo có kiến thức trong lao động, sản xuất có kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Chuyển đổi phương thức sản xuất gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng quốc phòng, an ninh. Chú trọng công tác đào tạo, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Huyện còn chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị truyền thông về công tác giảm nghèo tại một số xã trên địa bàn huyện; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Công tác truyền thông, tuyên truyền đã giúp cán bộ, người dân, đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho chính sách giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo đồng thời bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân được nâng lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Giống như nhiều hộ gia đình trẻ, khi mới ra ở riêng, vợ chồng anh Hà Văn Vượng ở xã Tân Phú thiếu thốn đủ thứ và được khu dân cư bình chọn là hộ nghèo. Không trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Nhà nước, vợ chồng anh mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua cây chè, cây keo giống về trồng. Chăm chỉ, cần cù, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau ba năm, vợ chồng anh đã thoát nghèo. Hiện vợ chồng anh Vượng đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại và sản xuất, mở rộng diện tích trồng chè kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm vợ chồng anh chị có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Cũng giống như anh Vượng, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Tân Sơn được hỗ trợ học nghề, vay vốn từ các nguồn vốn giảm nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Anh Đinh Công Tuấn ở khu Đống Cả, xã Xuân Đài cho biết: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, sau khi được tạo điều kiện học nghề vận tải, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để kinh doanh vận tải. Đến năm 2022, tôi đã trả hết nợ, mua được xe ô tô để phục vụ công việc, dần ổn định đời sống, thoát nghèo theo hướng bền vững”.
Từng được mệnh danh là “rốn nghèo” của tỉnh với tỉ lệ hộ nghèo khi mới thành lập huyện lên tới 62%, nhờ được thụ hưởng các chương trình giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, bộ mặt nông thôn miền núi Tân Sơn đã có nhiều thay đổi. Đến năm 2018, huyện đã thoát khỏi “vùng trũng”, về đích trước hai năm so với kế hoạch.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác giảm nghèo bền vững, đồng chí Phạm Thanh Tùng - TUV, Bí thư Huyện ủy Tân Sơn cho biết “Ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, huyện đã lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn với các chương trình, dự án hỗ trợ người dân như: Phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc, cây lương thực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,7%”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Sơn được phân bổ nguồn vốn 9.387 triệu đồng. Huyện đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ theo từng năm, trong đó tập trung vào các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững... Từ các nguồn vốn này, hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%... huyện sẽ huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, huy động sự tham gia vào công tác giảm nghèo của các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, tổ chức từ thiện dưới nhiều hình thức phù hợp; tạo dựng, duy trì phong trào giảm nghèo, đặc biệt là công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ phải thực hiện đúng theo quy định, làm căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể ở từng địa phương để tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, hiệu quả.