Xã hội

Yêu thương dồn tụ đại ngàn

T. Thành 05/10/2023 - 08:33

Được các dãy núi Pu Sam Cáp, Hoàng Liên Sơn bao bọc, cùng với lượng mưa lớn hàng năm đã tạo cho Lai Châu nhiều cảnh quan tuyệt mỹ. Từ trung tâm tỉnh lên Sìn Hồ rồi qua Nậm Nhùn, những cung đường cứ liên tục mở ra rồi chìm khuất trong ngàn mây bao phủ.

Phía cuối những cung đường cong cua, rợn ngợp ấy là Nậm Ban, nơi được coi là “vùng đất tổ”, địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc Mảng, một trong những dân tộc ít được biết đến trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tộc người theo... chân hoẵng

Theo những câu chuyện kể dân gian vùng Tây Bắc, Nậm Ban (Nậm Nhùn, Lai Châu) từ xưa kia đã được xem là “vùng đất tổ” của dân tộc Mảng. Các nhà khoa học cũng ghi nhận rằng, đây là một trong số ít những dân tộc bản địa của Việt Nam. Hiện, người Mảng là một trong số 5 dân tộc đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi với số dân chưa đến 3600 người.

anh-bai-yeu-thuong-don-tu-dai-ngan-1.jpg
Giúp đồng bào Mảng dựng nhà, từ bỏ du canh du cư

Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me thuộc ngữ hệ Nam Á, người Mảng xưa là dân tộc “ăn nương” chuyên sống bằng nông nghiệp nương rẫy theo lối du canh du cư. Họ không có nhiều nông cụ, chỉ biết theo dấu chân con hoẵng trên đất rừng để tra hạt vào đó rồi chờ cây lúa nảy mầm. Cứ thế đời này qua đời khác, họ luẩn quẩn trong rừng sâu. Cái tên “tộc người theo chân hoẵng” cũng ra đời từ đó.

Giờ trai gái Mảng đã biết dùng điện thoại để hẹn hò, trao đổi chuyện làm ăn, nhưng phương thức làm đồng áng vẫn như hàng trăm năm trước, và tỷ lệ nghèo đói của dân tộc này vẫn ở ngưỡng 70-80%. Ngay cả bản Nậm Ó - một bản được coi là lâu đời ở Nậm Ban, chỉ khi các dự án hỗ trợ cho người Mảng đã được triển khai thì cuộc sống của đồng bào mới từng bước đổi thay.

Tuy nhỏ bé là vậy, song người Mảng ở Nậm Ban vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục truyền thống. Nhà của tộc người này tuy nhỏ, song bên trong vẫn có vách ngăn thành các gian biệt lập làm nơi nghỉ cho người già, cho các cặp vợ chồng và con cháu. Giống như người Pu Péo, nhà của người Mảng cũng có hai bếp nằm ở hai gian đầu hồi. Bếp khách là nơi tiếp khách đến chơi, ăn thuốc, uống rượu ở ngay cửa ra vào và gần sát gian dành cho người già. Còn bếp chủ dành để nấu ăn nằm ở cuối nhà.

Có một điều đặc biệt là khi vào nhà người Mảng, không nên mang theo cây lá. Bởi dân tộc này quan niệm rằng, ông bà tổ tiên lúc nào cũng sống trong nhà, không thích sống trong rừng, vì vậy nếu đem cây xanh vào nhà tức là có ý đuổi ông bà tổ tiên ra ngoài rừng. Như thế, ông bà tổ tiên sẽ nổi giận mà giáng tai họa xuống cho con cháu.

