“Để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai...”. Đó là chủ đề xuyên suốt cuộc hội thảo “Di sản Văn hóa sống và phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội.
Thay đổi nhận thức của người dân về di sản
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, di sản văn hóa phi vật thể hay “di sản sống” có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Di sản sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục. Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người, giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn. Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật, và những tri thức bản địa, ăn sâu vào văn hóa dân tộc.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, di sản sống được các cộng đồng không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và sự thay đổi của thời gian, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa), di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiêu biểu nhất là phát triển du lịch văn hóa hay du lịch di sản. “Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Đồng thời,phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối. Những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội...”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.
Thực tế, đã có nhiều câu chuyện về việc bảo tồn và phát triển di sản lấy con người làm trung tâm để phát triển. Ông Đàm Năm Nhiêm - thôn Bàu Trúc, Ninh Thuận tham gia dự án kết nối của Hội đồng Anh để phát triển và gìn giữ gốm Bàu Trúc Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. “Chúng tôi được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà sinh hoạt cộng đồng để bảo tồn. Hội đồng Anh giúp đỡ tích cực về tài chính để thực hiện dự án; phát triển du lịch gắn với di sản, mở lớp dạy nhạc cụ, dự án phát triển nghề gốm, dự án cho các em thiếu nhi học làm hướng dẫn viên du lịch nhí và kể câu chuyện về gốm”.
Ông khẳng định: “Trước khi có dự án chúng tôi vẫn làm nhưng cách truyền dạy tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa có kỹ năng hoạt động cộng đồng. Sau khi có dự án, chúng tôi đã liên kết nhiều hơn để phát triển làng nghề, giới thiệu quảng bá sản phẩm, các nghệ nhân ngoài việc làm ra bình gốm, nhiều người biết sâu sắc hơn về văn hóa phi vật thể, họ đã biết thuyết minh ý nghĩa của sản phẩm để quảng bá ra cộng đồng. Khi biết giá trị của di sản, chúng tôi triển khai làm du lịch gắn với làng nghề, người dân biết kinh doanh buôn bán, biết thuyết minh và kể câu chuyện trong sản phẩm của mình. Chúng tôi chia nhóm: thuyết minh, làm gốm, ẩm thực cho khách du lịch và nhóm văn nghệ dân gian, nhạc cụ và điệu múa cổ truyền của người Chăm. Có thể nói cả cộng đồng được hưởng lợi từ chính di sản của mình”.
Cũng câu chuyện về văn hóa Chăm, anh Nguyễn Văn Thành lo lắng, việc bảo vệ và phát triển di sản đã mang lại những lợi ích kinh tế cho đồng bào. Nhưng khi dự án kết thúc, người dân sẽ vận hành tiếp theo hướng nào, không có kinh phí thì họ sẽ làm ra sao vì nhà nước chưa có kinh phí hỗ trợ địa phương. Anh khẳng định, vai trò của những người đang thực hành và trao truyền qua các thế hệ rất quan trọng, kết nối các cộng đồng, quá khứ và tương lai. Vì thế, chúng ta cần lắng nghe nguyện vọng của cộng đồng vì họ là người kiến tạo ra di sản. Nhưng cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Hay câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng ở thôn Tam Mỹ Tây ở Núi Thành - Quảng Nam. Đó là một vùng đất nghèo với hơn 60 hộ dân sống thuần bằng nghề trồng cây keo. Nhưng ở đây là vùng đất đa dạng sinh học, có nhiều tiềm năng du lịch. Dự án kết nối di sản do bà Lê Thị Loan thực hiện đã giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các nền tảng trực tuyến để đặt tour. Theo bà Loan, có 3 yếu tố then chốt khi làm với cộng đồng: Cần nhóm tiên phong tại cộng đồng tham gia, họ là người truyền cảm hứng cho cộng đồng, được tập huấn để làm việc. Gặp gỡ trò chuyện và giúp người dân địa phương nhận thức được giá trị của những di sản mình đang sở hữu. Ngoài ra, dự án còn làm những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững để phản ánh những câu chuyện về di sản.
Cộng đồng - chủ thể của di sản
Tiến sĩ Phạm Cao Quý (Cục Di sản) khẳng định, không ai bảo vệ và phát triển di sản tốt hơn cộng đồng, bởi họ là chủ thể của di sản. Điều quan trọng là cộng đồng nhận thức được giá trị của di sản hay không. Người dân phải thực sự hiểu mình là chủ nhân của di sản, họ mới có ý thức giữ gìn và bảo vệ, bởi phần lớn, trước đây họ vẫn cho rằng, di sản là của nhà nước.
Ngoài ra, nhận thức của các cấp chính quyền địa phương cũng rất quan trọng. “Các dự án liên quan đến văn hóa giải ngân lâu, thủ tục chứng từ khó khăn, ngân sách nhà nước không có. Vì thế cần sự cởi mở và linh hoạt trong chính sách để tạo điều kiện cho các dự án được triển khai nhanh gọn”. Trong khi đó, ở các nước phát triển như châu Âu mà cụ thể là Anh, họ có quỹ Di sản quốc gia. Với những di sản được ghi danh, vương quốc Anh có quỹ để thực hiện hoạt động hỗ trợ cho từng khu vực đặc thù, theo cách tiếp cận toàn diện. Họ chỉ ra các hành động cụ thể như đầu tư vào các tuyến đường phố có giá trị văn hóa cao để kết nối với di sản... Quỹ là cơ hội cho cộng đồng tiếp cận để có vốn bảo tồn và triển khai các dự án.
Một khó khăn nữa trong quá trình thực hành và phát triển di sản, đó là ở Việt Nam hiện nay chưa quan tâm đến môi trường diễn xướng của di sản. Di sản chỉ thực sự có giá trị khi nó được sống trong môi trường diễn xướng của cộng đồng. Việc mang lên sân khấu chưa thực sự phù hợp, bởi nó sẽ như một tiết mục văn nghệ, bà con không nhận thức được đó là di sản.
Hay tượng nhà mồ ở Tây Nguyên, nếu mang ra trưng bày thành khu bảo tàng sẽ hoàn toàn sai lệch với đời sống của nó. Bởi tượng nhà mồ phục vụ tín ngưỡng chôn cất, tượng sống phải đặt trong không gian khác, nhà mồ chứ không phải vào bảo tàng trưng bày. Tiến sĩ Phạm Cao Quý cũng dẫn chứng việc đưa nghi lễ hầu đồng lên Youtube để thu hút view và kiếm tiền từ việc tăng lượng người xem cũng đang vấp phải những phản ứng của dư luận.
Vấn đề đặt ra là đường biên nào cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, để di sản thực sự sống. Theo bà Phạm Minh Hồng (Hội đồng Anh), di sản có nguyên tắc thực hành riêng nên khi phát huy cần tôn trọng các nguyên tắc của cộng đồng. Ông Phạm Cao Quý cũng cho rằng, ranh giới do chính cộng đồng đặt ra, phải lắng nghe ý kiến của họ, nghiên cứu kỹ các quy định, nguyên tắc trong thực hành di sản để bảo vệ và phát huy di sản một cách đúng nhất, không phá vỡ các nguyên tắc của cộng đồng. Có như thế mới không có sự sai lệch, biến tướng của di sản trong quá trình sáng tạo, tiếp biến.
Hội thảo “Di sản văn hóa sống và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm” nằm trong khuôn khổ Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều, một Chương trình của Hội đồng Anh nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “UK/Viet Nam Season 2023”, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam. Từ năm 2021-2023, sáng kiến “Thử thách Di sản Văn hóa cộng đồng” đã được xây dựng dưới dạng các chương trình tài trợ cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế, thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy và hưởng lợi từ di sản văn hóa của họ.