Đời sống xã hội

Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn ở vùng cao

Tuấn Lê 15/12/2023 - 19:22

Tảo hôn không chỉ vi phạm quy định của Luật Hôn nhân gia đình mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lý và sự phát triển thể chất của trẻ em. Thế nhưng ở một số địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa thì tình trạng này vẫn xảy ra, bất chấp nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể.

Hủ tục đè nặng

Tảo hôn được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Qua đó, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số.

z4977741740128_f410840e3b5baf5f7c6e21331a7f0363-copy.jpg
Lấy chồng sớm, M phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, vất vả

Các nhà khoa học cũng đã chứng minh kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hướng đến quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của cả bố mẹ và con cái.

Bên cạnh đó, sau khi kết hôn, hầu hết những “cặp vợ chồng mũi dãi” này thường chưa có năng lực để tự lo, độc lập, chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình. Những trường hợp được bố mẹ tách ra ở riêng thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do chưa có kinh nghiệm về xây dựng gia đình và phát triển sản xuất kinh tế, dễ nảy sinh mâu thuẫn…

Đồng thời, do chưa có kinh nghiệm và kiến thức về cuộc sống nên những đứa trẻ sinh ra bởi những cặp vợ chồng quá trẻ khó có thể phát triển một cách toàn diện, bởi không được chăm sóc đầy đủ và rất dễ đi theo “vết xe đổ” của bố mẹ. Đó là lặp lại cái vòng luẩn quẩn tảo hôn - đói nghèo - bệnh tật. Điều này không những tạo thêm nhiều sức ép về chất lượng dân số mà còn gây nên những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý dân số cũng như quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Song, có một điều lạ là bất chấp những tuyên truyền vận động của các cơ quan, bất chấp những tấm gương khổ ải tày liếp, nhiều chàng trai cô gái người dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục truyền thống lập gia đình từ khi còn trẻ, mặc cho khó khăn, bất trắc có thể xảy ra. Như cặp vợ chồng Vừ Thị M và Sồng A S ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.

M và S cưới nhau khi cả hai mới gần 17 tuổi. Lấy nhau mới được vài năm, M cũng đã kịp 3 lần làm mẹ. Ba đứa con M, đứa lớn nhất sinh đầu năm 2018, còn đứa út mới vài tháng tuổi.

Từ ngày lấy chồng, phần lớn thời gian của M chỉ để dành cho chuyện mang thai và sinh nở. Mới chừng 5-6 năm làm vợ thì M đã mất tới 27-28 tháng vác bụng bầu, còn lại là nuôi con nhỏ. Mọi việc trong gia đình, ban đầu M đều trông cả vào chồng, thế nhưng S nghề nghiệp không có, nói tiếng kinh như nhặt thóc, lại vẫn còn “thanh niên tính”, ham chơi nên cuộc sống của gia đình cô bữa đói nhiều hơn bữa no. Ngay cả lúc bụng mang dạ chửa, M vẫn phải vác dao, đeo gùi vào rừng hái măng, chặt củi mang xuống chợ đổi rau và gạo. Cuộc sống lam lũ khiến cô già hơn tuổi rất nhiều.

Mẹ thì như vậy, còn mấy đứa con của M cũng chẳng khá khẩm gì. Lớn lên trong đói khát, lại không nhận được sự chăm sóc đầy đủ nên đứa nào đứa nấy gầy gò, ốm yếu. Đứa con đầu của M dù đã hơn 5 tuổi, nhưng chả mấy khi được mẹ mua cho cân đường, hộp sữa.

anh-bai-no-luc-phong-chong-nan-tao-hon-2.jpg
Toàn cảnh căn nhà của vợ chồng M

Hai đứa con thứ hai và ba của M cũng vậy. M cũng chả nghĩ nhiều đến chuyện cho con đi khám thử một lần xem chúng có bị suy dinh dưỡng hay không. Mặc dù nhìn đám con M, bất cứ người cha, người mẹ bình thường nào cũng nhận ra sự thiếu dưỡng chất trong cơ thể chúng.

Ở quê M, không chỉ riêng mình M lâm vào cảnh khốn cùng vì trót mang gánh nặng mưu sinh từ quá sớm. Ngay cả mẹ M, bà ngoại, bà cố ngoại M cũng đều như vậy. Trong số họ, không ai biết được chính xác hủ tục lấy vợ, lấy chồng sớm có tự bao giờ. Đồng thời, họ cũng không hề biết Luật Hôn nhân - Gia đình ra sao, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình thế nào, bởi tập tục tảo hôn đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào đã quá lâu rồi. Thế nên, cứ đời nọ nối đời kia, con gái bản Mông mới thấc lên, chưa kịp làm duyên trước ánh mắt đàn ông đã vội vàng làm vợ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Có thể nói, thiếu hiểu biết về pháp luật cùng với sự tồn tại của các phong tục tập quán lạc hậu là những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhất là những tỉnh miền núi, biên giới như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng,...

Là một tỉnh biên giới, có tới 19 dân tộc cùng chung sống, trình độ dân trí còn hạn chế, thế nên lâu nay bài toán phòng chống nạn tảo hôn luôn làm đau đầu chính quyền và các cơ quan chức năng ở Hà Giang. Theo thống kê của Đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang” thì từ năm 2015 – 2020, toàn tỉnh có 40.631 cặp kết hôn, trong đó có đến 2.947 cặp tảo hôn, chiếm 7,25%; kết hôn cận huyết thống có 69 cặp, chiếm 0,17%...

anh-bai-no-luc-phong-chong-nan-tao-hon-3.jpg
BĐBP tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Trong thời gian qua, để góp phần đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các ban ngành và lực lượng đóng chân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhiều xã, bản.

Đặc biệt, BĐBP tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Giang, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Thư viện tỉnh Hà Giang tổ chức truyên truyền tại hàng chục xã biên giới và nội địa. Đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên.

Để người dân dễ nghe, dễ hiểu nội dung tuyên truyền, ngoài hình thức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền miệng, các tuyên truyền viên của 4 cơ quan đã xây dựng các chương trình tuyên truyền đa dạng như chiếu phim tài liệu, biểu diễn nghệ thuật, kịch tuyên truyền, hỏi - đáp pháp luật, trò chơi có thưởng...

Những buổi tuyên truyền đó đã truyền tải cho người xem, người nghe nhiều thông điệp, kiến thức, pháp luật về hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống..., để cùng nhau xây dựng nếp sống mới, nâng cao chất lượng sống.

Xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân là yếu tố quyết định ngăn chặn triệt để nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang còn chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường công tác nắm tình hình dân cư, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, kịp thời ngăn chặn, xử lý các gia đình, trẻ vị thành niên có ý định tảo hôn. Đồng thời, tranh thủ đội ngũ người có uy tín, trưởng bản, trưởng các dòng họ trong giáo dục con cháu không vi phạm các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Cùng với hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, các đơn vị còn lồng ghép nội dung tuyên truyền trong những buổi họp thôn, bản và đến từng nhà dân để thông tin cho bà con về hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn. Từ đó khuyên bảo con em trong nhà, trong dòng họ không kết hôn khi chưa đến tuổi trưởng thành và không kết hôn với người thân trong dòng họ.

Nhờ những nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng BĐBP, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giảm mạnh qua từng năm.

Kết quả đáng khích lệ đó đã phản ánh phần nào cách làm “đúng” và “trúng” của chính quyền, các ban ngành đoàn thể của tỉnh Hà Giang nói chung và của BĐBP Hà Giang nói riêng. Thế nhưng, đấu tranh bài trừ nạn tảo hôn là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao của các ngành, các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để trong thời gian tới để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn dần được đẩy lùi, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO