Tiêu điểm

Tổ quốc nhìn từ biển

Tản mạn của Nguyễn Trung Thành 03/11/2023 08:00

“Nếu Tổ quốc là tình yêu bất tử/Là gia tài truyền lại của ông cha/Là cội nguồn vô tận của thơ ca/Thì biên giới - Nơi bắt đầu Tổ quốc”.

1. Biên giới – hai tiếng gọi ấy luôn là điều thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân đất Việt. Trải ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã luôn chú trọng xây dựng phương lược bảo vệ, tạo lập đồn trại trấn thủ ở những nơi hiểm địa. Qua các triều đại lịch sử, triều đại nào cũng âm vang những chiến công bảo vệ giang sơn xã tắc, đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi bờ; triều đại nào cũng rạng rỡ bao tấm gương anh hùng hào kiệt, xả thân giữ yên cương vực. Nối nghiệp cha ông, bảo vệ giữ gìn từng thước núi, tấc sông, từng đảo nổi đảo chìm thuộc chủ quyền của Tổ quốc là sứ mệnh thiêng liêng đối với toàn dân tộc.

“Biên phòng hảo vị trù phương lược/Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương lược tốt/Đất nước nên có kế lâu dài), lời dạy của Đức Lê Thái Tổ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tư tưởng chiến lược ấy vẫn sẽ còn mãi trường tồn với thời gian. Giờ đây, trên mỗi tấc đất biên thùy, lớp lớp cháu con đã và đang mang sức trẻ và trí tuệ của mình để phát huy, gìn giữ những thành quả mà cha ông để lại; trên mỗi đảo nổi đảo chìm, những người lính không quản gian nan đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ lãnh hải để hình hài Tổ quốc mãi mãi được vẹn nguyên.

abc.jpg.png
Vững chắc tay súng

Cùng với đất liền thì biển đảo là phần không thể tách rời của đất nước Việt Nam, qua nghìn đời vẫn vậy. Lịch sử đã chứng minh rằng, từ mấy trăm năm trước, các triều đại vua chúa nước ta đã phái cử binh phu đi làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, đo đạc thủy trình, canh giữ biển đảo và khai thác sản vật trên các vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ, phần lớn là những thanh niên trai tráng ở Lý Sơn và một số huyện ven biển của tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

“Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có, nhưng không thấy về”, câu ca ấy, từ hàng trăm năm nay vẫn cất lên da diết cùng với tiếng ốc u, trong những buổi chiều muộn trên núi Thới Lới, giữa ràn rạt gió và vị mặn mòi của biển, đã nói lên cái tâm thế sẵn sàng vị quốc vong thân của những hùng binh Hoàng Sa thưở trước. Dẫu biết mình sắp sửa xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dẫu chỉ là tuần thú “hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, họ vẫn lặng lẽ tạm biệt mẹ già, vợ dại, con thơ, đem theo thẻ bài, manh chiếu xuống thuyền đi về phía Bãi Cát Vàng.

Và dẫu biết chồng mình “một đi không trở lại”: “Ầu ơ ờ ơ ơ…! Đến mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã mãn. Ầu ơ…! Chứ cá chuồn đã mãn sao anh chưa về? Ầu ơ…! Hoàng Sa đi có về không, chiếu vua đã dụ quyết lòng ra đi...” thì những người vợ ở Lý Sơn vẫn “Ơ ơ ơ…! Con ơi con ngủ cho mau! Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng. Ơ ờ ơ…! Ốc u đã thổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa. Ơ ớ ơ (chớ) Hoàng Sa là của nước ta. Để người ngoại quốc xâm vào chẳng an”.

Ở Lý Sơn, quê hương của Hải đội Hoàng Sa, trời trong vắt, nước trong vắt, trong như nước mắt thiếu phụ chờ chồng. Bạt ngàn khắp đảo là những thân dâu mồ côi và những ngôi mộ gió, cùng với dáng ngồi bó gối như định mệnh trăm năm của những người phụ nữ khi hoàng hôn xuống và khói bếp lên! Hồn Hoàng Sa, khí phách Trường Sa, có lẽ ở sâu thẳm nhất trong những lời hát ru và trong cái dáng tựa cửa chờ chồng ấy.

a-6.jpg
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn

Nhờ những hùng binh trong Hải đội Hoàng Sa thuở ấy, nhờ những thiếu phụ biết gạt bỏ tình riêng và nhờ những ngư dân đời đời bám biển nữa, tất cả đã góp phần khẳng định tuyệt đối về chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhất là trên hai vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ hàng trăm năm trước.

Đến giờ, sử sách Đông – Tây rồi bia đá vẫn còn ghi, từ cả nửa nghìn năm nay, những ngư dân ở các huyện Lưỡng Quảng xứ Đàng Trong đã liều lĩnh xông pha, cởi trần đóng khố, giong thuyền vượt biển ra khơi. Bao nhiêu bè mảng, biết mấy gạo tiền, rồi cả những sinh mạng toàn trai tráng hưng đinh ròng rã hàng mấy trăm đời. Họ đã mày mò, dò dẫm, bạc tóc xém râu, để từng bước biết luồng lạch ngọn triều, chôn mốc cắm tiêu mở mang khai thác. Họ coi Hoàng Sa, Trường Sa như góc sân mảnh vườn, vừa cặm cụi mưu sinh, vừa rào giậu giữ gìn.

Biển sâu nhớ bóng, triều đình nhắc công nên nhiều lần ban chiếu dụ khuyến khích họ hoạt động, còn cấp thẻ bài, gạo tiền cho họ hành nghề nữa. Dân chúng cảm phục, chẳng những cưu mang, chu toàn vợ con họ ở nhà, mà còn mở hội khao quân, cúng dường Thần Biển Thần Gió hàng năm vào ngày 27 tháng Ba, cầu sự phù hộ độ trì cho họ. Có thể nói, cõi bờ Việt Nam ngày nay rộng dài bát ngát như thế, không gian sinh tồn của ta khang trường khoát lộng đến vậy, cũng là nhờ một phần công rất lớn của những người mở cõi, những ngư dân bám biển truyền đời…

2. “Hỡi ôi/Đất Việt trời Nam, nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ/Cho hay, sinh ký tử quy, đi có về không, thân đã mất mà danh ấy thọ/Xót thương thay/Những binh phu tuân lệnh triều đình bảo vệ biên phòng - lãnh hải đã liều thân vì Tổ quốc/Son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi/Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...”.

Tiếp nối cái ý chí quật cường đó của những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải xưa kia, giờ đây, trên mỗi đảo chìm đảo nổi, trên mỗi cánh sóng, âu tàu đang có lớp lớp chiến sỹ ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc. Họ, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, mỗi người mỗi cảnh. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã tạm gác tình riêng, vượt ngàn hải lý ra đây nguyện giữ yên bờ cõi.

tuan-tra-tren-dao.jpg
Tuần tra nơi chân sóng

Dẫu có đối diện với trăm ngàn khốn khó, hiểm nguy chực chờ từ phía biển thì những người lính ấy vẫn kiên trung bám trụ nơi đầu sóng, hy sinh xương máu, tận hiến tuổi thanh xuân để Trường Sa, Hoàng Sa trở thành đảo thép, thành chiến hạm nổi kiên cường giữa trùng khơi; để dẫu “Không đường biên sóng, không cột mốc” thì “Cương vực vẫn ngàn đời hiển hiện giữa thẳm xanh”; để rồi sớm mai kia thức dậy, thấy “Đường ra trận sớm nay hoa sóng nở/Con ngỡ quê mình mùa lúa chín thơm rơm”…

Nhìn trên bản đồ đất nước, Trường Sa, Hoàng Sa hiện ra chỉ như hai đám mây với những chấm nhỏ. Nhưng những đám mây ấy, từ lâu đã cư ngụ trong mỗi trái tim người Việt Nam ta như những mảnh hồn, vệt máu quý giá mà mỗi khi nghĩ về đó, một niềm xúc động lâng lâng lại tuôn trào khó tả.

Từ nhiều năm nay, đồng bào cả nước luôn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung với nhiều hành động ý nghĩa thiết thực, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những phong trào như “Góp đá xây Trường Sa”, “Viết thư gửi lính đảo Trường Sa”, “Vì biển đảo thân yêu”, “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Vì biển xanh quê hương”… từ lâu đã như nhịp cầu nối những yêu thương giữa đất liền với đảo xa, đem triệu triệu tấm lòng của đồng bào cả nước gửi về chân sóng.

ngu-dan-bam-bien-1-.jpg
Ngư dân kiên trì bám biển

Hòa chung vào không khí đó, TANDTC thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, tặng quà lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển; thăm tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa, trao học bổng, xe đạp cho con em cán bộ chiến sỹ công tác ngoài biển đảo. Những chuyến thăm ấy, cùng những phần quà tuy nhỏ bé nhưng thấm đượm tình cảm lớn lao đó đã phần nào nói lên tinh thần “Hết lòng vì biển đảo thân yêu” của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức TAND các cấp.

Đồng thời, những nghĩa cử cao đẹp đó cũng một lần nữa khẳng định: TAND không chỉ là cơ cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mà còn có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ về chủ quyền biển đảo.

Không chỉ những khi “biển động” thì phong trào “Tất cả vì biển đảo thân yêu” mới được dấy lên, mà từ nhiều năm nay, phong trào ấy đã trở thành hoạt động thường xuyên trong hệ thống TAND và được lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm, thường xuyên phát động. Bởi cũng như bao người dân Việt Nam, mỗi cán bộ công chức Tòa án đều thấu hiểu được những khó khăn, vất vả, thiếu khó mà các chiến sĩ ngày đêm đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo đang phải đối mặt, trải qua. Thế nên, những lời hỏi thăm động viên cùng những món quà nặng tình nghĩa lúc nào cũng sẽ là động lực để họ thêm vững vàng ý chí.

3. Với trách nhiệm xã hội của người làm báo, báo Công lý – một thành viên trong “đại gia đình” TAND Việt Nam – từ nhiều năm qua đã luôn chung tay, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước và đồng bào hướng về biển đảo. Ngoài việc đồng hành, đóng góp trong tất cả các hoạt động thiện nguyện do TANDTC phát động, trên mỗi ấn phẩm, báo Công lý còn có nhiều bài viết về chủ đề biển đảo nhằm tuyên truyền, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, biểu dương tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thể hiện niềm tin vững chắc và khát vọng của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhớ những ngày biển quê hương dồn cơn sóng cả, báo Công lý đã luôn dành vị trí trang trọng nhất cho Hoàng Sa và Trường Sa - Những hòn phong ba đất Mẹ. Và tháng nối tháng, năm nối năm, ngày càng có nhiều hơn những người cầm bút của bản Báo tình nguyện theo tàu ra khơi, đi về phía mặt trời để làm nhiệm vụ. Họ sẵn lòng đối mặt bão giông, theo ngư dân lao vào sóng cả. Họ cũng quên thân để theo bám những người lính biển, để ghi lại được mọi khoảnh khắc nơi tuyến đầu, để cùng được sẻ chia gian nan với biển. Và, bằng trái tim mang bầu nhiệt huyết trong lồng ngực, họ đã viết nên những trang báo thắp lửa ngọn sóng hồng.

dsc_1307.jpg
Phút giải lao của những người lính

Trên mỗi bản tin, bài viết đó, trên mỗi từng con chữ là sự gắn níu những tấm lòng xa gần từ mọi miền đất nước, là hòn than nhen lan từ lòng người đến lòng người tình yêu thiêng liêng; truyền vào hơi thở nhau những chân thành sẻ chia, những đau đáu xót xa, những vững vàng niềm tin và chí khí chiến đấu quật cường. Ngày mỗi ngày, triệu triệu trái tim của bạn đọc cả nước đồng hành cùng những người làm báo dõi theo bước trùng đảo nhỏ; ngày mỗi ngày, độc giả lại chờ đợi những trang viết mà người cầm bút ở Công lý đã trải lên không chỉ đơn thuần là con chữ, mà là cả nhịp đập trái tim mình.

Đó là những trang viết hiên ngang, kiên cường của một trưa hè chiến công rực vàng sóng biển. Đó là trang viết thắc thỏm lo âu của giây phút cam go. Đó là dòng sẻ chia cho nhau từng nỗi nhọc nhằn, gian lao của bao người nơi đầu sóng. Đó là những con chữ thao thiết chạm vào triệu tâm hồn những người con đất Việt nơi xa xứ, gọi từng ánh mắt và nhịp tim hướng về Tổ quốc ngày bão lửa. Đó là những trang viết rắn rỏi mà kiêu hùng, kiên định trước kẻ thù, để minh chứng một Việt Nam tự ngàn đời không bao giờ khuất phục. Đó là…., là tất cả những gì lớn lao, những gì ý nghĩa nhất mà những người cầm bút của báo Công lý viết lên từ trái tim con cháu Tiên Rồng…

Trong gian lao mới thấu thế nào là đau nỗi đau Tổ quốc, yêu tình yêu đất Mẹ như đau, như yêu máu thịt mình. Cứ thế, bằng ngòi bút của mình, báo Công lý đã và đang cố gắng làm tròn sứ mệnh thiêng liêng với Tổ quốc. Đó là sứ mệnh chiến đấu, sứ mệnh nhen lửa và truyền ngọn lửa yêu nước thật nhanh, thật mạnh mẽ và lan sâu trong lòng mỗi người dân đất Việt. Và trên hết, đó là sứ mệnh xây lên những lô cốt ý chí quật cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO