Phát triển - Hội nhập

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Gia Ân-Lữ Phú 11/04/2024 - 18:13

Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng nhiều đoàn viên thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phát huy sức trẻ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu hiệu quả.

3(1).jpg
Bí thư đoàn xã Mường Ải, Moong Bá Nghĩa đang chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.

Anh Moong Văn Sơn ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn là 1 trong 25 gương mặt thanh niên người dân tộc thiểu số tiêu biểu của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An nhờ mô hình chăn nuôi gia súc tổng hợp, mỗi năm thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng.

Tích lũy được ít vốn, năm 2022, anh Sơn mạnh dạn mở thêm các dịch vụ cơ khí, xây dựng và vận tải, có thêm thu nhập cho gia đình từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 đoàn viên, thanh niên địa phương.

2(1).jpg
Hiện nay, Moong Văn Sơn đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương từ các dịch vụ cơ khí, vận tải và xây dựng.

Anh Moong Văn Sơn, chia sẻ: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên giá vật nuôi xuống thấp, trâu, bò thả rông, ít thức ăn, dẫn đến chất lượng vật nuôi ngày càng kém, do vậy, anh chuyển sang mở các dịch vụ, như cơ khí, vận tải và xây dựng. Mô hình dịch vụ cơ khí sau khi trừ các chi phí mua vật liệu, mang lại nguồn thu từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Còn dịch vụ vận tải và xây dựng mỗi năm cũng thu nhập hơn 200 triệu đồng''.

“Từ các loại hình dịch vụ của gia đình đang thực hiện, ngoài mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình, còn giúp 11 lao động là các thanh niên có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Đây là các lao động địa phương, họ vừa học nghề, vừa có thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, mô hình phát triển kinh tế của Bí thư đoàn xã Mường Ải, Moong Bá Nghĩa cũng là một trong những mô hình tiêu biểu của thanh niên trong lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế tại địa phương.

Năm 2017, Moong Bá Nghĩa mới học ra trường, không có việc làm ổn định, gia đình lại thuộc diện hộ khó khăn. Được Sở khoa học Công Nghệ tỉnh Nghệ An hỗ trợ 4 con dê giống, Nghĩa đã chăm sóc, nhân giống phát triển thành gia trại chăn nuôi dê thương phẩm đạt giá trị kinh tế cao. Hiện gia đình anh thường xuyên duy trì chăn nuôi hơn 100 con dê, mang lại thu nhập ổn định từ 120 đến 150 triệu đồng mỗi năm.

Anh Moong Bá Nghĩa, Bí thư Đoàn xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Thời gian đầu, vì chưa có nhiều kiến thức chăn nuôi nên tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, nhờ tìm hiểu trên mạng xã hội, tôi đã học hỏi kinh nghiệm và trồng thêm nhiều diện tích cỏ voi, trồng các giống cây dê thích, lấy lá cho dê ăn. Sau 5 năm, đàn dê phát triển rất tốt, mỗi năm xuất bán 2 lần, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng cho gia đình''.

Ngoài duy trì mô hình chăn nuôi dê đông nhất xã Mường Ải, gia đình anh Moong Bá Nghĩa còn xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi với 8 ô chuồng, nuôi hơn 20 con lợn đen bản địa, tạo việc làm cho vợ và có thêm thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm cho gia đình.

Ông Cụt Bá Nhâm, Chủ tịch UBND xã Mường Ải, cho hay: “Nhận thấy địa bàn xã Mường Ải có khí hậu nắng nóng, khô, rất phù hợp để chăn nuôi và tăng đàn dê. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có các chính sách hỗ trợ các thanh niên, nhất là chính sách vay vốn để các bạn trẻ nhân rộng mô hình và tập hợp thành các tổ hợp tác chăn nuôi, để tạo ra nguồn cung dê thương phẩm lớn hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn''.

7.jpg
Theo ông Cụt Bá Nhâm, Chủ tịch UBND xã Mường Ải, địa phương sẽ nhân rộng mô hình nuôi dê thương phẩm và thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi có quy mô, áp dụng KHKT vào chăn nuôi.

Con đường khởi nghiệp, làm giàu của các mô hình thanh niên như anh Moong Văn Sơn, hay Bí thư đoàn xã Mường Ải, Moong Bá Nghĩa, thể hiện tinh thần giám nghĩ, giám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên, nhất là thanh niên vùng đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. Họ là những người tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, tạo ra giá trị hàng hóa lớn, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay chính trên mảnh đất quê hương nghèo khó.

Đồng chí Vi Thái Thuận, Bí thư huyện Đoàn Kỳ Sơn, chia sẻ: “Thời gian qua, trên địa bàn, nhiều thanh niên đã đổi mới sáng tạo trong việc tìm kiếm hướng đi mới về phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất Kỳ Sơn, tiêu biểu như mô hình của đồng chí Moong Bá Nghĩa, Moong Văn Sơn và Xeo Văn Ba. Trong thời gian tới, Ban thường vụ huyện Đoàn cũng như các Sở, đoàn hội tiếp tục định hướng các đoàn viên thanh niên tiếp cận các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để có nhiều hơn nữa các mô hình có giá trị kinh tế, hiệu quả, giúp gia đình các thanh niên không những giảm nghèo mà làm giàu bền vững hơn''.

Hiện nay, Kỳ Sơn ngày càng có nhiều đoàn viên thanh niên có ý chí, khát vọng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên dân tộc thiểu số đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều bạn trẻ ở khu vực miền núi có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, thêm ý chí quyết tâm cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO