Gương sáng

Đại ngàn vang tiếng sáo Khsui

Nam Hoàng 15/12/2023 20:10

Suốt mấy chục năm qua, có một Nghệ nhân dân gian đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi sưu tầm và truyền dạy lại cho lớp trẻ về cách chơi các nhạc cụ truyền thống nhằm phục dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc mình.

Ông là Hồ Văn Tiêu, người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ

Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Bình thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân.

anh-bai-dai-ngan-vang-tieng-sao-khsui-1.jpg
Già Hồ Tiêu trình diễn một điệu sáo của người Bru-Vân Kiều

Với hàng ngàn năm sinh sống giữa đại ngàn, người Bru – Vân Kiều đã tạo ra nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá rất đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình như các điệu múa mừng lúa mới, múa đám chay, hát giao duyên, hay các nhạc cụ truyền thống như kèn, sáo, đàn và các dụng cụ hằng ngày sử dụng lên nương rẫy như A rừa, A chói...

Đối với người Bru - Vân Kiều, dân ca không chỉ thông thường là hình thức giải trí mà đã trở thành bản sắc gắn với tín ngưỡng và truyền thống của dân tộc mình. Dù lên nương hay lên rẫy, dù sinh hoạt lễ hội hay trong lao động sản xuất thì những câu dân ca vẫn gần gũi, đằm thắm, mộc mạc vút bay giữa núi rừng Trường Sơn.

Vào những đêm lễ hội, bên ánh lửa bập bùng, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Rồi những đêm sim, tiếng sáo khsui réo rắt bên bờ suối... Tất cả những sinh hoạt văn hóa đó đã khơi dậy niềm đam mê âm nhạc của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai người Bru – Vân Kiều. Họ đàn, họ hát, họ thổi sáo hồn nhiên và tự nhiên như hơi thở...

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc này ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa.

Trong bối cảnh đó, rất may người Bru - Vân Kiều còn có những nghệ nhân, nghệ sỹ nặng lòng với văn hóa cổ truyền của dân tộc mình, như già Hồ Văn Tiêu, hay còn gọi là Hồ Tiêu, ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Được sinh ra và lớn lên giữa không gian văn hóa Bru - Vân Kiều đậm đặc, từ lúc còn trẻ, ngọn lửa đam mê âm nhạc đã cháy trong mắt Hồ Tiêu. 18 tuổi, già đã thuộc làu làu nhiều khúc nhạc, từng điệu múa của dân tộc mình. Từ tiếng sáo khsui (hay còn gọi là Khui) du dương, trầm bổng đến những điệu múa, khúc đàn, đoạn nhạc reo vui như nước suối nguồn, già đều thuộc làu làu. 20 tuổi, già đã có thể chơi thành thục hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Người già ở Lệ Thủy kể rằng, mỗi khi tiếng sáo của già Tiêu cất lên, người ta nghe trong đó vừa như có tiếng nước róc rách từ trên nóc núi chảy xuống thung, vừa như có tiếng gió rào rạt chơi cút bắt trên đỉnh rừng… Dần dà, già trở thành một trong những người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của dân tộc mình…

Trăn trở với những giá trị truyền thống

Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già Hồ Tiêu đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Già giảng giải, nêu bật giá trị của các loại nhạc cụ, đặc biệt là tiếng sáo khsui trong mạch nguồn văn hoá của người Bru – Vân Kiều. Bởi theo già thì sáo khsui là nhạc cụ có thể cất lên cả khi vui lẫn khi buồn và cả khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần.

Già Tiêu bảo, âm thanh của tiếng sáo khsui nó giống như một thứ ánh sáng tâm linh, dẫn dụ người Bru – Vân Kiều biết cách để mở ra cánh cửa nội tâm. Đồng thời, tiếng sáo cùng với niềm tin tín ngưỡng và các giá trị văn hoá khác làm nên sợi dây bền chặt kết nối những người con của núi rừng sinh sống trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

anh-bai-dai-ngan-vang-tieng-sao-khsui-2.jpg
Già Tiêu đang truyền dạy các điệu nhạc, múa, hát cho học sinh Trường PTDT nội trú Lệ Thủy

“Mỗi bài hát, điệu múa, tiếng sáo của người Bru – Vân Kiều đẹp như hoa trên núi. Nếu thế hệ con cháu sau này không biết hát, biết múa, biết thổi sáo, biết đánh đàn thì sẽ là một điều đáng tiếc, dân tộc này sẽ mất đi các di sản văn hoá độc đáo của mình”, già Tiêu tâm sự.

Trước đây, vào những ngày lễ hội, tiếng sáo khsui của người Pru – Vân Kiều lại vang lên réo rắt gọi hồn thiêng núi rừng và gợi mở về một thế giới tâm linh huyền bí. Âm thanh đó phản ánh một đời sống văn hoá phong phú, độc đáo của người Bru - Vân Kiều. Thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống vật chất của người Bru – Vân Kiều tuy có khá lên nhưng tiếng sáo khsui thì đã thưa vắng.

Điều đó đã làm cho già Tiêu vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, với già, tiếng sáo khsui đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Không những thế, trong lớp người già của người Bru - Vân Kiều hiện nay ở xã Kim Thủy, già Tiêu cũng là người còn nắm giữ nhiều nhất những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Bru - Vân Kiều. Già sợ rằng, một mai già về với tổ tiên, núi rừng thì sẽ không còn ai biết được những tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát, điệu múa đó nữa để truyền lại cho con cháu mai sau…

Đã có lần, trước bàn thờ tổ tiên, thần rừng, già Hồ Tiêu thú nhận: “Hỡi tổ tiên của người Bru – Vân Kiều. Hồ Tiêu có tội nhiều lắm, cây sáo này không biết truyền lại cho đứa con, đứa cháu nào. Chúng nó bây giờ như con hươu, con nai lạc lối. Chúng nó không muốn thổi cây sáo, hát bài hát của người Bru – Vân Kiều nữa rồi…”.

Khơi lại một dòng văn hóa cổ

Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẩn với công việc thầm lặng, công sức của già Tiêu đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống đã quay về với đời sống văn hoá cộng đồng người Bru – Vân Kiều. Nhiều người trẻ đã nối tiếp, thổi được sáo khsui và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Bru – Vân Kiều.

Bên cạnh đó, nhiều già làng trưởng bản, nghệ nhân khác như cũng cùng chung tay góp sức với già Tiêu trong việc phục dựng lại nhiều nét văn hóa cổ xưa. Cũng từ đây, mà nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc đã và đang được quần chúng gìn giữ và lưu truyền.

anh-bai-dai-ngan-vang-tieng-sao-khsui-3.jpg
Âm nhạc là thứ không thể thiếu trong mỗi lễ hội của người Bru - Vân Kiều

Đồng thời, mấy năm gần đây, các ngành văn hóa Quảng Bình đã có nhiều hình thức để khơi nguồn và bảo tồn dân ca của người Pa Kô, Bru - Vân Kiều như: Mở lớp sáng tác dân ca, Liên hoan hát dân ca, mở lớp tập huấn dân ca hoặc mới đây nhất là dự án “Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường, khơi dậy và lưu giữ những tinh hoa văn hoá của người Bru - Vân Kiều” đã thu hút được nhiều thế hệ tham gia, họ là những người của câu lạc bộ dân ca ở cơ sở, những người làm công tác văn hóa, những hạt nhân có năng khiếu văn nghệ của người dân tộc thiểu số...

Tại những lớp học này, nhiều làn điệu dân ca của người Pa Kô, Bru - Vân Kiều đã được các nghệ nhân có kinh nghiệm sưu tầm và truyền dạy. Trong thời gian nhất định các học viên đã được truyền đạt các làn điệu dân ca được các nghệ nhân thể hiện và dịch từ tiếng địa phương sang ngôn ngữ thuần Việt. Nội dung của các làn điệu là Đón mừng làng mới, tìm hiểu tình yêu đôi lứa, lời tỏ tình với người thiếu nữ, những khúc tự sự gửi dòng tâm sự... Đây là các làn điệu thể hiện những suy tư, triết lý về tự nhiên, xã hội và khơi dậy tâm hồn, tình cảm, lý tưởng thẩm mỹ về tính cách dân tộc bằng âm thanh, nhịp điệu, giai điệu qua mỗi ca từ...

Cũng từ những lớp học như thế, đã xuất hiện rất nhiều những em có năng khiếu về âm nhạc. Rồi đây, những gương mặt trẻ sẽ dần thay thế Hồ Tiêu giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. “Tiếng sáo khsui và nhiều làn điệu truyền thống của người Bru – Vân Kiều bây giờ đã có nhiều người học rồi. Bây giờ tôi có chết cũng yên tâm rồi”, già Tiêu hồ hởi.

Ông Hồ A Lai, Chủ tịch UBMTTQVN xã Kim Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, bảo: “Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Bru - Vân Kiều là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh được nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai”.

Chính vì thế, những đóng góp của những người như già Tiêu là vô cùng to lớn đối với cộng đồng thôn bản. Già Tiêu, cùng với một số ít các nghệ nhân cao tuổi khác là những hạt giống quý báu nắm giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của người Bru - Vân Kiều. Nhờ có họ mà giờ đây tiếng sáo khsui vẫn còn vang vọng giữa đại ngàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO