Văn hóa

Áo cóm - Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Thái

Tạ Ngọc Sơn 23/11/2023 11:06

Trong các trang phục phụ nữ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thì áo cóm của người Thái được xem là một trang phục đẹp, vừa gọn gàng, tiện lợi trong lao động, sản xuất vừa thể hiện được những đường cong của người phụ nữ.

Trang phục của người phụ nữ đồng bào dân tộc Thái mà tiêu biểu chiếc áo cóm là một chiếc áo rất đẹp, được hình thành từ lâu đời qua quá trình lao động sản xuất, là một giá trị vật chất được kết tinh qua thời gian dài để đến ngày nay trở thành một trong những bộ áo váy đẹp nhất của đồng bào các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Ông Cầm Văn Phụi, 80 tuổi, trú tại bản Nặm Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: “Từ xa xưa cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, người Thái đã biết trồng cây bông để từ đó se sợi, dệt vải và nhuộm chàm để rồi từ đó làm lên chiếc áo cóm và váy cho người phụ nữ mặc”.

ong-cam-van-phun.jpg
Ông Cầm Văn Phụi: "Từ xa xưa, người Thái đã biết trồng bông, dệt vải để may ra chiếc áo cóm"

Ông Phụi chia sẻ thêm, công đoạn đầu tiên để tạo nên chiếc áo cóm là phải... trồng cây bông. Trong tiếng Thái, cây bông còn được gọi là “Pục co phải”. Đây là loại cây không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều, tuy nhiên năng suất lại rất thấp nên để làm được một bộ áo váy thì cũng đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức. Mỗi khi cây ra hoa, kết trái, bông trắng xóa cả vạt đồi.

Bông sau khi hái về được đem đi phơi. Công đoạn này cũng hết sức cầu kỳ. Nhiều khi người ta phải đến bảy lần nắng, sau đó mới tách hạt bằng tay, gọi là “iu phải” tức là cán bông. Sau đó dùng máy bật bông “Coong phải”, máy này đạp bằng chân, mục đích là để bông được xé nhỏ và trộn đều nhau thành khối gọi là cuộn bông.

Sau đó, cuộn bông được se thành sợi bằng một công cụ gọi là “Sồng phền” để se bông thành sợi như sợi chỉ. Công cụ này gồm một guồng bánh xe quay bằng tay dẫn tới một lõi chỉ. Quá trình se sợi rất kỳ công, quay cả buổi mới được một vài cuộn chỉ.

Sau khi se thành sợi, sẽ được đưa qua khung cửi gọi là “tằm hục” để dệt thành vải, rồi bắt đầu đem nhuộm bởi cây chàm thành màu xanh đen đặc trưng của vải chàm. Khi vải đã ngấm chàm, người ta mới mang ra may thành chiếc áo cóm và váy đặc trưng của đồng bào.

ba-lo-thi-ban.jpg
Bà Lò Thị Ban: "Ngày xưa, để may được một chiếc áo cóm phải mất rất nhiều thời gian và công sức"

Để may thành áo cóm, những người có điều kiện ngày xưa phải sắm cả một hàng cúc bướm bằng bạc. Tuy nhiên, trong cuộc đời mỗi người có khi chỉ có một bộ áo cóm có cúc bằng bạc. Áo cóm kết hợp cùng với váy dài tới mắt cá chân của người Thái cùng với thắt lưng màu xanh hoặc tím, hoặc bằng bạc gọi là “xỏi khoén eo”, khi đó trở thành một bộ trang phục hoàn hảo, đẹp tương tự như áo dài truyền thống của người Việt Nam.

Đặc điểm khác biệt của chiếc áo cóm đó là áo cổ kín nhưng “thắt đáy lưng ong”, cùng với hàng cúc bướm bằng bạc kết hợp với chiếc váy bó sát nhưng dài tới mắt cá chân, tôn các đường cong vốn có của người phụ nữ. Thêm với việc trang trí chiếc thắt lưng bằng bạc hay vải mầu xanh, mầu tím... làm cho những nét đẹp của người phụ nữ được tăng thêm.

Bà Lò Thị Ban, 54 tuổi, trú tại bản Bát Đông, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: “Việc trồng bông, dệt vải như như trước kia thì thế hệ chúng tôi khi lớn lên, lập gia đình, tức là cách đây khoảng 30 năm đã không còn phải làm nữa. Bởi lúc đó kinh tế đã bắt đầu khá giả, việc mua vải nhung, lanh và lụa đã trở nên dễ dàng nên chúng tôi chỉ mua về may áo cóm và váy để mặc hàng ngày”.

Hiện nay, áo cóm đã được cải tiến, cách tân rất nhiều, được may bằng những nguyên liệu như bằng nhung, lanh, lụa... hiện đại cho phù hợp với với người phụ nữ. Cũng chính vì có nhiều ưu điểm vượt trội nên chiếc áo cóm ngày càng được ưa chuộng. Không chỉ có khách du lịch, mà đồng bào nhiều dân tộc khác còn mua về mặc phổ biến như những bộ quần áo bình thường.

Đặc biệt, khu du lịch Mộc Châu là khu du lịch được quy hoạch phát triển thành Khu du lịch Quốc Gia thì áo cóm cùng với các váy áo của các dân tộc khác được bày bán rất nhiều, trở thành một trong nhưng trang phục được khách du lịch ưa thích, được mua và mặc nhiều nhất khi đến du lịch tại đây.

ba-dinh-thi-huong.jpg
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: "Chúng tôi luôn khuyến khích đồng bào các dân tộc trên địa bàn giữ gìn trang phục truyền thống, trong đó có chiếc áo cóm của người Thái"

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Việc khuyến khích phát triển các trang phục đặc thù của đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng. Cụ thể tại văn bản số: 1825/UBND-VHTT, ngày 22 tháng 5 năm 2023 của UBND huyện Mộc Châu đã nêu rõ: “Vận động người dân là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các bản du lịch cộng đồng như Bản Áng, xã Đông Sang; Bản Dọi, xã Tân Lập; Bản Vặt, xã Mường Sang; Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc… mặc trang phục dân tộc vào các ngày cuối tuần, các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương với mục đích, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, tạo ấn tượng cũng như góp phần quảng bá, giới thiệu, lan tỏa vẻ đẹp, nét đặc sắc của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đến với khách du lịch''.

Bà Hường cho biết thêm: “Hiện nay trên địa bàn huyện Mộc Châu người dân và khách du lịch mặc áo cóm đã cách tân về kiểu cách và màu sắc hay trang phục của đồng bào Thái đã trở nên phổ biến. Có thể nói, nhiều lúc áo cóm còn được mặc nhiều hơn áo dài truyền thống''.

khach-du-lich-mac-ao-com.jpg
Ngày càng có nhiều du khách hào hứng với chiếc áo cóm của người Thái

Như vậy, qua một quá trình phát triển như vậy đến nay áo cóm đã trở thành một trang phục đẹp, một nét văn hóa đặc sắc mang tính phổ biến cần có chính sách động viên, phát huy để trở thành một trang phục đẹp hơn nữa, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO