Đời sống xã hội

Tình quân dân nơi biên giới

Gia Bảo 03/11/2023 - 14:03

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các xã bản vùng sâu vùng xa, biên giới phải kể đến những đóng góp không nhỏ của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Bằng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của mình, những người lính mang quân hàm xanh đã và đang làm điểm tựa vững chắc cho những sơn dân nơi rừng thẳm.

“Gần dân, giúp dân”

Ngồi sau một trong những tay lái “cứng” của Ðồn Biên phòng Na Cô Sa (đứng chân tại xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) song tôi vẫn không nén được cảm giác hồi hộp khi chiếc xe máy đổ dốc. Ðêm trước trời bất chợt mưa làm con đường đất dốc lên dốc xuống trở nên trơn trượt. Lúc ăn sáng mấy anh trong Ban chỉ huy Ðồn nói vui rằng: “Chắc trời… quý anh em báo chí nên tặng cơn mưa”.

Ðúng là trận mưa rào làm quang mây mù, không gian bớt khô hơn nhưng cái sự “yêu quý” này khiến tôi cứ thon thót giật mình mỗi khi bánh xe trượt ngang trên vũng bùn. Trung úy Lục Văn Dũng, Ðội Vận động quần chúng của Ðồn liên tục phải đạp số 1, số 2 nhiều đoạn anh phải dùng cả 2 chân để “chèo” cùng chiếc xe mới qua được mặt đường trơn như mỡ.

Bản Na Cô Sa 2 nằm yên bình trên sườn núi. 72 hộ người Mông với những ngôi nhà giật cấp dần lên cao ẩn hiện sau những tán cây ăn quả lẫn cây rừng. Theo chân Trung úy Lục Văn Dũng, chúng tôi vào thăm ông Sùng A Chang, người mà Dũng gọi là “bố”. Vừa nghe tiếng xe máy, mấy đứa trẻ thò đầu khỏi khung cửa nhìn Dũng và toét miệng cười. Sự gần gũi hiển hiện trong từng ánh mắt.

anh-bai-tinh-quan-dan-noi-bien-gioi-1.jpg
Ông Sùng A Chang luôn xem Trung úy Lục Văn Dũng như người thân trong gia đình

Trong khi chờ mấy đứa trẻ chạy đi gọi ông Chang, câu chuyện “cắm bản” của Dũng bắt đầu được tãi ra. Dũng kể, hộ gia đình ông Chang cùng với 4 hộ gia đình khác ở 3 bản: Na Cô Sa 2, Pắc A1 và Pắc A2 là những hộ mà Dũng được Chi bộ Ðồn Na Cô Sa phân công phụ trách, giúp đỡ. 5 năm tuổi đảng, được giao phụ trách khá nhiều hộ gia đình nhưng chàng thanh niên quê Lào Cai này có vẻ rất tự tin với nhiệm vụ được giao.

“Lúc đầu cũng có chút áp lực nhưng bắt tay vào việc là dần quen thôi. Nhiệm vụ của em là nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm tư nguyện vọng của các hộ gia đình; tuyên truyền vận động họ chấp hành tốt đường lối của Ðảng, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương; giúp họ nhận thức được âm mưu, phương thức chống phá của các thế lực phản động, phần tử xấu. Ðồng thời chủ động giúp các gia đình xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống”, Dũng chia sẻ.

Chúng tôi đang nói chuyện dưới tán cây xanh ngắt, thơm ngát hương hoa bưởi thì có tiếng xe máy gằn số lên dốc rồi tắt máy trước cổng. Vừa vào đến sân, ông Chang đã vồn vã: “Chào anh em nhá! Dũng à, mình có việc ra xã tý. Ðến lâu chưa?”. Nói rồi ông cười hồn hậu, bắt tay từng khách, nhận túi quà Trung úy Dũng đưa rồi mời tất cả vào nhà.

Bước chân qua cửa, không gian trong nhà ấm hẳn bởi ba khúc củi lớn vẫn được om than hồng. “Mình quê ở Sín Chải, năm 1992 thì đến Na Cô Sa, cũng là những người đầu tiên đến đây đấy! Ngày đấy khó khăn lắm. Bây giờ thì tốt hơn nhiều. Nhưng mình không may lại bị đau chân đau tay do mắc bệnh gút (bệnh Gout - PV) rồi!”, ông Chang vừa nói vừa chỉ cho xem những khớp xương bị sưng.

Mấy chục năm mưu sinh ở miền biên viễn, ông Chang cũng đã trải qua nhiều vất vả. Không chỉ đời sống kinh tế mà duyên số ông cũng trúc trắc khi phải “đi” tới tận “3 lần đò” với tổng cộng con cái (tính cả người đã mất) thì bằng… 2 đội bóng đá (22 người). Chăm chỉ lao động, cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, gia đình ông Chang có tài sản là 2 con trâu, hơn 2ha ruộng nương trồng ngô lúa, nhà không phải lo thiếu ăn.

“Già rồi vẫn vất vả. Không còn đói nghèo nhưng con còn bé quá! Bộ đội Biên phòng thì giúp nhiều lắm. Dũng thì hay đến rồi, còn khi nhà có công việc, anh em trong Ðồn đều đến giúp. Vụ lúa vừa rồi anh em cũng giúp hơn 10 công thu hoạch đấy! Không chỉ nhà mình đâu, Bộ đội Biên phòng giúp cả bản nữa”, ông Chang tâm sự.

Thắt chặt tình quân - dân

Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều xác định rõ giúp dân là giúp mình, dân tin tưởng sẽ giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Quý tâm sự.

Từ điểm cao hơn 800m gió lùa lạnh giá chúng tôi phóng mắt nhìn những ngôi nhà rải rác phía xa. Ðúng là Na Cô Sa còn gian khó lắm. Ðịa hình núi cao, chia cắt, giao thông cách trở. Ðời sống người dân phụ thuộc nông nghiệp với canh tác trên nương là chủ yếu. Vì thế xã còn trên 80% hộ nghèo. Mới có rất ít công trình kiên cố như trường học trung tâm, trụ sở xã, trung tâm y tế.

anh-bai-tinh-quan-dan-noi-bien-gioi-2.jpg
Trưởng bản Huổi Thủng 1 Vàng A Nhà (thứ 2 từ trái sang): “Phải quyết tâm để thoát nghèo thôi!”

“Càng khó khăn vất vả càng phải bám địa bàn, sát dân thì mới hiểu và mới có giải pháp giúp họ từng bước vươn lên. Mà trong nhiều biện pháp công tác, việc phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình là một biện pháp đơn vị đang triển khai thực hiện”, Thượng tá Quý nói với chúng tôi mà như tự sự với chính mình.

Chúng tôi hiểu rằng, các anh đã vất vả, nỗ lực vận động, gây dựng để hiện nay đã có 4 tập thể và 39 hộ gia đình tham gia tự quản toàn tuyến 17,501km đường biên, 5 mốc quốc giới; 9 tổ với 54 thành viên tham gia tự quản an ninh trật tự bản khu vực biên giới. Ðặc biệt là vận động người có uy tín gương mẫu đi đầu trong tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới, giải quyết những vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Biên viễn chuyển mình

Do đường trơn, khó đi nên chúng tôi bị trễ hẹn với Thượng úy Giàng A Ngọc, Đội trưởng Tăng cường xã được chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy xã Na Cô Sa. Nhìn chúng tôi giày dép lấm lem bùn đất, anh Ngọc cười thấu hiểu, vừa rót nước mời khách. Sau chén chè nóng hổi, chúng tôi leo bộ lên nhà Vàng A Nhà, ở bản Huổi Thủng 1. Đây là 1 trong 6 gia đình Thượng úy Ngọc phụ trách giúp đỡ.

Vàng A Nhà là một thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giao tiếp rất tự tin. Nếu như gia đình ông Chang, với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng có đời sống kinh tế ổn định thì Vàng A Nhà lại trưởng thành ở một mặt khác. Chịu khó học hỏi lại năng nổ, nhiệt tình nên Vàng A Nhà được dân bản quý trọng. Phần thưởng xứng đáng là tháng 10/2019, Vàng A Nhà được dân bản Huổi Thủng 1 tín nhiệm bầu làm trưởng bản.

anh-bai-tinh-quan-dan-noi-bien-gioi-3.jpg
Cán bộ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa dạy chữ cho 2 “con nuôi của Đồn”

“Từ ngày được bầu làm Trưởng bản, mình luôn động viên đồng bào phải đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo. Mình còn trẻ phải gương mẫu phấn đấu để bà con làm theo!”, Vàng A Nhà quả quyết.

Chiều biên giới tối nhanh. Nhiệt độ giảm sâu, trời rét ngọt. Trên nóc bản Huổi Thủng 2, nhiều gia đình đã bắt đầu “cơm lên khói”. Chia tay Nhà, chúng tôi trở lại con đường đất về Ðồn Na Cô Sa. Trời mỗi lúc lại rét hơn, làm những dải khói trắng mờ từ nhà dân chỉ luẩn quẩn trên nóc nhà, tán cây mà không thể bốc lên cao. Tôi chợt thấy một điều ấm áp ở xã biên giới xa xôi này. Nó đến từ sự chân thành, tận tụy của Bộ đội Biên phòng; từ sự chịu thương chịu khó, trách nhiệm với cộng đồng như ông Chang hay những “thanh niên mới” đầy nhiệt huyết như anh Nhà. Và tôi tin, dù còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng miền biên viễn này sẽ từng bước chuyển mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO