Đời sống xã hội

Xuân về đi chợ phiên vùng cao

Hải Thanh 09/02/2024 - 15:16

Những năm gần đây, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, song chợ phiên vùng cao vẫn lưu giữ được những nét đặc sắc mà đến nay người dân đồng bào dân tộc thiểu số vẫn lưu giữ được.

Khi những cánh hoa đào nở rộ, khoe sắc khắp bản làng cũng là lúc những phiên chợ nơi vùng cao trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Phiên chợ là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt sôi động nhất, vui vẻ náo nhiệt nhất. Những lễ hội xuân độc đáo, đặc sắc cũng chỉ diễn ra trong một số ngày, sau đó người dân lại trở về với ruộng nương, công việc hàng ngày và chờ phiên chợ tới lại hồ hởi tham dự.

img_4849.jpg
Em bé vùng cao thích thú khi được đi chợ cùng mẹ.

Không chỉ là nơi hội tụ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến chợ không chỉ có mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, kết bạn, chợ phiên có ý nghĩa quan trọng đối với những xã vùng cao, là nơi tiêu thụ hàng hóa; kích thích kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.

Không giống chợ ở trung tâm thành phố, thị trấn, chợ vùng cao họp theo phiên, có khi cả tuần, nửa tháng mới có một phiên. Và không phải xã nào cũng có chợ, nên phiên chợ ở đây rất quý, thu hút đông đảo khách trong vùng, các xã giáp ranh, nhất là dịp gần Tết.

img_4853.jpg
Với người dân địa phương, chợ vùng cao chính là nơi “giao lưu”

Ngày diễn ra phiên chợ, các chị, em diện váy, áo, đội khăn màu sắc rực rỡ. Ngay từ sáng sớm, bà con dân tộc đi bộ đến chợ hoặc đi xe máy, cưỡi ngựa. Thậm chí có người rời nhà từ chiều hôm trước để kịp phiên chợ chỉ diễn ra một lần trong tuần. Các mặt hàng trao đổi tại chợ chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và tiêu dùng của nhân dân. Trong đó không thể thiếu các sản phẩm mang đặc trưng của vùng biên giới. Bà con ở đây sắm Tết rất giản dị chứ không cầu kỳ, không mua sắm nhiều quá mà chỉ đủ dùng trong những ngày Tết.

Ngay từ sáng sớm, các con đường dẫn vào chợ vẫn chìm trong mây, chỉ nhận rõ tiếng cười nói, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Chợ vùng cao thường có hai loại hàng trao đổi hai chiều. Một là các mặt hàng thiết yếu như muối, nước mắm và bánh kẹo phục vụ Tết ở dưới xuôi mang lên. Hai là hàng hóa nông sản của bà con mang bán như lợn, gà, lá dong, mộc nhĩ, măng khô, miến dong… So với các phiên chợ trong năm, chợ gần Tết bao giờ cũng đông đúc, phong phú mặt hàng.

img_4846.jpg
img_4619.jpg
Các sản phẩm thủ công tinh xảo được bày bán.

Với người dân địa phương, chợ vùng cao chính là nơi “giao lưu”. Đi chợ có khi cũng chỉ thèm một bát phở, mấy cái bánh rán. Hay đi chợ cũng loanh quanh để xem người ta bán hàng, thích cái không khí nhộn nhịp, bắt tay, chào hỏi người quen. Khác ngày thường, chợ tết càng về trưa càng đông, bởi mùa này đã vãn việc ruộng nương, bà con không vội vã. Vả lại, đi chợ ngoài sắm hàng tết, người bản xa xuống núi gặp nhau, ai cũng muốn mời nhau chén rượu nồng cay men lá, chiếc bánh nếp dẻo thơm, bát thắng cố nóng hổi hay phở chua đậm đà hương thảo quả…, cho bõ một năm lao động vất vả. Mọi người cùng uống rượu, tâm sự sau những ngày lao động vất vả, say cái tình cái nghĩa. Chợ vùng cao là nơi mọi người tìm đến với nhau để chia sẻ, gửi gắm tình cảm.

Chợ chỉ họp một phiên trong tuần nên bà con háo hức lắm, nên đồng bào ai cũng xúng xính trong những bộ cánh đẹp nhất để tìm đến chợ, dù đường xa đến mấy.

img_4294.jpg
img_4861.jpg
Đi chợ phiên vùng cao được thưởng thức món thắng cố nóng hổi.

Gian hàng bán quần áo là điểm nhấn ở chợ bởi tràn ngập sắc màu thổ cẩm của trang phục Dao, Mông, Tày… Đi chợ vùng cao ta như thấy hồn cốt dân tộc trong mỗi bộ trang phục truyền thống, cách bà con giao tiếp với nhau, mời nhau mua con cá đồng, con gà, mua vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như rổ rá, dao, dựa, cày, cuốc...

img_4841.jpg
Ngập tràn sắc màu thổ cẩm vùng cao.

Khách du lịch, nhất là các nhiếp ảnh gia rất thích thú với chợ phiên vùng cao ngày giáp Tết. Có những nhóm du khách lên kế hoạch đi theo “tour” để tận hưởng không khí Tết ở vùng cao này. Theo họ, cái Tết vừa giản dị, mộc mạc, vừa nồng ấm như chính con người vùng cao vậy.

Chợ vùng cao ngoài việc trao đổi mua bán hàng hoá còn là nơi giao lưu trao đổi văn hoá của đồng bào. Tại các phiên chợ vùng cao dịp xuân về, đồng bào được trải nghiệm các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh sảng, ném còn,… giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống...

5q9a4368.jpg
Mọi người cùng tâm sự sau những ngày lao động vất vả.

Các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được diễn ra trong các ngày chợ do các cơ quan đơn vị chức năng tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân; tuyên truyền nếp sống văn hoá nơi dân cư, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Các tiểu phẩm, tiết mục hát múa hát cũng phản ánh đời sống, phong tục tập quán của người dân vùng cao, những nét văn hoá phi vật thể, qua đó thu hút được nhiều người dân đến xem và cùng giao lưu, trở thành “món ăn tinh thần” quan trọng không thể thiếu được đối với người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO