Đã vào mùa thu hoạch rộ cà phê ở Tây Nguyên, những người lao động nghèo từ khắp các địa phương lại nô nức rủ nhau về đây để kiếm thêm thu nhập, họ phải tranh thủ bởi mùa thu hoạch chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng.
Những bước chân thiên di
Giữa mùa thu hoạch cà phê, trong những vườn cà phê ở khắp Tây Nguyên lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói, rào rạt âm thanh của những quả cà phê rơi xuống bạt, những bàn tay cứ thoăn thoắt trên những chùm quả chín mọng đỏ giữa mùa gió chướng lạnh khô se sắt.
Ông Đặng Thanh Trung (47 tuổi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) “đánh” chiếc công nông đầu dọc, chở theo trên xe là gần 10 người làm công vào rẫy cà phê hơn 4ha của mình. Cùng ông Thành là rất nhiều chiếc công nông, hay xe tải nhỏ chở theo rất nhiều người hăm hở vào nương rẫy, nơi những vườn cà phê chín đỏ chờ thu hoạch. Người các nơi về đây hái thuê cà phê có nhiều hoàn cảnh. Có người đã đi hái thuê nhiều năm nên cứ vào vụ thu hoạch, khi chủ vườn điện thoại là họ đến làm. Nhưng cũng có những người mới đi làm lần đầu, vì vậy, họ phải đi theo những người đã từng đi hái thuê.
Chị Trần Thị Thêu (41 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) là công nhân hái cà phê thuê. Gia đình khó khăn nên năm nào cũng vậy, chừng giữa tháng 11 là chị lại khăn gói lên Gia Lai để hái cà phê thuê. Chị Thêu cho biết: “Mỗi năm, chỉ có một vụ mùa, người ta cần nhân công lắm nên tôi lại lên đây. Không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều bà con từ các nơi khác ở Huế, Quảng Nam hay Bình Định cũng lên đây hái cà phê thuê!”. Giống như chị Thêu, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình (quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lên Tây Nguyên làm thuê đã mấy năm nay. Những chủ vườn này đều là nông dân, họ thấu hiểu được nỗi vất vả của người làm nên thương. Chuyện ăn uống cũng được quan tâm.
Thông thường thì những chủ vườn và người hái cà phê thuê chỉ có sự thỏa thuận miệng với nhau, nếu hai bên đáp ứng được yêu cầu của nhau thì làm việc. Khi chủ vườn và người lao động đã tin tưởng nhau thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận và có một tình cảm nhất định thì cứ vào vụ thu hoạch cà phê, khi chủ vườn điện thoại là người lao động thu xếp công việc gia đình để đi làm. Nhìn những bàn tay trầy xước rướm máu, những đôi bao tay rách tướp và những vết trầy xước trên mặt những người lao động này mới thấy công việc thu hái cà phê không nhẹ nhàng gì.
Với nhiều người, việc hái cà phê tưởng chừng đơn giản, nhưng không hẳn như vậy. Những người không quen chỉ tuốt chừng vài cây đã mỏi nhừ các ngón tay, bị các mắt cây cào xước, hoặc bị côn trùng như kiến lửa, rắn... trên cây tấn công. Cứ 3 - 4 người một bạt kéo lê dưới gốc cà phê để hái, rồi lại gồng mình trút đổ vào những chiếc bao nặng 60-70kg và vác lên điểm tập kết cách xa cả trăm mét đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe.
No ấm những đồng rừng
Mỗi vụ mùa, chủ vườn có thể thuê tới 10 - 20 nhân công, tùy vào diện tích cần thu hái. Họ chăm lo đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của người làm để nhân công của mình dồn sức thu hoạch nhanh. Có khi cả chủ và người làm cùng chung một bạt hái, cùng quan tâm nhau về gia đình, về quê hương bản quán và cuộc sống khó khăn hiện tại. Có nhiều người làm thuê cũng đã được chủ vườn giữ lại để trông coi vườn cho mình với mức lương vài triệu đồng một tháng, xây nhà cho ở, hay đưa cả vợ con lên để chăm sóc, cùng làm.
Ông Vũ Văn Thành (54 tuổi, chủ vườn cà phê ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) thuê 6 nhân công, cùng với 4 người trong gia đình ông, tổng cộng là 10 người hái cà phê. Ông Thành cho biết, để thu hái theo kiểu “cuốn chiếu”, tránh sót cây thì những người hái cà phê sẽ phải hái theo hàng ngang để dễ kéo bạt qua các cây. Cứ hai người một cây, trải bạt vòng kín gốc. Mang bao tay, cứ thế vặn tuốt từng chùm mặc cho quả rơi xuống đã có bạt hứng bên dưới.
Nhiều vườn cà phê có năng suất cao, chỉ cần hái 2-3 cây là đã đầy một bao loại 50kg. Cứ thế, hết hàng này đến hàng khác, hết lô này đến lô khác, tay người hái cứ mải miết, tiếng quả cà phê rơi xuống nền bạt lộp bộp như mưa đã trở nên quen thuộc. Nhiều người ví von rằng đó là những trận mưa cà phê, một dấu hiệu của vụ mùa bội thu. Nhiều chủ vườn vào vụ thu hoạch đã làm việc với đại lý thu mua nông sản, nên đến chiều tối, các đại lý này sẽ cho xe tải vào tận rẫy cà phê cân đong, hai bên ký nhận số lượng cà phê hái trong ngày, có thể trả tiền tại chỗ hoặc tổng kết vào cuối vụ thu hoạch. Với nhiều gia đình khác, họ sẽ không “bán tươi” ngay tại chỗ, mà mang cà phê về nhà để phơi khô hoặc xay vỏ và bán cà phê nhân. Với cách thức này, giá sẽ cao hơn bán tươi, nhưng cũng sẽ vất vả hơn vì công phơi phóng, cất ủ, xay vỏ cần sân bãi, cộng với đó là nhân lực và công nghệ nhiều hơn.
Thu nhập trung bình của người hái cà phê thuê dao động từ 350 - 380 ngàn/người/ngày tùy vào khu vực, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể để những người lao động có được sau những ngày tháng vất vả. Số tiền ấy họ để dành lo cho một cái Tết sắp tới, cho những đứa con ở quê nhà đang chờ manh áo mới, cuốn vở mới, hay những mái nhà nghèo đang tan hoang trong những trận bão vừa qua được lợp lại. Họ cứ cặm cụi làm việc, gom góp số tiền công ấy để lo cho gia đình, con cái. Trong giờ nghỉ ngơi, những người lao động lại quây quần bên nhau, hỏi thăm nhau về sức khỏe, về những vết thương vô tình gặp phải trong lúc làm việc, hỏi nhau về gia đình và cùng mơ ước tới một tương lai tốt đẹp hơn.