Những quan niệm thuần phác như vậy trong cộng đồng người Mảng tồn tại như một lẽ tất yếu. Trong tâm thức, họ đề cao các thế lực siêu nhiên và coi vạn vật quanh mình đều có linh hồn. Họ đặc biệt coi trọng thầy mo và thường tổ chức hàng chục nghi thức cúng lễ như cầu phúc cầu thọ, cúng ma nhà, cúng bên ngoại, cúng hồn lúa, cúng ốm đau, đám tang, đám cưới rồi đến cúng cầu xin thần núi, thần sông, thần lúa…

Và cũng giống như các dân tộc ít người khác, vấn đề hôn nhân cận huyết, tảo hôn cũng là vấn nạn lớn của người Mảng bởi bà con chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, dẫu là con anh, con em, nhưng cứ khác họ là có thể lấy nhau. Phụ nữ sinh con vẫn đem đứa trẻ xuống suối rửa. Chính vì cuộc sống khắc nghiệt nơi núi cao, rừng thẳm, nên người Mảng là một trong những dân tộc có tuổi thọ bình quân thấp nhất tỉnh Lai Châu.

Sặc sỡ các sắc màu văn hóa

Dẫu cuộc sống thiếu khó trăm bề, song không vì thế mà nét dân ca, dân vũ của người Mảng kém đi phần tinh tế. Cây sáo, hay còn được gọi là “luôm” được coi là biểu tượng cho sự tự do, bình đẳng dành cho người con gái.

Chỉ có con gái Mảng mới được mẹ dạy cho làm và thổi sáo “luôm”. Con trai Mảng thì học đàn bầu. Khi đã có tình ý với nhau, tìm hiểu nhau bên suối hoặc bên đống lửa, người con gái sẽ thổi “luôm” và người con trai sẽ gẩy đàn bầu, không tỵ hiềm hay phân biệt là ai tấu trước. Khi hoà tấu theo cảm hứng bằng “luôm” và đàn bầu đó đến độ ưng nhau sẽ dẫn cưới. Tuy nhiên, sau khi thành gia thất, phụ nữ Mảng sẽ bẻ “luôm” không thổi nữa và chỉ khi có con gái thì mới truyền dạy lại.

Trong các dịp lễ Tết, ngoài tiếng “luôm”, khắp Nậm Ban còn vọng vang tiếng trống. Chỉ lần nghe tiếng trống ấy, giữa “vùng đất tổ”, mở đầu cho điệu múa “tà lơm”, người ta như thấy nhịp thời gian như đảo chiều trở về những ngày xưa cũ của người Mảng, thời còn du canh du cư, lang bạt trong các cánh rừng. Những động tác trỉa hạt lên nương được cách điệu trong điệu múa, giờ đây đã trở thành một ký ức thiêng liêng của dân tộc này trên bước đường đi vào một thời đại khác.

Từ thời xa xưa, các dòng họ người Mảng đều sinh sống trong một phạm vi, không gian riêng biệt. Dù vậy, luật tục chung của dân tộc vẫn được họ tôn trọng. Ví như phụ nữ có chồng phải buộc cuộn đuôi tóc thành chỏm, còn con gái chưa chồng vẫn phải để đuôi tóc. Nét độc đáo còn lại rõ nét là trong y phục phụ nữ Mảng. Đặc biệt nhất là tấm choàng quấn quanh thân bằng vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ gọi là tấm “pẹ".

Nhìn chị Chìn Me Tơn, ở Nậm Ban cùng những phụ nữ khác ở Nậm Nó khâu những đồng xu kim loại nên tấm “pẹ”, thật khó tưởng tưởng ra được chân dung của những người phụ nữ Mảng của ngày xưa với tục xăm cằm. Tục này bắt nguồn từ câu chuyện có một người Mảng có một người vợ quanh năm chỉ hành hạ, nhiếc móc chồng. Thần linh giận nên bày cho người chồng khâu mồm vợ lại. Dù giận vợ nhưng người chồng không nỡ ra tay, đã dùng gai châm lên mặt vợ rồi phết mực lá cây la hủy, tạo ra những đường như chỉ khâu. Hiểu được tấm lòng của chồng, cô vợ thay tâm đổi tính.

Người Mảng từ đó trở đi theo tục lệ này với mong muốn người phụ nữ sẽ luôn nết na, thảo hiền. Ngày nay, tục xăm cằm đã không còn, song khi một phụ nữ nào đó mất đi, trước lúc khâm liệm, thầy mo bao giờ cũng lấy than vẽ quanh cằm như đã xăm để họ được thuận lợi "nhập" về thế giới bên kia...

Tạm biệt đói nghèo

Những tưởng cuộc đời của người Mảng sẽ mãi trôi lăn trong bóng tối, thế nhưng tất cả đã thay đổi, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1672/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao giai đoạn 2011 - 2020”. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc này phát triển, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần..., thì nhiệm vụ được nhấn mạnh là “hỗ trợ hộ nghèo lương thực ăn khi thiếu đói, mắc điện sinh hoạt, làm nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hỗ trợ khai hoang, xây dựng ruộng bậc thang sản xuất lúa nước... Tổng kinh phí của đề án là hơn 1 nghìn tỉ đồng.

Kể từ khi Đề án được triển khai, xã Nậm Ban nói riêng và huyện Nậm Nhùn nói chung đã từng bước thay da đổi thịt. Nhiều tuyến đường đến các thôn bản được đầu tư xây dựng, hàng loạt các công trình thủy lợi được mở mang. Hệ thống trường, lớp học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư giúp các em nhỏ được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe…

Nhằm xóa bỏ lối sống du canh du cư của đồng bào, cán bộ còn xuống từng nhà để vận động và hướng dẫn bà con cách chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Trước đó, từng có những cán bộ cắm bản than rằng: “Vào được nhà người Mảng khó như đi vào rừng, khuyên được người Mảng đừng uống rượu khó bằng xuống dưới khe sâu, đưa được người Mảng ra ruộng cấy cầy thì khó hơn trèo lên đỉnh núi”.

anh-bai-yeu-thuong-don-tu-dai-ngan-3.jpg
Cán bộ Biên phòng hướng dẫn đồng bào Mảng trồng lúa nước

Khó thế mà những cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng 305 làm được. Những cái tên như Thiếu tá Lã Hồng Vương được nhắc đến nhiều trong câu chuyện của đồng bào. Đồng bào nhắc, tin tưởng các anh bởi khó có ai thông thuộc và gắn bó với nhân dân các dân tộc trên vùng đất Nậm Ban này bằng họ.

Bây giờ, cứ đến mùa, vào vụ là cả bản có mặt trên nương, bảo nhau cày bừa, cấy hái. Cuộc sống đã thêm phần no đủ. Người Mảng ở Nậm Ban bảo, phải làm thôi, khó đến đâu đã có Bộ đội Biên phòng giúp đỡ. Như con cúi dệt sợi lanh, người lính biên phòng trên những chiếc xe máy đã chạy từ bản trên sang bản dưới, cần mẫn dệt nên no ấm, dệt nên tình đoàn kết giữa các dân tộc ở Nậm Ban.

Ông Lý A Nhẹ, ở Nậm Ban chia sẻ: “Gia đình tôi nói riêng, người dân tộc Mảng nói chung trước đây nghèo lắm, vì không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Khi Nhà nước hỗ trợ cho trâu thì cũng chỉ nuôi thả thôi, nhưng giờ được các cán bộ bày cách trồng cỏ voi, không thả trâu trên rừng lâu ngày mà đem về nhà làm chuồng nuôi. Rồi cán bộ lại hướng dẫn trồng lúa nước dưới ruộng thấp, trồng thêm cây dong riềng, cây nghệ trên các nương cao. Đến nay, cuộc sống của các gia đình cũng khá lên nhiều rồi. Đặc biệt là lũ trẻ được đi học đàng hoàng”.

Giờ ở Nậm Ban, đường lớn đã mở, những điểm trường đã mọc lên, no ấm bắt đầu gõ cửa từng nhà. Khí xuân trên vùng biên cương Tây Bắc này cũng đang cựa mình thức dậy. Chắc Tết này, những bữa tiệc núi ở Nậm Ban sẽ phải tưng bừng lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO