Những năm gần đây, cụm từ "start-up" (khởi nghiệp) đã trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Hàng ngàn mô hình khởi nghiệp ở các địa phương đã và đang gặt hái được những thành công nhất định. Không đứng ngoài sự phát triển của xã hội, ngày càng nhiều tấm gương ở vùng cao đã khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Hiện thực hóa giấc mơ
Mới tờ mờ sáng, Vi Văn Đợi, sinh năm 1993, ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, Thanh Hóa tranh thủ dậy chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm, vệ sinh chuồng trại. Bởi, sáng nay anh phải sang Lào để thu mua măng về nhập cho thương lái dưới xuôi. Được biết, ngoài cương vị là ông chủ của trang trại gia đình, Đợi còn thành lập HTX phát triển dịch vụ nông lâm sản Mường Lát, chuyên bao tiêu nông sản cho bà con trong vùng. Vì thế, việc thức khuya, dậy sớm là thường xuyên, đặc biệt vào các dịp thu hoạch sắn, măng, dưa, bí thơm...
Về quá trình lập thân, lập nghiệp, Đợi chia sẻ, học hết THPT, anh ra Hải Dương làm công nhân. Thế nhưng, đời sống công nhân không mấy dễ dàng, trừ đi mọi chi phí sinh hoạt, ăn ở, số tiền dành dụm cả năm chẳng được là bao. Năm 2021, Đợi về quê vẫn hai bàn tay trắng. Xác định khởi nghiệp ở quê hương, Đợi vạch ra một kế hoạch riêng cho mình. Bước đầu, để có mặt bằng làm trang trại phù hợp với chăn nuôi hữu cơ, Đợi tận dụng diện tích đất bỏ hoang của gia đình, nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch, thuận tiện cho chăn nuôi. Nhận thấy lâu nay bà con phát triển chăn nuôi chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, chăn thả theo kiểu phó mặc cho thời tiết, tự sinh tự dưỡng, nên hiệu quả không cao, để không đi vào “vết xe đổ” Đợi mua bò lai sind sinh sản cung cấp cho bà con và thu mua những con bò gầy yếu về vỗ béo.
Thời gian vỗ béo từ 6 tháng đến 1 năm thì xuất bán. Mỗi con bò gầy yếu khi mua chỉ từ 10 đến 12 triệu đồng, nhưng khi xuất bán thì trung bình mỗi con có giá từ 20 đến 25 triệu đồng. Hiện trong chuồng trại của Đợi đang có hơn 40 con bò. Không dừng lại ở chăn nuôi, tận dụng lợi thế từ diện tích đất đồi rộng lớn của gia đình lâu nay bỏ hoang, trồng cây xoan không hiệu quả, Đợi đã thay đổi bằng việc trồng các giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao dài ngày như luồng, lát... hay ngắn ngày như ngô, sắn cao sản, chuối... Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm 6 ao nuôi thả cá.
Trang trại của Vi Văn Đợi là một trong gần 20 mô hình khởi nghiệp ở huyện vùng cao Mường Lát. So với nhiều huyện khác trong tỉnh, việc “gây dựng cơ đồ” của các ông chủ, bà chủ trẻ ở biên giới khó khăn hơn nhiều, nhưng nhờ nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương còn nhiều nghèo khó nên không ít người đã thành công. Sự khởi phát khá “hanh thông” của mô hình trồng cam Lào, cây xoan, cây lát kết hợp với chăn nuôi ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu của anh Tặng Văn Sinh, dân tộc Dao; cửa hàng sửa chữa xe máy, nhận thầu các công trình nhỏ, vận tải vật liệu xây dựng tại khu phố Đoàn Kết của anh Lò Văn Tích, dân tộc Khơ Mú... đã chứng minh một điều là dù còn khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, nhưng nếu quyết tâm “nhìn về tương lai”, những người trẻ hoàn toàn có thể tiến lên phía trước. Hơn thế, dẫu tiếp cận với khái niệm khởi nghiệp muộn hơn những nơi khác, nhưng cũng là thuận lợi nếu biết cách học tập kinh nghiệm từ những người đi trước.
Khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50
Điều thú vị mà chúng tôi ghi nhận được là không chỉ từ những người trẻ tuổi đang hừng hực khí thế, mà còn có lão nông tri điền cũng tự tin “star-up” trên chính mảnh vườn, thửa ruộng lâu nay của mình bằng những đột phá táo bạo và bước đầu đã thành công...
Hơn 50 tuổi, ông Hà Văn Thính, sinh năm 1963, ở bản Chong, xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, mới lần đầu chạm mặt cây mắc ca - loài cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”. Ngay lập tức, nó đã khiến ông đứng ngồi không yên vì giá trị kinh tế vượt trội. Tìm hiểu sâu về giống cây này, ông nhận định, đây sẽ là giống cây làm giàu rất hiệu quả. Ông Thính chia sẻ: “Giá bán quả khô hiện tại lên tới 250.000 - 300.000 đồng/1kg hạt mắc ca xẻ nứt, tách hạt riêng là 600.000 - 700.000 đồng. Thị trường mắc ca thì cung không đủ cầu, đặc biệt vào các dịp tết hằng năm không có đủ hàng bán ở phía Bắc và chủ yếu dùng để làm giống”.
Vì thế dù đã ở cái tuổi 51, ông vẫn lặn lội bắt xe xuống huyện Thạch Thành, tìm đến các gia đình có vườn trồng mắc ca để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông mua 200 cây giống về trồng trên diện tích 1ha đất đồi thay thế diện tích trồng luồng kém hiệu quả. Trong 2 năm đầu khi cây mắc ca chưa khép tán, ông Thính cho người cháu gái trồng xen cây cà pháo để tận dụng đất. Hơn 1 tháng sau, cà bắt đầu cho thu hoạch. Cà pháo trồng trên đất đồi Thiên Phủ quả ra chùm chùm, ngày nào cũng có thu hoạch. Tính đến nay, diện tích cây mắc ca của ông Thính đã được nhân rộng lên hơn 2ha với 400 cây. Năm 2023, gia đình ông Thính thu hoạch 1,8 tấn quả, giá bán 40.000 đồng/kg quả tươi.
Thành công của ông Thính đã chứng minh hiệu quả kinh tế của cây mắc ca trên vùng đất Quan Hóa, từ 1ha ban đầu đến nay diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn xã Thiên Phủ đã tăng lên hơn 12ha/42 hộ. Chưa kể, nhiều hộ ở các xã Nam Động, Hiền Chung, Nam Xuân... (Quan Hóa); Mường Chanh, Quang Chiểu... (Mường Lát) và một số hộ ở các xã thuộc huyện Quan Sơn đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm, nhờ mua cây giống, phần nhiều trong số đó là những gia đình trẻ. Ông Thính chia sẻ: “Tôi bảo con và các cháu, mình trẻ cứ mạnh dạn làm đơn vay vốn ưu đãi 50 - 70 triệu đồng của Nhà nước. 30 triệu đồng mua giống trồng được 1ha mắc ca, số tiền còn lại dùng cho chi phí phân bón, chăm sóc, thuê người làm cỏ, thu hoạch. Năm thứ 4 - 5, cây bắt đầu cho thu bói. Khoảng năm thứ 6 - 7 sẽ cho thu hoạch chính thức. Đặc biệt, giống cây này có thể cho thu hoạch hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Còn nếu cứ trồng luồng, sưa... thì chỉ giúp đời sống bà con tạm ổn và khó thoát được nghèo”.
Có thể thấy, lợi thế của người trẻ khi khởi nghiệp là có kiến thức, được đào tạo, năng động, sáng tạo, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Trong khi người có tuổi, ưu điểm lớn nhất là kinh nghiệm và đôi khi còn có nền cơ bản về kinh tế, nhờ thế mà hạn chế được nhiều sự rủi ro khi bắt đầu khởi nghiệp. Nhưng nhìn một cách tổng quát, câu chuyện khởi nghiệp, phong trào lập thân, lập nghiệp vùng cao vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có một “lỗ hổng” lớn là việc trang bị kỹ năng khởi nghiệp. Hệ quả là nhiều bạn trẻ rất lúng túng trong việc lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế nào trong quá trình chọn điểm khởi đầu cho tiến trình lập thân, lập nghiệp. Cụ thể, lâu nay phần lớn thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) đều chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp, nên thường có rủi ro cao.
Thêm vào đó, vốn khởi nghiệp lại hạn hẹp, nên những thất bại ban đầu dễ khiến thanh niên nản chí. Đây chính là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS. Nhất là trong điều kiện nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc ngày càng khó khăn, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi không thể chỉ trông vào các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải tập trung nhiều hơn vào việc phát huy nội lực của chính người dân ở khu vực này. Cụ thể là hỗ trợ để đồng bào lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương mình