Đời sống xã hội

Các tỉnh miền núi phía Bắc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bình đẳng giới

Nội dung: Hồng Anh Ảnh: Toàn Vũ, Hồng Anh 15/12/2023 - 19:43

Hoạt động bình đẳng giới tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn... thời gian qua được triển khai rộng rãi và đạt được nhiều thành quả đáng mừng.

Tuyên truyền linh hoạt bằng nhiều hoạt động thiết thực

Kết thúc khóa tập huấn áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp tổ chức tại Sa Pa, Lào Cai, Chảo Thị Yến lại tất bật chuẩn bị cho buổi tập huấn tiếp theo tại huyện Bát Xát. Hoạt động này, Yến đồng hành cùng Hội nông dân tỉnh Lào Cai với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp giữa thời đại 4.0.

Hình ảnh cô gái người Dao Chảo Thị Yến trẻ trung, năng động đem kiến thức và kỹ năng tích lũy được từ quá trình học đại học, du học châu Âu về phát triển quê hương, đồng hành cùng đồng bào dân tộc làm kinh tế khiến nhiều người đã có cái nhìn thay đổi về phụ nữ dân tộc.

398-202312151731582.jpg
Chảo Thị Yến năng động tham gia nhiều hoạt động phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Không còn bó buộc với cuộc sống ở bản làng, làm nương rẫy, lấy chồng, sinh con… ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc như Yến có cơ hội học tập, làm kinh tế, tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đó là một minh chứng mạnh mẽ cho công tác bình đẳng giới ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc trong những năm qua. Các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn… đã đẩy mạnh các hoạt động thiết thực nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo sự bình đẳng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực.

Cô gái chăn trâu người Dao và hành trình du học châu Âu về đổi phận nghèo

Tại Lào Cai, nhiều huyện, xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các điểm quan trọng trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại các buổi tuyên truyền không chỉ có chị em phụ nữ dân tộc mà còn có đông đảo nam giới cũng tới tham gia. Qua các buổi tuyên truyền, những người tham gia được nâng cao nhận thức trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trang bị kiến thức xã hội, kỹ năng góp phần tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Nắm rõ tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, các cấp ban ngành Lào Cai có hình thức truyền thông rất đa dạng, phong phú.

Ngoài tuyên truyền trực tiếp, phát qua loa đài, mạng xã hội, tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan, nhiều nơi còn trình diễn các tiểu phẩm có chủ đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đan xen các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại các buổi chợ phiên để đông đảo người dân tham gia.

Tại Yên Bái, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc nâng cao vị thế cho phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội, Yên Bái đặc biệt quan tâm tới vấn đề đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Ngày càng có nhiều chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ người dân tộc nói riêng trên địa bàn là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…

15-12-2-anh.png
Phụ nữ người Thái ở Yên Bái với sản phẩm cốm Tú Lệ phục vụ du khách.

Tỉnh này xác định, đây là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ cất lên tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của địa phương, đất nước.

Từ lĩnh vực chính trị, chị em phụ nữ sẽ có nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể của Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch của ngành mình, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện công tác bình đẳng giới một cách đồng bộ. Các dự án về bình đẳng giới được lồng ghép trong các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, trong nông nghiệp và phát triển nông thôn hay trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch...

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái đã phối hợp cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền.

Các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, mô hình, giải pháp truyền thông hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức cho phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số cũng được tổ chức thường xuyên ở Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn….

Hướng tới bình đẳng giới thực chất

Hà Giang là địa bàn có đến hơn 87% đồng bào là dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian qua, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới đã và đang được triển khai rộng rãi trên vùng cao nguyên đá.

Tỉnh này xác định mục tiêu tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

15-12-3-.png
Trẻ em gái và phụ nữ dân tộc ở Hà Giang.

Dân cư ở Hà Giang phân bố rải rác khắp vùng cao nguyên đá, địa hình di chuyển phức tạp. Các cấp ban ngành Hà Giang, đặc biệt là các hội liên hiệp phụ nữ đã đa dạng hóa hình thức tập hợp chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể đó là thành lập, duy trì hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng; phát động các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới; tuyên truyền trên các nhóm zalo, fanpage, tổ chức các hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em.

398-202312151731587.jpg
Một phụ nữ người Lô Lô ở Hà Giang bên căn nhà dùng để kinh doanh homestay của mình.

Tỉnh Sơn La xác định bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phụ nữ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mọi mặt.

Trong lĩnh vực chính trị, nhiều chị em có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, ứng cử vào các ban ngành, làm đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, Sơn La có những chính sách tạo việc làm cho lao động nữ, tăng cường các nguồn vốn vay cho lao động nữ vùng dân tộc, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và tạo việc làm, xuất khẩu lao động.

Các ban ngành tỉnh Sơn La phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, học tập các mô hình khuyến công, khuyến nông... tạo điều kiện cho phụ nữ các bản làng khó khăn có cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển kinh tế.

398-202312151731588.jpg
Phụ nữ dân tộc miền núi phía Bắc được tham gia nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, tỉnh này còn tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi trong các đề án về chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Sơn La hiện có 114 mô hình phòng, chống bạo lực bạo gia đình, 230 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 529 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 579 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 60 đường dây nóng ở cơ sở.

Giống như các tỉnh miền núi phía Bắc, Lạng Sơn là tỉnh có các dân tộc ít người chiếm số đông (84,74 % tổng số dân của tỉnh). Dân tộc Nùng chiếm 43,9%, người Tày 35,3%, người Kinh chiếm 15,3%; người Dao chiếm 3,5 %, dân tộc Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc khác chiếm khoảng 1,4 %.

398-202312151731599.jpg
Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao.

Tại Lạng Sơn, phụ nữ dân tộc được tham gia tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các chị em ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Những năm qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các cấp, ngành của Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm từng bước thực hiện mục tiêu quan trọng trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030…

Lạng Sơn đặt mục tiêu đưa Luật Bình đẳng giới đi vào thực tiễn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, gia đình về xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, định kiến giới ngày một nâng lên, hướng tới bình đẳng giới thực chất.

Chia sẻ với báo chí, ông Dương Xuân Huyên, Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Lạng Sơn mới đây tiếp tục nhấn mạnh, các cấp ủy, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, UBND các huyện, thành phố tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định của Trung ương và tỉnh về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo sức lan tỏa làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương.

Theo https://dantri.com.vn
copy Link
Copy Link
copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO