Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và mong muốn được cống hiến cho xã hội, người có uy tín (NCUT) trên địa bàn Tp. Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tích cực đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thôn Bưởi là một thôn nằm ở trung tâm xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên là 118,2 ha, có 142 hộ bằng 651 nhân khẩu, có 2 dân tộc Kinh và Mường cùng chung sống với nhau, trong đó dân tộc Mường chiếm 64%. Địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp. Đời sống nhân dân chủ yếu từ nông nghiệp; chăn nuôi, trồng trọt và vườn rùng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững ổn định.
Đến thôn Bưởi, ít ai không biết đến gia đình ông Nguyễn Xuân Chằm. Với bà con nơi đây, ông Chằm không chỉ là người có uy tín mà còn là người “hay lam hay làm”; sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong bản cùng làm kinh tế, cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương; tích cực vận động bà con thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Là người có uy tín của thôn, ông Chằm đã tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu thêm ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động bà con hiến đất làm đường; xây dựng cảnh quan bản xanh - sạch - đẹp; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường, phát triển kinh tế, xóa nghèo.
Hưởng ứng Cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do UBND huyện Ba Vì phát động, ông Chằm đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường vào thứ 7 hàng tuần, tổ chức gắn đế cờ, vẽ tranh tường bích họa, xây dựng đoạn đường nở hoa, lắp đặt camera an ninh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại các cụm dân cư, xây dựng 07 ngõ tự quản đảm bảo an ninh trật tự với kinh phí gần 48 triệu đồng. Trong năm 2022, ông cùng với Ban công tác mặt trận thôn và các ban ngành đoàn thể thôn vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương.
Ông đã vận động 11 hộ dân giải phóng mặt bằng với diện tích 2.100m2 để xây dựng Trường Mầm non Khánh Thượng A; vận động 03 hộ dân giải phóng mặt bằng với diện tích 900 m2 để xây dựng Trạm y tế xã Khánh Thượng ; vận động 30 hộ dân có đất trong phạm vi thực hiện bàn giao mặt bằng với diện tích 9.000 m2 bàn giao cho các đơn vị thi công các công trình giao thông nông thôn giao thông nội đồng; vận động nhẫn dân đóng góp kinh phí đổ đất, cải tạo được 01 sân vận động có diện tích hơn 3.000m2 tiến hành trồng gần 200 cây hoa ban, cây bóng mát xung quanh, với kinh phí trên 200 triệu đồng... Bên cạnh đó, ông đã cùng với các thành viên trong thôn tuyên tuyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, ông Chằm tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông thường xuyên vận động các vị cao niên người dân tộc thiểu số làm gương cho con cháu học tập; thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến...
Đồng thời, ông Chằm cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động con cháu và người dân trong sinh hoạt hàng ngày thường xuyên nói tiếng dân tộc để bảo tồn tiếng nói của người Mường không để Bi tiếng nói của các DTTS ngày bị mai một, ông tham gia truyền dạy bảo tồn các làn điệu của nghệ thuật Cồng chiêng một trong những nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của người dân tộc Mường để góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Mường.
Do có nhiều kinh nghiệm, giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa nhân dân thôn Bưởi, đến nay đời sống của người dân trong thôn được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người. Số hộ khá và giàu chiếm hơn 70%; thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, 01 hộ cận nghèo, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm trên 92%. Nhiều năm qua Thôn Bưởi là một trong số thôn tiêu biểu trong các phong trào thi đua của xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.
Với những đóng góp tích cực cho địa phương về phát triển văn hóa cũng như kinh tế, ông Nguyễn Xuân Chằm nhiều năm liền được bình xét là hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Bản thân ông được tập thể người uy tín trong xã bình xét là người uy tín tiêu biểu xuất sắc được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, được Ban Dân tộc Thành phố, UBND huyện Ba Vì và UBND xã Khánh Thượng khen thưởng. Đặc biệt, vừa qua Người có uy tín Nguyễn Xuân Chằm được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023.
Ông Chằm cho biết: ''Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự NCUT, kịp thời động viên, khích lệ NCUT tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội. Hàng năm, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá và đoàn kết dân tộc; định kỳ được nhận các ấn phẩm báo, tạp chí. Vào dịp Tết được thăm hỏi động viên, tặng quà...
Đặc biệt từ năm 2022, theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố chúng tôi đã được Thành phố hỗ trợ hàng tháng là 745.000/người, và từ tháng 7/2023 được hỗ trợ là 900.000/người. Với những chính sách đặc thù được thụ hưởng, NCUT chúng tôi nhận thấy rõ đây là sự quan tâm, động viên rất lớn của thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ cho đội ngũ NCUT trên địa bàn Thành phố. Đây thực sự là nguồn động viên to lớn, đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm của mình cần cố gắng phát huy tốt hơn nữa vai trò của NCUT đối với nhân dân địa phương nói chung cũng như với đồng bào DTTS trên địa bàn nói riêng''.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, hiện nay huyện Ba Vì có 90 NCUT. Thực tiễn cho thấy, vai trò của NCUT có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền vận động, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào DTTS miền núi. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều NCUT và gia đình cũng tiên phong trong phong trào hiến đất, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh tại địa phương.
Chính từ sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp, NCUT huyện Ba Vì đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thật sự là “cánh tay” nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS; giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đóng góp xây dựng quê hương.