Đời sống xã hội

Sốp Cộp đẩy mạnh tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Ngân Sơn 28/12/2023 - 19:08

Sốp Cộp là huyện vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Thời gian gần đây, huyện đã và đang chủ động thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhận thức của đồng bào nhằm làm giảm tình trạng này, đặc biệt là tại các xã bản vùng sâu vùng xa.

398-202312281838211.jpg
Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp tuyên truyền cho bà con về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở bản Mường Lạn, xã Mường Lạn

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh hoạt động công tác tuyên truyền đến các thôn, bản vùng sâu vùng xa, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Chị Tòng Thị Nhung, bản Khá Men, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp cho biết: ''Hàng năm được cán bộ về tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giúp ích cho bản tôi rất nhiều, tôi hiểu lấy chồng sớm sẽ rất vất vả, vì chưa biết cách chăm sóc trẻ em và bà mẹ sau sinh. Về thôn, tôi sẽ tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong bản không được cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm, nhất là con cháu trong nhà tuyệt đối không được tảo hôn''.

398-202312281838212.jpg
Cán bộ y tế thôn, bản đến tận nhà dân để tuyên truyền cho người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Từ đầu năm, Trạm Y tế xã Dồm Cang đã tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác về truyền thông tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 9/9 bản trong xã. Đồng thời, chỉ đạo cộng tác viên dân số tuyên truyền tại bản bằng nhiều hình thức và cho nhiều đối tượng.

Những buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được tổ chức thường xuyên trong các trường học trên địa bàn huyện. Tại trường PTDT Nội trú THCS và THPT Sốp Cộp ngoài việc duy trì dạy và học, nhà trường còn làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của học sinh về sức khỏe sinh sản, về hôn nhân gia đình trong nhà trường.

Qua những buổi nói chuyện, các em được cung cấp những kiến thức và hiểu thêm vềtác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, hôn nhân và gia đình, từ đó giúp các em có được kiến thức, nền tảng, tránh được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nhà trường cũng tổ chức những buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với nhiều hình thức như: Nói chuyện trực tiếp với các em, lồng ghép vào các tiết dạy ở trên lớp, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và sinh hoạt đoàn đội hay các cuộc thi tìm hiểu kiến thức.

Sắp tới, nhà trường dự định tổ chức thi ngoại khóa về tuyên truyền tìm hiểu luật hôn nhân và gia đình, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Em Nguyễn Khánh Chi, học sinh lớp 8, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Sốp Cộp cho biết: ''Qua các buổi tuyên truyền của Đoàn thanh niên và các thầy cô, giúp em hiểu được thế nào là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những tác hại của nó. Qua đó, giúp em biết được mình cần phải làm gì để góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong nhà trường và ngoài xã hội''.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của huyện tuy có giảm, nhưng số cặp tảo hôn hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2021, tỷ lệ tảo hôn diễn ra ở huyện là 27,1%, năm 2022 là 26,8%.

Ông Cầm Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp cho biết, trước thực trạng tảo hôn ở địa phương, đảng ủy, chính quyền cũng đã đề ra nhiều giải pháp. Đối với các trường hợp tảo hôn, xã cũng tổ chức tuyên truyền và xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên công tác xử phạt hành chính chưa được phát huy hiệu quả, nhiều gia đình sẵn sàng nộp phạt để vi phạm. Thời gian tới, để hạn chế việc tảo hôn, xã sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan, ban ngành của huyện tổ chức các hình thức tuyên truyền, tập trung vào các đối tượng là thanh thiếu niên đang trong độ tuổi lấy vợ, lấy chồng.

Tảo hôn để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tăng tỷ lệ người thiểu năng về trí tuệ, khuyết tật về thể chất, tạo gánh nặng cho xã hội và là một trong những lực cản lớn về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bà Hà Thương Huyền, Phó Giám đốc Trung tân Y tế huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện hiệu quả Dự án 9.2, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục thực hiện các nội dung như: Truyền thông các hoạt động nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là vùng biên giới; duy trì các mô hình điểm và các mô hình chuyên đề nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết theo đúng kế hoạch và mục tiêu y tế quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tăng cương tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho các đối tượng vị thành niên chưa kết hôn, đã kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Với sự quyết tâm của cấp ủy đảng chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và ngành y tế trên địa bàn huyện, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện Sốp Cộp sẽ được đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO