Đứng trên cánh đồng trồng hương thảo rộng hơn 5 ha của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Minh (Quỳnh Phụ, Thái Bình), anh Nguyễn Văn Thắng khẳng định nếu được phát triển bài bản, loại cây mới này có thể trở thành “cây đuổi nghèo”, làm giàu tại địa phương.
Cây hương thảo, theo anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hoàng Minh, được đưa về và phát triển mạnh tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ từ khoảng năm 2019. Đây là loài cây có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải có tên quốc tế là Rosemary.
Tỏa hương thơm, thu “quả ngọt”
Nói về việc đưa “loài cây thơm ngát” về với đồng đất quê hương, anh Nguyễn Văn Thắng cho biết đây là một hành trình dài, nhiều khó khăn nhưng cũng không ít trải nghiệm với những bài học quý giá.
Năm 2021, sau nhiều năm làm việc trong một công ty chuyên về dược phẩm, được tiếp xúc và biết đến loài cây hương thảo, nhận thấy đây là loại cây rất phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, anh Thắng đã quyết định từ bỏ công việc lương cao để về quê khởi nghiệp.
Xuất phát điểm với số vốn ít ỏi, nhưng để có đất sản xuất, anh Thắng huy động nhiều nguồn hỗ trợ để thuê 2 ha đất ruộng bỏ hoang của người dân địa phương, đồng thời nhập giống chất lượng cao từ TP.HCM về trồng.
Thời gian đầu, vì chưa có kỹ thuật nên cây chết rất nhiều. Không nản lòng, anh Thắng vừa làm vừa liên tục học hỏi từ sách báo, internet, xin ý kiến chuyên gia, từ đó rút kinh nghiệm, giúp cây trồng bắt đầu phát triển ổn định, ít thui chột hơn. Sau gần 4 tháng nỗ lực, cuối năm 2021, vườn hương thảo cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Kể từ đó đến nay, diện tích trồng hương thảo của anh Nguyễn Văn Thắng liên tục được nâng lên. Để nâng cao nội lực, phát huy tiềm năng của cây trồng mới, anh Thắng chủ động liên kết với các hộ dân cùng chí hướng, thành lập nên HTX Hoàng Minh. Hiện, vùng sản xuất của HTX đạt trên 10 ha.
Anh Nguyễn Văn Vần, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ đang trồng 8 sào cây hương thảo cung cấp nguyên liệu cho HTX Hoàng Minh, cho biết để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, các hộ liên kết đều được HTX hướng dẫn về khoa học kỹ thuật.
Theo anh Vần, cây hương thảo có hương thơm đặc biệt, phù hợp với đồng đất địa phương, cho năng suất từ 80 - 100kg/sào. Không chỉ chiết xuất tinh dầu, cây hương thảo có thể làm cây cảnh, vừa đẹp vừa mang lại hương thơm tốt cho sức khỏe.
“Về cơ bản, cây hương thảo khá dễ trồng bởi nó có sức sống mãnh liệt, không cần nhiều nước, ít sâu bệnh. Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch được 8 lứa. Năng suất đạt từ 1,3 - 1,5 tạ lá/sào/lứa, bán với giá 15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập từ 16 - 18 triệu đồng/sào, tương đương giá trị 400 - 480 triệu đồng/ha”, anh Vần chia sẻ.
Thúc đẩy tiềm năng cây dược liệu
Bên cạnh hơn 10ha của các hộ thành viên, HTX Hoàng Minh còn liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư và tỉnh Thanh Hóa trồng và ký kết hợp đồng bao tiêu với tổng diện tích hơn 10 ha.
Sản phẩm tinh dầu Hương Thảo của HTX Hoàng Minh được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2023. Các sản phẩm của HTX đều có đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận chất lượng, được đăng ký mã số, mã vạch, QR Code để truy xuất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu.
Đáng chú ý, không chỉ có hương thảo, nhiều loại cây dược liệu khác cũng đang được phát triển mạnh ở các địa phương tỉnh Thái Bình như xạ can, địa hoàng, hoài sơn… cho giá trị kinh tế vượt trội, trở thành cây đuổi nghèo, làm giàu cho các hộ sản xuất.
Điển hình, sau khi làm nhiều công việc khác nhau nhưng kinh tế gia đình vẫn không ổn định, anh Nguyễn Nhật Duật, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ quyết định trở về quê lập nghiệp.
Năm 2017, nhận thấy mô hình ươm trồng giống các loại cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, được khách hàng ưa chuộng và có đầu ra thuận lợi, anh Duật mạnh dạn đầu tư để ươm trồng. Hiện tại, trên diện tích 8ha, anh trồng nhiều loại cây khác nhau như đinh lăng, cỏ ngọt, địa hoàng, hoài sơn...
Sau 7 năm gắn bó với vườn cây dược liệu, hiện mỗi năm anh Duật cung ứng cho thị trường hàng nghìn cây dược liệu, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Duật còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, trong đó đa số đều là người cao tuổi.
Tương tự, trong gần 5 năm trở lại đây, nhiều hộ sản xuất ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải cũng đang đổi đời nhờ chuyển đổi sang trồng cây dược liệu. Nếu trước đây, đồng đất nơi đây chủ yếu canh tác rau màu, thì nay được phủ xanh bởi những cánh đồng dược liệu có giá trị hàng tỷ đồng/ha/năm.
Hóa giải thách thức, hiện thực hóa tiềm năng
Cây xạ can đang là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Nam Thắng, nhờ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhất. Hiện, toàn xã có khoảng 20ha trồng cây xạ can, chiếm 60% diện tích vườn màu.
Theo các hộ sản xuất tại địa phương, cây xạ can mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với rau màu, giá thành khoảng 235.000 đồng/kg. Mỗi vườn cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Vườn nhỏ của các hộ khác cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng.
Anh Phạm Văn Binh, người trồng xạ can ở Nam Thắng, cho hay để ổn định thị trường tiêu thụ, anh cùng các hộ sản xuất ở địa phương đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, HTX. Hiện , nhu cầu của thị trường về nguồn dược liệu rất lớn, mỗi năm gia đình anh Binh cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn xạ can, doanh thu hàng tỷ đồng.
“Các vườn xạ can tại địa phương hứa hẹn có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho người trồng. Nếu có sự định hướng tốt từ địa phương, phát triển song song cả về diện tích và thị trường, đây sẽ là cây làm giàu cho nông dân”, anh Binh hồ hởi nói.
Có thể thấy, cây dược liệu đang mang lại nhiều tiềm năng phát triển tại các địa phương ở Thái Bình. Thực tế chỉ ra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũ kém hiệu quả sang trồng dược liệu đang mang lại hiệu quả rất cao cho nông dân, kể cả trên vùng đất chiêm trũng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay là nhiều nông dân vẫn gặp khó khăn về kỹ thuật, vốn và tích tụ ruộng đất. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương cần phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ.
Trước hết, về kỹ thuật, cần tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con thấy được hiệu quả, giá trị kinh tế của cây dược liệu. Từ đó giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất trên diện tích lớn để hướng đến sản xuất hàng hóa.