Nói đến cao nguyên đá Đồng Văn, người ta sẽ nghĩ ngay đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2010. Ngoài di sản địa chất mang dấu ấn về sự phát triển vỏ trái đất, còn là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của 19 đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, là tiềm năng lớn để làm giàu từ du lịch.
Là tỉnh có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, nơi biên cương, địa đầu của Tổ quốc, gần 90% dân số tỉnh Hà Giang là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong số 19 dân tộc, có 5 DTTS rất ít người, gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng.
Hà Giang trước kia có rất nhiều khó khăn, do không có lợi thế về vùng đất cũng như thổ nhưỡng do địa hình đồi núi dốc lại khô cằn, vùng đồi núi thấp hay sạt lở, đồng bào dân tộc chiếm số đông. Thuộc lõi nghèo, Hà Giang là 5 trong số 14 dân tộc có khó khăn đặc thù, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227, ngày 14/7/2021.
Không có gì ngoài đá, đá là “tài sản” của Hà Giang. Với khát vọng biến điều không thể để thành công, đồng bào DTTS ở Hà Giang sống trên đá, sẽ thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá. Tiềm năng quan trọng để Hà Giang phát triển du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng đủ sức cạnh tranh với các địa phương có cùng lợi thế, như Cao nguyên đá Đồng Văn đã góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu với nhiều giá trị về cảnh quan, địa chất; di tích Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; sự đa dạng về văn hoá truyền thống, lễ hội đặc sắc… Do vậy, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn năm 2021.
Anh Gidon SumRoy, du khách Isarel hứng khởi nói: “tôi như lạc lối vào môt thế giới khác, thế giới đa màu sắc, điều mà ở nơi tôi sống không có. Thế nên, tôi rất mong muốn được tìm hiểu những nét văn hóa của người dân nơi đây”.
Nhịp sống hiện đại của đô thị, khiến cho nhiều du khách có xu hướng tìm về nông thôn, tìm hiểu văn hóa bản địa. Đây chính là cơ hội để du lịch cộng đồng đón lấy. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đã đem lại một diện mạo mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của xã Quảng Nguyên (huyện Xín Mần).
Từ khi được công nhận là làng du lịch cộng đồng, thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần đã thành lập đội văn nghệ để phục vụ du lịch. Những người nông dân vùng nông thôn miền núi này đã phát huy được giá trị văn hóa của dân tộc mình. Qua những bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Tày đã thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.
Phấn đấu làm giàu trên đá, tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Trong đó, xây dựng một khu du lịch cấp tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Bà Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: "Để du khách thực sự được thảnh thơi hòa mình vào thiên nhiên và con người ở Hà Giang. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ấn tượng tốt cho từng du khách với mục tiêu phát triển du lịch bền vững từ những dịch vụ tốt, giá thành rẻ, thân thiện và mang nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Nhờ triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu “Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á năm 2023”, hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh. Lượng khách du lịch đến Hà Giang trong tháng 10/2023 là 283.500 lượt người. Trong đó có 20.092 lượt khách quốc tế, 263.408 lượt khách nội địa, tăng 10,4% so với tháng trước và tăng 43,1% so với cùng kỳ dẫn tới tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 đạt 1.547,8 tỷ đồng, tang 5,91% so với tháng trước và tang 16,15% so với cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại và Hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, nguồn nhân lực phục vụ du lịch hoạt động chưa chuyên nghiệp, công tác triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là việc huy động nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: Thôn biên giới có đường giao thông đạt tiêu chí nông thôn mới… nên tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới ở huyện Bắc Quang, Quang Bình còn chậm. Tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ về phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” trên địa bàn tỉnh.
Chủ động, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều đó khẳng định, tỉnh nông thôn miền núi Hà Giang đang tự tin trên con đường hội nhập.