Hòa cùng nhịp sống đón Tết cổ truyền của đất nước, đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) trên vùng cao các tỉnh miền Trung tất bật sửa soạn nhà cửa, trang trí theo phong tục tập quán từng dân tộc. Không khí náo nhiệt lan tỏa đến từng buôn làng, thơm nồng hương rượu men lá, tiếng cồng chiêng.
Bước sang tháng Chạp và tháng Giêng, núi rừng Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) vang vọng âm thanh đàn, hát với đa dạng văn hóa của 22 dân tộc thiểu số (DTTS), nổi bật như đàn tính của dân tộc Tày; đàn Tơ Rưng, đàn Klông-pút của dân tộc Ê-Đê, giai điệu tù và của người Dao...
Từ 25 đến 28 tháng Chạp, đàn ông sẽ sửa soạn, trang trí nhà cửa, dựng cây nêu trước nhà, dán giấy đỏ trước cổng nhà và bàn thờ gia tiên.
Ngay chiều 30 Tết, cộng đồng người DTTS mang những dụng cụ làm rẫy đã vệ sinh sạch sẽ, đặt dưới bàn thờ gia tiên cùng thờ cúng trong 3 ngày Tết. Đàn ông sẽ sửa soạn một mâm cỗ gồm con gà trống thiến và các loại bánh, trái cây để đi tết ba mẹ vợ.
Đối với phụ nữ, họ lo đảm nhiệm việc đi chợ, gói bánh chưng, chuẩn bị các loại bánh mứt, mâm cúng và thức ăn ngày Tết. Cỗ cúng ông bà ngày Tết gồm một mâm cơm mặn có thịt gà, thịt heo, lạp xưởng, bánh chưng và mâm chay (các loại bánh khảo, bánh khẩu sli, pẻng tấu (bánh tro), pẻng tải (bánh gai), bánh lam, xôi ngũ sắc, bánh giầy).
Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết còn có món thịt heo khâu nhục, heo quay mắc mật truyền thống. Việc chuẩn bị mâm cúng sẽ thể hiện được sự khéo léo, đảm đang và trưởng thành của người phụ nữ.
Theo quan niệm đồng bào DTTS nơi đây, ngày Tết là dịp để gia đình sum họp, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người trong thôn, buôn xích lại gần nhau, gạt bỏ nỗi buồn năm cũ để bắt đầu cho một năm mới tốt đẹp hơn.
Phong tục vào sáng mùng 1 năm mới, mọi người đến nhà nhau chúc Tết, vui hội đến hết tháng Giêng. Một số dân tộc có lễ hội lồng tồng (lễ xuống đồng), thường được tổ chức từ mùng 4 Tết đến hết rằm tháng Giêng. Lễ xuống đồng nhằm đánh dấu ngày làm việc đầu tiên của năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trong phần lễ, họ sẽ chuẩn bị 9 mâm cỗ gồm 1 mâm chính và 8 mâm phụ, cùng nhiều lễ vật cúng tế trời đất. Tuy nhiên, nhiều phần lễ phức tạp đã được lược bỏ, chỉ duy trì phần hội xuyên suốt với các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, hát then, hát lượn, múa dân vũ, múa sư tử…
Mỗi mùa lễ hội xuân, là dịp thanh niên có dịp gặp gỡ, tìm hiểu nhau thông qua những câu hát lượn, giao duyên, đối đáp và tìm cho mình người bạn tình vừa ý.
Hầu như hoạt động lễ hội được đồng bào DTTS ở huyện Sông Hinh giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình, mong muốn phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống và lưu truyền cho con cháu đời sau.
Ông Nguyễn Đình Sao - (67 tuổi, người có uy tín ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Cả một năm làm ăn, khi đến ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình, thôn xóm cùng tụ họp vui xuân.
Mỗi nhà đều chuẩn bị thật nhiều thức ăn ngon, bình rượu quý để tiếp khách. Mỗi mùa thu hoạch lúa rẫy, gia đình nào cũng đều nấu những mẻ rượu ngon, được ủ bằng men lá theo công thức gia truyền. Chuẩn bị sẵn gạo nếp, mè, mật đường và chuẩn bị lá dong gói bánh.
