Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Kim Bôi, Hòa Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với nông dân người DTTS trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Dự án 1 thuộc Chương trình - sử dụng máy nông nghiệp hỗ trợ các gia đình chuyển đổi nghề đã góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất của huyện.
Huyện Kim Bôi tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 86% dân số, có 7 xã thuộc khu vực III, 6 xã khu vực II, 4 xã, thị trấn thuộc khu vực I và 21 thôn, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để nông dân người DTTS đảm bảo sử dụng hiệu quả, tăng thu nhập từ thiết bị, máy móc được hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người DTTS tại các xã, thị trấn phát huy nội lực để lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng thời, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM cùng nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng DTTS&MN để hỗ trợ nguồn lực, cây, con giống, trang thiết bị, máy nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức để áp dụng KHKT vào sản xuất... giúp đồng bào DTTS nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện sinh kế và ổn định đời sống.
Cùng với hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng đa dạng mô hình kinh tế; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm rau củ quả, cây ăn quả có múi theo quy trình VietGAP; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn huyện có 30 HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, 17 trang trại chăn nuôi. Có 10 sản phẩm nông nghiệp (cam, cây dược liệu, gà, dê…) được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, với Dự án 1, từ năm 2022 - 2023, đã có 232 máy nông nghiệp được bàn giao cho các hộ tại các xã, thị trấn, tổng giá trị khoảng 2,32 tỷ đồng. Trong đó, Phòng Dân tộc huyện đã trực tiếp bàn giao 150 máy trong năm 2022; các xã, thị trấn bàn giao 82 máy năm 2023.
Được xã hỗ trợ máy cày mới để tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất và tiết kiệm thời gian, ông Bùi Văn Ánh, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi rất phấn khởi. Chăm chú kiểm tra các chi tiết của máy, ông Ánh chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, rất khó tiếp cận các nguồn vốn thương mại để đầu tư sản xuất. Nhờ có chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi được cấp chiếc máy cày mới trị giá 10 triệu đồng. Đây là động lực lớn để gia đình nỗ lực lao động, sản xuất. Hy vọng với chiếc máy này, gia đình sẽ có thêm nguồn thu nhập.
Trước ông Ánh, trong huyện đã có nhiều nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no hơn nhờ dự án này. Có thể khẳng định, việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế cho người DTTS&MN đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết: Trước đây, bà con vùng DTTS trên địa bàn huyện quen với hình thức canh tác lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ nên tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế không cao.
Tình trạng đó đã được khắc phục kể từ khi huyện thực hiện dự án cấp máy nông nghiệp cho nông dân. Huyện giao cho các xã trực tiếp triển khai đến khu dân cư, thực hiện rà soát các hộ, phân nhóm và lấy ý kiến của người dân về việc hỗ trợ. Sau khi thống nhất, xã bàn giao máy móc cho các nhóm hộ quản lý. Đến nay, diện mạo các xã vùng DTTS, vùng khó khăn dần thay đổi, đời sống của người dân chuyển biến tích cực. Nhiều hộ đã tiếp thu, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa, cho thu nhập khá.