Xác định rõ những nguyên nhân khiến cái nghèo cứ mãi đeo bám người dân, chính quyền địa phương huyện vùng cao An Lão (Bình Định) đã vận dụng nhiều nguồn lực, đào tạo nghề, tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp giúp người dân từng bước thoát nghèo.
An Lão là huyện miền núi nằm phía bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 120 km. Toàn huyện có 10 đơn vị hành chính gồm chín xã và một thị trấn An Lão với 9.493 hộ, 33.240 nhân khẩu, là nơi sinh sống của ba dân tộc Kinh, Hrê, Ba Na. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định tổng số hộ nghèo có 2.829 hộ, chiếm tỷ lệ 29,8% số hộ trên toàn huyện, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số có 2.170 hộ, chiếm 63,82% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao là về nhà ở. Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 1.031 nhà ở đơn sơ, trong năm 2023 địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 140 hộ xóa nhà đơn sơ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, những năm gần đây, huyện An Lão tích cực triển khai, thực hiện các dự án, chương trình, tích cực đưa ba chương trình mục tiêu quốc gia đi vào đời sống. Trong năm 2023, huyện An Lão đã mở gần 40 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người dân trên địa bàn. Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, chuyển đổi nghề sẽ được UBND huyện An Lão hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để mua thiết bị làm nghề, đồng thời gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Lão cho biết: Huyện đã mở nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp, thu hút hàng trăm học viên theo học, gồm các nghề như nuôi heo rừng, nuôi heo thả, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, trồng cây có múi… Ngoài ra, huyện còn phối hợp Trường đại học Quy Nhơn tổ chức các lớp tập huấn tại 5 xã: An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh, An Dũng nhằm bổ sung kiến thức đến các hợp tác xã và người dân trên địa bàn. Đây là chủ trương của huyện về công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và tổ chức triển khai thực hiện hoạt động sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất của địa phương. Từ đó tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng đủ điều kiện phục vụ thị trường trong nước, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân ổn định kinh tế gia đình.
Với diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất thuận lợi, huyện An Lão đang tập trung phát triển các loại cây chủ lực như lúa, ngô, lạc và vùng sản xuất tập trung về trồng rừng nguyên liệu giấy keo lai, phát triển mạnh về trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện như: Chè dây, chè tiến vua, trà kim ngân hoa, mật ong rừng, cam sành, dứa An Toàn, bưởi da xanh, rượu cần, đan lát truyền thống, hạt tiêu địa phương, thịt heo đen, thịt bò hữu cơ, cá niên, rau dớn, gà thả đồi… đã và đang ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Đặc biệt, huyện An Lão thực hiện Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây chè dây, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất và cải thiện sinh kế cho đồng bào Ba Na tại xã An Toàn do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ. Qua ba năm thực hiện, đời sống của bà con Ba Na tham gia dự án ở xã An Toàn đã có những chuyển biến khá tích cực, cho thu nhập ổn định.
Hiện tại, huyện đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung phát triển hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Bưởi, cam, bơ (xã An Toàn, An Hòa), mây tự nhiên (100 ha), chè tiến vua (đồi chè với hơn 500 gốc chè cổ thụ, xã An Toàn), chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu (xã An Toàn) sim An Quang (300 ha), sim thôn 1 (xã An Toàn), các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát của người Hrê, Ba Na, sản phẩm thịt heo đen, thịt bò cỏ, gà thả đồi An Lão… Các dự án này bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp (theo mô hình nông, lâm kết hợp), còn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt cung cấp tới du khách khi du lịch tới huyện An Lão, tạo nên sức hút riêng cho du lịch An Lão trong tương lai.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện An Lão chia sẻ, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện dựa trên tám nguyên nhân, 12 thiếu hụt dẫn đến cái nghèo của nhiều hộ dân trên địa bàn, chúng tôi giải quyết từng nguyên nhân, từng thiếu hụt theo kiểu “bánh tét lột dần”, để người nghèo từng bước thoát khỏi cái nghèo.
Từ nay đến năm 2025, huyện An Lão sẽ phấn đấu xóa nhà ở đơn sơ trên địa bàn, trước mắt đề án xóa nhà ở đơn sơ chúng tôi đã lên kịch bản cụ thể, kinh phí cũng đã được tỉnh phê duyệt, địa phương đang dốc lực triển khai. Đồng thời duy trì thực hiện chế độ chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, trong đó, hằng năm tổ chức đào tạo nghề nông thôn cho hơn 600 lao động, giải quyết việc làm 500 lao động/năm, ông Lâm cho biết.