Bắt đầu từ ngày 27 và 28 tháng Chạp, dân làng trong thôn cùng nhau giã gạo, làm bánh chuẩn bị vui xuân, đón Tết ấm no và say sưa theo điệu nhảy theo tiếng đàn, cồng chiêng rộn ràng cả buôn làng”.
Khi hoa gạo nở rộ vào mùa xuân, cộng đồng người H’re (chủ yếu ở huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi; huyện An Lão, Bình Định và huyện Kon PLông, Kon Tum) bắt đầu sửa soạn, chuẩn bị đón Tết lần lượt từ nhà này đến nhà khác khắp buôn làng.
Độc đáo hơn, cái Tết chính thức bắt đầu khi già làng cho phép, trong mỗi gia đình, người đàn ông có nhiệm vụ lên rừng chọn cây tre to, đem về làm trụ trước cửa chuồng trâu. Sau đó, dùng dây mây nhỏ làm dây treo “ching chủ” (tiếng H’re gọi ching là cái chiêng, với bộ chiêng gồm 3 chiếc, thường gọi là ching ba, trong đó ching chủ là cái lớn nhất).
Phụ nữ lên núi tìm cây lồ ô để làm đàn vinh-vút, lấy cây triên dùng làm công cụ uống rượu cần, mang cây trảy về làm trụ buộc chóe rượu, hái lá dong về gói bánh, bắt cá niêng dưới suối về muối chua và sắm những bộ váy thổ cẩm do chính mình tự thêu dệt.
Đặc sản ngày Tết của người H’re, luôn hiện diện trong từng nóc nhà với món bánh lá dong (người Kinh gọi là bánh chưng, bánh tét), đây là giai đoạn bận rộn, vui nhộn và đầy ắp tiếng cười đùa khúc khích bên mâm gói bánh lá dong.
Song song với công việc phụ nữ gói bánh lá dong, đàn ông hăng say dọn dẹp nhà cửa, tu sửa và trang trí bên trong căn nhà lẫn bên ngoài chuồng trâu. Sau đó, họ tranh thủ ra con suối bắt thêm cá niêng, lên rừng bẫy thêm thú rừng để bữa tiệc cuối năm đầy đủ hơn.
Như phong tục thường lệ, vào đêm 30 Tết, tất cả đã chuẩn bị xong, các chàng trai, cô gái càng rộn ràng hơn bên bếp lửa bập dùng giữa gian nhà, cùng trò chuyện và nấu bánh lá long cho đến khi con gà cất tiếng gáy đón xuân về.
Sáng mùng 2 Tết, người H’re thường cúng trâu (gọi là Ta-reo-Kpơ), bởi con trâu là tài sản thể hiện sự giàu có, gắn bó với con người cùng kéo cày, kéo gỗ giúp đồng bào phát triển kinh tế. Người H’re rất coi trọng tục cúng trâu, họ cầu mong con trâu nhà mình luôn to, khỏe và mập tròn như trái sim chín trên đồi núi.
Giống như người Tày, Nùng, Dao, Ê-đê,… thì người H’re luôn có ý thức lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong những ngày xuân, dân làng tập trung hát điệu dân ca Klêu, Kchoi.
Trai làng phô diễn tài nghệ với nhịp chiêng, múa gươm, phóng lao, đánh vật và leo núi vui nhộn. Còn sơn nữ khoe nét đẹp, duyên dáng của mình theo từng điệu nhảy nhẹ nhàng, đánh đàn vinh-vút (nhạc cụ làm bằng hai ống lồ ô), khoe vòng kiềng lóng lánh màu sắc, tô điểm thêm vẻ đẹp sơn nữ cùng bộ váy thổ cẩm đầy màu sắc.
Dịp Tết đến xuân về, cũng là cơ hội để trai gái trong làng tìm hiểu nhau, khoe nhau những nét quyến rũ riêng. Tình yêu nảy nở hơn với trò chơi nhảy sạp, tay trong tay nhảy theo điệu gõ lốc cốc từ thanh gỗ gõ hoặc tre, vang theo điệu nhạc “son son son đô son, son son son đô rê, rê rê rê mi đô rê, rê rê mi rê đô la, rê đô la đô la son la, rê đô la đô la son mi, son mi son mi son la, son la son đô…”.