Bản sắc văn hóa

Gìn giữ "linh hồn" vùng dân tộc thiểu số

Gia Linh 22/11/2023 13:33

Theo quan niệm của người dân ở nhiều vùng, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi thì ngày Tết Trùng thập là ngày Tết mừng cơm mới. Sau mùa thu hoạch, người ta thường làm bánh giầy, nấu chè kho... rồi hương khói, nhang đăng, tế lễ để cảm tạ trời đất, thần linh, tổ tiên đã cho họ một vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ.

Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới và Tết Hạ nguyên, là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng lúa mới với người dân tộc thiểu số cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh vậy.

Theo truyền thống thì một năm những người nông dân sẽ gieo trồng hai mùa vụ lúa. Mùa vụ thứ nhất diễn ra vào thời điểm lập xuân. Mùa vụ thứ hai diễn ra vào mùa hạ. Sau khi gieo cấy hơn ba tháng thì lúa chín và có thể gặt.

Vụ lúa thứ hai trong năm được gặt vào thời điểm tháng 9 Âm lịch nên theo phong tục truyền thống ở một số nơi, vào rằm tháng 10, để tưởng nhớ tới vị Tiên Nông (tiên ruộng đồng) và chúc mừng cho một vụ mùa bội thu, người dân sẽ tổ chức ăn mừng Tết cơm mới tháng mười, hay còn gọi là Tết Hạ nguyên.

Lễ cúng được tổ chức với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, cách tổ chức cũng sẽ có một vài điểm khác biệt, song điểm chung thường thấy là đồ tế lễ phải có xôi hoặc cơm nấu từ gạo mới…

22.11.2023-anh-1-tet-ha-nguyen-thang-10-am-lich.jpg
Người dân tộc thiểu số quan niệm, Lễ mừng lúa mới quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh

Tại nhiều vùng quê nông thôn, vào ngày này, mọi nhà thường nấu các loại bánh làm từ gạo (tất cả sử dụng bằng loại thóc mới thu hoạch) như bánh bột lọc, bánh giầy, bánh dẻo... ngoài ra còn có xôi chè (các loại đồ ăn gần giống với ngày Lễ diệt sâu bọ mồng 5 tháng 5 Âm lịch). Đến giờ hoàng đạo thì cúng gia tiên, thần linh, thổ địa.

Vào ngày này, mọi người thường ra chùa làm lễ, cúng các vị thần linh, cảm tạ vì đã cho họ được một vụ mùa bội thu. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ thì mỗi nhà sẽ đem bánh đi biếu những người thân quen, bạn bè, hàng xóm...

Tết mừng lúa mới hoặc Tết cơm mới đặc biệt phổ biến ở các vùng như Tây Bắc hay Tây Nguyên. Thậm chí lễ hội này còn được xem là "linh hồn", là bản sắc văn hóa tiêu biểu mang tính tộc người. Đó là do địa hình ở những nơi này phần lớn là hiểm trở, toàn rừng rậm với núi cao, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, vất vả. Vì vậy, lương thực đối với đồng bào hết sức quan trọng. Một vụ mùa được hay mất ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của mỗi gia đình. Chính vì thế mà họ hết sức trân quý ''hạt thóc của Giàng'' ban cho dân làng.

Ngoài việc tế lễ để tri ân Giàng, tri ân thần lúa, đồng bào ở nhiều vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bày tỏ sự cảm tạ đối với các vị thần khác, như thần sông, thần suối, thần rừng vì đã chở che, bao bọc, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào năm đó thu hoạch được nhiều hay ít. Người chủ gia đình trong ngày này sẽ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn làng bên cạnh tới cùng vui chơi, ăn uống và múa hát.

Mỗi gia đình đều lấy số lượng khách tới tham gia để so sánh, ai có đông người tới thì cảm thấy rất vinh dự và "mát mặt" với hàng xóm láng giềng.

Sau khi kết thúc việc cúng các vị thần, hồn lúa và tổ tiên, các gia đình sẽ tập trung lại và cùng nhau đánh chiêng, trống, ca hát, nhảy múa...

22.11.2023-anh-2.jpg
Lễ hội mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và cao nguyên Tây Nguyên

Các dân tộc khác nhau thì sẽ có cách thức tổ chức ngày lễ và cách thức ăn mừng cũng khác nhau.

Ví dụ như đối với người J’rai và Bahnar thì Lễ mừng lúa mới của họ diễn ra trong thời gian khá dài, từ tháng 11 dương tới hết tháng Giêng năm sau; người Mạ có phong tục là giết trâu để mừng lễ cơm mới; người Ê Đê không tổ chức chung mà riêng theo từng hộ gia đình, trong đó phụ nữ sẽ lo việc bếp núc, nấu nướng, còn đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt...

Đối với những dân tộc sống trên dãy núi Trường Sơn thì mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của đồng bào nơi đây. Đó là bởi cuộc sống của họ gắn liền với các ruộng lúa, ngô, khoai, sắn...

Có thể nói, dù là dân tộc nào, sinh sống ở đâu, từ Tây Bắc cho đến Tây Nguyên thì Lễ mừng lúa mới cũng là một lễ hội thiêng liêng và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi người dân. Chính vì thế mà trong mấy năm gần đây, chính quyền các địa phương, nhất là những nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã quan tâm, chú trọng, có nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, gìn giữ lễ hội mang đậm dấu ấn nông nghiệp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO