Đời sống xã hội

Ngược núi cùng đồng bào chống rét

Đà Giang 20/12/2023 - 19:06

Trong những ngày vừa qua, không khí lạnh liên tục được tăng cường đã khiến nền nhiệt ở miền Bắc giảm sâu, trời rét đậm, vùng núi rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao dưới 6 độ C. Thậm chí ở một số nơi nhiệt độ xuống còn 1-3 độ C, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động học tập của học sinh và đời sống của đồng bào.

Triển khai nhiều biện pháp phòng tránh

Trong những ngày qua, nền nhiệt toàn bộ khu vực các huyện miền tây của tỉnh Cao Bằng như Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng xuống thấp, chỉ từ 4-6 độ C, khu vực các xã biên giới Bảo Lạc và Phja Oắc, Phja Đén có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Nhiệt độ giảm sâu, thời tiết giá lạnh nên tại nhiều địa phương, người dân đã hạn chế ra đồng, lên nương rẫy mà các thành viên trong gia đình chủ yếu quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm.

img_7750.jpg
Xưa kia, đồng bào có thói quen chăn thả gia súc trên núi

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 210.000 con trâu bò. Vào thời điểm giá rét, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi chủ động trong việc bảo vệ đàn vật nuôi như vệ sinh, che chắn chuồng nuôi, giữ ấm cho vật nuôi; chủ động tích trữ rơm, rạ, trồng cỏ để làm thức ăn cho trâu, bò.

Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân dự trữ chất đốt như: củi, trấu, mùn cưa... để đốt, sưởi ấm cho gia súc những ngày rét đậm, rét hại. Vận động đồng bào di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.

Thực hiện vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thu dọn phân, thức ăn thừa hằng ngày, luôn giữ nền chuồng khô ráo, không để trâu, bò nằm trên nền chuồng ẩm ướt, ứ đọng nước tiểu; vận động, khuyến khích các hộ xây dựng hố ủ phân để xử lý chất thải hoặc xây dựng hầm biogas để tận dụng nguồn khí đốt sinh học và bảo vệ môi trường.

Là khu vực hàng năm thường xuất hiện băng giá, chính quyền các xã của huyện Nguyên Bình đã tuyên truyền, cập nhật cảnh báo tình hình rét đậm, rét hại đến người dân trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm và cây trồng. Ước tính trên địa bàn huyện có tổng số đàn trâu, bò lên đến hàng vạn con, việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi như cỏ, ngô, thóc và nuôi nhốt trong những ngày giá rét đã giúp đàn gia súc, gia cầm hạn chế thiệt hại khi thời tiết khắc nghiệt.

Ông Lý Phú Toàn (dân tộc Dao Tiền ở bản Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình) cho biết: Các loại gia súc, vật nuôi như trâu, lợn, gà, vịt đã được nhốt trong chuồng từ nhiều ngày qua: "Ở đây, nhà ông trưởng thôn có nhiều nhất là 10 con trâu, cạnh đường không được làm chuồng, thường cho lên đồi nhưng không xây được, rét lắm. Có lúc, sương muối làm gãy cả cành cây. Có lúc phải đuổi trâu qua suối, cho vào hang để nuôi. Khi cho vào hang thì không cần quây đâu".

Cũng giống như Nguyên Bình, Bảo Lạc là huyện có khí hậu khắc nghiệt, mùa nóng rất nóng mà mùa rét cũng rất rét. Núi Phja Dạ có băng tuyết rất nhiều, một số vùng lân cận như xã Hồng An, xã Xuân Trường có thời điểm cũng xuất hiện băng tuyết. Việc phòng chống rét cho trâu bò, vật nuôi hàng năm được chính quyền hết sức quan tâm, nhiều biện pháp thiết thực được triển khai, như mua bạt cấp cho bà con che chắn chuồng trại, vận động bà con cách chăm sóc vật nuôi, trời lạnh không cho uống nước lã...

abc.jpg.png
Giờ đồng bào đã biết nuôi nhốt tập trung, che chắn chuồng trại tránh rét cho trâu, bò.

Ngoài ra, rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều người mắc bệnh về hô hấp, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và trẻ em. Số bệnh nhân cao tuổi và trẻ em nhập viện tại các Khoa Nội tim mạch, Khoa lão, Khoa nhi Bệnh viện đa khoa các huyện tăng 10 - 20%.

Các y, bác sĩ khuyến cáo: thời tiết rét đậm, rét hại, nền nhiệt rất thấp, việc bảo vệ sức khỏe rất quan trọng. Mỗi người cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng.

Tích cực tuyên truyền, vận động

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, mấy ngày gần đây, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuống thấp, có nơi đã có rét hại. Thậm chí có những nơi nhiệt độ xuống đến 1-3 độ, như ở đỉnh Mẫu Sơn. Dự báo trong mấy ngày tới, nhiệt độ sẽ tiếp tục xuống thấp, có thể tới âm độ và xuất hiện băng giá trên một số vùng núi cao.

Trước tình hình đó, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra phòng, chống đói, rét tại các địa phương; ban hành văn bản đề nghị các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và cơ quan chuyên môn của tỉnh về phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Từ đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đói rét, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi; cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi quây vây kín chuồng trại, sưởi ấm cho vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp.

img_5418.jpg
Tích trữ cỏ và rơm khô cho gia súc trong mùa rét

Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng, chống đói, rét; khuyến cáo người chăn nuôi chuẩn bị đủ nguồn thức ăn dự trữ; tăng cường chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi...

Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, qua kiểm tra thực tế cho thấy người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phòng, chống đói rét, phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Tại một số xã, bản vùng cao, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, một số thời điểm có thể xuất hiện băng giá như ở xã Mẫu Sơn, Công Sơn, Hải Yến, huyện Cao Lộc, người dân đã có mô hình chuồng trại hai tầng (tầng trên chứa rơm, cỏ khô; trâu bò ở phía dưới), phòng, chống đói, rét khá hiệu quả.

Ở những địa phương khác trong tỉnh, để đối phó với nền nhiệt giảm sâu, các hộ nông dân đã chủ động các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, nhất là trâu bò. Nhiều gia đình đã xây chuồng trại kiên cố hoặc quây kín bằng bạt đảm bảo không cho gió lùa, đồng thời chuẩn bị trước thức ăn dự trữ và tăng cường cho ăn thêm để bổ sung dinh dưỡng cho gia súc nâng sức đề kháng chống rét.

Nhiều ngày qua, gia đình anh Triệu Văn Dũng ở Yên Khoái, Lộc Bình đã dành nhiều khá nhiều thời gian để chuẩn bị phòng chống rét cho đàn trâu trong mùa đông. Chuồng trại được gia cố lại, chắc chắn và kín đáo hơn, hố chứa phân gia súc được nạo vét, dọn dẹp sạch sẽ. Rơm rạ gặt trong vụ mùa vừa qua được gia đình anh đánh thành cây to để gọn gàng trong góc vườn.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu trong mùa đông giá lạnh. Mấy tháng nay gia đình anh Dũng đã trồng thêm mấy sào ngô đông để làm nguồn thức ăn dự trữ, chống đói và chống rét cho gia súc.

“Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật dự trữ thức ăn cho gia súc, giờ gia đình tôi đã biết cách ủ thức ăn chua và sửa chữa, củng cố chuồng trại nuôi nhốt để khi mùa đông đến, trâu bò không phải thả rông. Ở xung quanh nhà tôi, giờ nhà nào chăn nuôi gia cũng đều biết cách dự trữ rơm khô và trồng cỏ voi. Chứ ngày xưa chưa có hiểu biết về kỹ thuật, toàn chăn thả tự nhiên thôi, cứ mùa đông lại lo. Có năm trâu, bò, gà, dê chết hàng loạt. Xót lắm! Giờ thì không nhà nào để gia súc, gia cầm chết vì đói, rét nữa”, anh Dũng chia sẻ.

Cũng theo anh Dũng thì trước kia, gia đình anh cũng như nhiều hộ gia đình ở đây vẫn hay chăn thả tự do, giờ nhờ cán bộ thú y, y tế, khuyến nông xã, bản tích cực tuyên truyền, vận động nên thói quen đó dần thay đổi. Bên cạnh đó, trạm khuyến nông huyện cũng thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn về chế biến thức ăn, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình nhốt gia súc tập trung có hiệu quả.

Nhờ chính quyền các cấp và các ban ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên giờ đồng bào ở Lạng Sơn, nhất là đồng bào ở vùng núi, biên giới đã dần biết chủ động đưa gia súc xuống các vùng thấp để tránh rét, dự trữ củi để sưởi ấm. Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản thức ăn thô như dư trữ cỏ khô, rơm, cách thức bảo quản thức ăn tươi ủ chua, sắn, ngô để cho gia súc ăn trong mùa rét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO